Phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: Thực trạng và một số giải pháp

TS. HOÀNG VĂN THÀNH (Viện Cơ khí, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

TÓM TẮT:

Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Để đạt được những thành tựu đó, ngành Công nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển công nghiệp Việt Nam đã và đang còn những bất cập, khó khăn, trở ngại. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở hệ thống quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp trong thời kỳ đổi mới, khái quát thực trạng phát triển của ngành này, tác giả đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: công nghiệp, đổi mới, phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 xác định: Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD [9]. Để đạt được mục tiêu này, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chỉ rõ những hạn chế căn bản và nguyên nhân, từ đó có giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế này tiếp tục phát triển theo hướng nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết.

2. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp trong thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ VIII (1996) của Đảng đã xác định mục tiêu: Đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Qua các Đại hội IX, X, XI, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại được xác định xuyên suốt, trong đó phát triển công nghiệp là để tạo nền tảng thực hiện mục tiêu đó. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Xây dựng nền công nghiệp nặng với bước đi thích hợp, trước hết là các ngành trực tiếp phục vụ nông nghiệp” [3]. Đại hội X của Đảng (2006) chủ trương “Phát triển đồng bộ công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng, công nghiệp quốc phòng, góp phần xây dựng nền tảng cho một nước công nghiệp và nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế.” [4].

Đến Đại hội XI (2011) mục tiêu phát triển công nghiệp xác định là: “Ưu tiên phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị thay thế nhập khẩu cho công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng; công nghiệp công nghệ cao sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, công nghiệp dầu khí, điện, than, khai khoáng, hóa chất, luyện thép, xi măng, phân đạm..., công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng. Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn” [5]. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã hoàn thiện và làm rõ hơn đường lối phát triển công nghiệp: “Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới” [6].

Tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định: nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Từ đó, Đảng đề ra chủ trương: “Cơ cấu lại, xây dựng nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, từng bước có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu” [7].

Để triển khai Nghị quyết các Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề, Kết luận đối với một số lĩnh vực công nghiệp, như: về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai khoáng và các ngành công nghiệp có hiệu ứng lan tỏa như cơ khí, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Đảng đã ban hành một số Nghị quyết có tác động gián tiếp đến phát triển công nghiệp như các nghị quyết về hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đất đai, xây dựng đội ngũ doanh nhân, cải cách thủ tục hành chính… Ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp...; Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại” [2]

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, cụ thể:

“Đến năm 2025…: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030…: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045…: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [4].

3. Thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Về tốc độ tăng trưởng: Sản xuất công nghiệp trong thời kỳ đổi mới đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. Bình quân 20 năm (1986 - 2005) tăng 12,3%, bằng 1,7 lần tốc độ tăng bình quân của 20 năm trước đổi mới (1966 - 1985) [12]. Trong thời kỳ chiến lược (2011 - 2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới [13]. Cùng với tăng trưởng ổn định, công nghiệp đã hình thành được một số ngành chủ lực của nền kinh tế, như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020 [16].

Về năng lực cạnh tranh: Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Giai đoạn 2009 - 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành Công nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí 58 lên vị trí 42 (tăng 16 bậc) theo bảng xếp hạng của UNIDO; trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN [11].

Về cơ cấu: Cơ cấu nội ngành Công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nhóm ngành Khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành Chế biến, chế tạo trong GDP. Giai đoạn 2010 - 2020, tỷ trọng nhóm ngành ngành Khai khoáng liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 còn 5,55% năm 2020). Trong khi đó, nhóm ngành Công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành Công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% vào năm 2020) [1]. Công nghiệp Hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Về hình thành các khu công nghiệp: Trong thời kỳ đổi mới, các khu công nghiệp đã được thành lập ở các tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Tính hết năm 2021, có 397 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122.900 ha. Đã có 291 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 71%, xấp xỉ so với cuối năm 2020. Các khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm [15].

Cùng với đó, sự phát triển công nghiệp trong thời kỳ đổi mới đất nước đã thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn, đến từ nhiều công ty, tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới. Tính lũy kế đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 27.353 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 340 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt khoảng 191,4 tỷ USD [14], góp phần thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Đây là nguồn “ngoại lực” quan trọng của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển công nghiệp ở nước ta trong thời kỳ đổi mới còn nhiều nhiều hạn chế, bất cập. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá: “nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững;... trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác;...” [2]. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế [4]. Trên thực tế, có thể nhận rõ những hạn chế cơ bản sau:

Một là, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiều năm, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP thay đổi không lớn. Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đã đề ra. “Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu còn lớn, trình độ công nghệ sản xuất nhìn chung vẫn thấp so với thế giới; chưa hình thành được mô hình các cụm ngành chuyên môn hóa, công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp” [4].

Hai là, trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Năng lực nội tại của ngành Công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi khả năng chuyển giao công nghệ hiện đại của khu vực FDI còn nhiều hạn chế.

Ba là, năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước khác trong khu vực và châu lục. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Bốn là, năng suất lao động ngành Công nghiệp thấp, còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và thế giới. Các ngành sản xuất công nghiệp chưa thực sự thu hút mạnh mẽ lao động để tạo ra sự dịch chuyển lớn về cơ cấu lao động chung của nền kinh tế. 

Năm là, công nghiệp hỗ trợ chưa được quan tâm phát triển đúng mức.  Hiện nay, năng lực của công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đối với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Việc liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn kém hiệu quả. Không gian phát triển công nghiệp hiện nay còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu sự hợp tác và phân công lao động trong vùng, chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc dựa trên lợi thế so sánh. Phát triển công nghiệp gắn kết chưa chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp.

4. Một số kiến nghị

Chiến lược Phát triển Công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035 xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực,... Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế…” [10]. Để hoàn thành các mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất. Thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển công nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, định mức kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phát triển công nghiệp.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp phụ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.

Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Tập trung hoàn thiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể. Đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề. Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, tham vấn nội dung chương trình đào tạo, tăng cường thời lượng thực hành. Hoàn thiện thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.

Thứ năm, tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.

5. Kết luận

Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, có đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả trước mắt và trong chiến lược dài hạn. Nhận thức rõ thực trạng đó, cần có hệ thống giải pháp chiến lược nhằm tạo bước chuyển dịch căn bản trong phát triển công nghiệp; qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực và của thế giới, thuộc nhóm ASEAN-4 và nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Minh Anh (2021). Phát triển công nghiệp: Thành tựu và thách thức. Truy cập tại: https://thuonghieucongluan.com.vn/phat-trien-cong-nghiep-thanh-tuu-va-thach-thuc-a125649.html
  2. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2018), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Nxb Sự thật, Hà Nội.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII. Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII. Tập II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  10. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 879/QĐ-TTg, ngày 09/6/2014, phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Hà Nội.
  11. Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO). Báo cáo Hiệu suất cạnh tranh công nghiệp năm 2020, tháng 12/2020, Hà Nội.
  12. Tổng cục Thống kê (2006). Công nghiệp Việt Nam 20 năm đổi mới và phát triển. Nxb Thống kê, Hà Nội.
  13. Phan Trang (2022). Cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM248449.
  14. Trương Thị Quỳnh Vân, (2022). Xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Truy cập tại: https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/xu-huong-moi-trong-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-o-viet-nam-4706.4050.html.
  1. Cổng thông tin Bộ Tài chính. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/.

Developing Vietnam’s industries in the Doi Moi period: Current situation and some solutions

Ph.D Hoang Van Thanh

Institute of Mechanics, Vietnam Maritime University

Abstract:

Over 35 years of implementing the Doi Moi process, Vietnam's economic development has been nothing short of remarkable. The country has never had such fortune, potential international position and prestige as it does today. To achieve those achievements, Vietnam's industry has made great and important contributions. However, the development of industries in Vietnam still faces difficulties. Based on the Communist Party of Vietnam’s views about the industrial development, this paper proposes some solutions to facilitate the growth of Vietnam’s industries in the coming time.

Keywords: industry, innovation, industrial development, industries.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]