Phát triển công nghiệp hạ nguồn - giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị đã đưa ra định hướng “Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành. Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ”.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành CNHT theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 08/06/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các Nghị quyết đã đưa ra định hướng và giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, với mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ đã đặt mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển bền vững để khuyến khích ngành CNHT ngày càng phát triển. Điển hình là thuế thu nhập doanh nghiệp với mức ưu đãi cao như thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đặc biệt, Nghị định 57/2021/NĐ-CP ngày 04/6/2021 của Chính phủ bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới được ban hành đã có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với quy định cũ. Đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định là các doanh nghiệp có Dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm CNHT trước năm 2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT. Doanh nghiệp thuộc các trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi CNHT.

Sau khi áp dụng các quy định chuyển tiếp ưu đãi tại Nghị định này, nếu doanh nghiệp có số thuế TNDN nộp thừa đã kê khai hoặc qua thanh kiểm tra thuế, thì doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan thuế thực hiện bù trừ với nghĩa vụ thuế còn nợ, nghĩa vụ thuế phát sinh của kỳ tính thuế tiếp theo. Đặc biệt, theo Nghị định này, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được áp dụng hồi tố các ưu đãi thuế được hưởng và trong trường hợp có phát sinh nộp thừa, mặc dù đã được cơ quan thuế thanh, kiểm tra vẫn được phép bù trừ với nghĩa vụ thuế trong tương lai.

Về phía Bộ Công Thương hiện nay đã và đang triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp, CNHT, bao gồm: Đào tạo tư vấn viên trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; Đào tạo kỹ thuật và thực hành trong các lĩnh vực công nghiêp, CNHT (bao gồm đào tạo trong lĩnh vực khuôn mẫu, điện tử, điện mặt trời, dệt may, da giày, đo kiểm…).

Trên thực tế, những năm qua, doanh nghiệp CNHT phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới. Năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước theo đó được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam được cải thiện.

Tuy nhiên, xét trên toàn thể, CNHT nước ta còn nhiều hạn chế về quy mô và năng lực. Thể hiện tập trung ở: Số lượng doanh nghiệp ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, hả năng tài chính của doanh nghiệp yếu, vốn tự có thấp, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp. Sản phẩm CNHT Việt Nam có giá thành cao, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật.

Do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu - đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô... Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Để phát triển CNHT, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, trước hết về cơ chế chính sách, cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển; tranh thủ những điều kiện của các Hiệp định tương tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới; xây dựng các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho CNHT của chúng ta có điều kiện phát triển.

Việc phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Hiện năng lực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao, do đó, trước tiên cần bảo đảm quy mô thị trường nội địa để phát triển công nghiệp trước khi hướng đến các thị trường xuất khẩu. Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước thông qua các biện pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ô tô, điện - điện tử, dệt may, da - giày  trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Thứ ba, xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hoá nhập khẩu.

Thứ tư, thực thi có hiệu quả việc kiểm soát hiện tượng chuyển giá, gian lận thuế đối với các doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đầu tư sản xuất kinh doanh thông qua các biện pháp: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng; tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế.

Thứ năm, xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương