PVN: Các nhà máy chế biến dầu khí sẵn sàng cho cách mạng 4.0

Ngày 26/4, tại thành phố Hội An, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ứng dụng vào các nhà máy chế biến Dầu khí để nâng cao năng lực cạnh tr
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Kinh tế Trung ương ; Bộ Khoa học Công nghệ; Tập đoàn FPT; Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel... cùng các diễn giả khác. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có sự tham dự của ông Phan Đình Đức, Thành viên HĐTV PVN; ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc PVN; ông Lê Xuân Huyên, Trưởng Ban Chế biến Dầu khí; ông Đỗ Đông Nguyên, Trưởng Ban Khí...

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã giới thiệu với các vị đại biểu về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 và những cơ hội, thách thức với đất nước nói chung, ngành Dầu khí và các nhà máy chế biến Dầu khí nói riêng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày nhiều ý kiến, tham luận về sự tác động và các giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các nhà máy chế biến Dầu khí.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa hoc và lãnh đạo các đơn vị thành viên của PVN

Bàn về một số giải pháp phát triển ứng dụng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực chế biến Dầu khí, ông Bùi Ngọc Dương, Phó Trưởng Ban CBDK PVN cho rằng, đây là một nhu cầu bức thiết đối với các nhà máy chế biến dầu khí trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, cần có một chiến lược tổng thể với chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra cũng gặp thách thức về rào cản chính sách, rủi ro về an ninh, an toàn khi kết nối với bên ngoài.

Ông Bùi Ngọc Dương cũng nhận định, với hạ tầng về công nghệ thông tin, tự động há, trình độ quản lý, nhân lực... và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp CBDK của PVN thì việc tiếp cận và ứng dụng CMCN 4.0 vào sản xuất, kinh doanh là hoàn toàn có cơ sở. Điều đó có thể áp dụng bằng cách tiếp tục tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng, phân phối; sử dụng robot vào các việc có tính chất lặp lại, phổ thông như đóng bao, bốc xếp trong nhà máy đạm, lấy mẫu tự động trong các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí... và tại các khu vực có mức độ nguy hiểm cao, khó tiếp cận.

Tham luận tại hội thảo, ông Trần Ngọc Nguyên Tổng giám đốc BSR cho biết, NMLD Dung Quất đang vận hành bằng hệ thống tự động hoá của Mỹ. Công tác vận hành sản xuất, theo dõi thiết bị và bảo dưỡng được thực hiện một phần bằng trang thiết bị tự động. Trong tương lai, NMLD Dung Quất lấy công nghệ thông tin làm nền tảng. Ví dụ, nhà máy sẽ áp dụng CNTN và công tác điều độ tàu bè, rô bốt hoá, tự động hoá các xe nâng… Để làm được điều đó, BSR đã có chiến lược đào tạo con người có kỹ năng cao.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chủ trương về việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là: nghiên cứu các nguồn lực và lĩnh vực kinh doanh chính phù hợp với chiến lược phát triển của từng đơn vị để áp dụng công nghệ 4.0; Tập trung áp dụng KHCN vào các lĩnh vực cốt lõi; Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; Ứng dụng những xu hướng công nghệ mới phù hợp với thực tiễn của nhà máy chế biến dầu khí.

Ông Phan Đình Đức, Hội đồng thành viên PVN nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp 4.0 phải được kết nối với 3.0. Các đơn vị khâu sau của ngành dầu khí cần phải tuyên truyền cho người lao động để nâng cao nhận thức, phải tự nhận thức được năng lực hiện tại để tự đào tạo, cho người lao động thấy rằng trong cuộc cách mạng 4.0 này, nếu không tự đào tạo thì sẽ là vật cản cho sản xuất kinh doanh và hiệu quả của các đơn vị thành viên.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Huyên, Trưởng ban Chế biến dầu khí PVN cho rằng, cần lựa chọn kỹ càng. Ví dụ 1 số phân xưởng công nghệ ở NMLD Dung Quất không dễ gì thay đổi hoặc áp dụng công nghệ 4.0 trong một sớm một chiều. NMLD Dung Quất cần tập trung vào quản trị dữ liệu, tối ưu hoá dầu thô, hoá phẩm nhân lực… Ngoài ra, các dự án của PVN cũng nên áp dụng công nghệ 4.0 ngay từ thời điểm đầu tư dự án.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng: PVN và các đơn vị thành viên chắc chắn không đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0. PVN thống nhất nhận thức, 4.0 có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh; Coi đây là cơ hội cũng là thách thức và có giải pháp tận dụng cơ hội đặc biệt này. Đổi mới, sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng và mang lại sức cạnh tranh mới trong tương lai. Tài năng của con người và lao động sáng tạo mới giúp doanh nghiệp có sức cạnh tranh.

Phó Tổng giám đốc PVN yêu cầu các nhà máy dầu khí khâu sau cần hoàn thiện báo cáo gửi Tập đoàn về việc đánh giá thực trạng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải đặt mục tiêu tăng trưởng thì ắt sẽ có giải pháp và nghĩ ngay đến công nghệ 4.0. PVN cần lựa chọn đối tác tư vấn, hợp tác, đầu tư một cách có chọn lọc.


Đức Chính