Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang

Bài báo "Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang" do TS. Vũ Quỳnh Nam (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế & Phát triển nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên), ThS. Nguyễn Hữu Phương (UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) và Nguyễn Anh Tú (Ban Kế hoạch Đầu tư và Tài chính, Đại học Thái Nguyên) thực hiện.

Tóm tắt:

Tuyên Quang là tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, có tiềm năng và lợi thế trong phát triển sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả [5]. Mỗi sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở vùng nông thôn. Dựa trên việc phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP và đánh giá của các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

Từ khóa: sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế, kinh tế, tỉnh Tuyên Quang.

1. Đặt vấn đề

Phát triển sản phẩm OCOP đã khẳng định được định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian gần đây. Tỉnh Tuyên Quang là một trong 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và là tỉnh thứ tư về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP, với tổng cộng 191 sản phẩm [8]. Những năm qua, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đã khẳng định được vai trò trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của sản phẩm thế mạnh của địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm này một cách ổn định và bền vững [9].

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện từ năm 2018, đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố có kết quả đánh giá, phân hạng với 6.010 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Từ Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp... Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm [10]. Để nâng cao giá trị sản phẩm, các tỉnh, thành đã chú trọng hơn tới việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP của địa phương.

Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phát triển sản phẩm OCOP, nhận thức về bảo hộ tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP của người dân và các tổ chức kinh tế - xã hội còn chưa cao; nhiều sản phẩm OCOP được công nhận thì mẫu mã, bao bì còn khá đơn giản, chưa đáp ứng được thị yếu của người tiêu dùng; quá trình triển khai Chương trình OCOP tại một số địa phương còn lúng túng trong khâu hỗ trợ, quản lý các tổ chức, cá nhân tham gia;…[9]. Do vậy, nghiên cứu và đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP tại Tuyên Quang là rất cần thiết, từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị phát triển sản phẩm OCOP cho UBND tỉnh Tuyên Quang và các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp tổng hợp thông tin: thông tin thứ cấp được tập hợp từ các Báo cáo về sản phẩm OCOP tại địa phương giai đoạn 2020-2022 và các tài liệu liên quan khác. Thông tin thứ cấp là kết quả khảo sát 100 chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP tại tỉnh Tuyên Quang năm 2023 theo kết quả nghiên cứu Đề tài cấp Nhà nước “Nâng cao nhận thức và tập huấn về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc”.

Phương pháp phân tích thông tin: phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để phân tích đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bước đầu hình thành các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương để hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”. Tính đến hết năm 2022, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. 

Bảng 1. Số lượng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2022

ocop

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang

Kết quả thống kê cho thấy, số lượng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang tăng mạnh trong giai đoạn 2020 - 2022. Năm 2020, toàn tỉnh có 79 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 17 sản phẩm OCOP 4 sao; năm 2021 tăng lên 128 sản phẩm (tăng 62,03%), trong đó sản phẩm OCOP 4 sao tăng 94,12%; năm 2022, tăng lên 191 sản phẩm. Tốc độ tăng bình quân số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020-2022 đạt 97,92%. Điều này thể hiện sự nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Trong đó, huyện Yên Sơn là huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh, với 41 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên năm 2022, thấp nhất là thành phố Tuyên Quang với 17 sản phẩm.

Hình 1: Số lượng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2022

phân theo huyện/thành phố

ocop

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang

Hình 1 cho thấy, tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang đều phát triển sản phẩm OCOP rất hiệu quả với 134 chủ thể. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 1 sản phẩm Chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang là sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Hình 2: Tỷ trọng (%) chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của

tỉnh Tuyên Quang năm 2022

ocop

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang

Hình 2 cho thấy, có đến 77,61% chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP là HTX; tiếp sau là hộ kinh doanh chiếm 11,19%; doanh nghiệp chiếm 8,21%; tổ hợp tác chiếm 2,99% với đa dạng nhóm sản phẩm OCOP. Điều này cho thấy vai trò to lớn của kinh tế tập thể trong việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương [3] .

Hình 3: Tỷ trọng (%) sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang năm 2022

phân theo nhóm sản phẩm

ocop

Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện khâu đột phá, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như: Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng ho, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025… Do đó, số lượng và chất lượng sản phẩm của địa phương không ngừng tăng lên.

Kết quả Hình 2 cho thấy, phân loại sản phẩm OCOP theo nhóm sản phẩm năm 2022, nhóm thực phẩm có 171 sản phẩm (chiếm 89,53% tổng số sản phẩm); nhóm đồ uống 13 sản phẩm (chiếm 6,81%); nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 03 sản phẩm (chiếm 1,57%); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 01 sản phẩm (chiếm 0,52%); nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 03 sản phẩm (chiếm 1,57%).

Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành triển khai Chương trình OCOP của tỉnh [7]; triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ chuyên trách và người dân về vai trò của sản phẩm OCOP. Kết quả, năm 2023, tổ chức 6 lớp với 285 học viên tham gia tập huấn về hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực kiến thức cho các đối tượng tham gia và tổ chức thực hiện Chương trình OCOP là lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ phụ trách OCOP các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn; các chủ thể sản phẩm OCOP có đăng ký sản sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng lần đầu, đánh giá lại sản phẩm OCOP trong năm 2023 [8]. Xây dựng Trang thông tin điện tử http://ocop.snntuyenquang.gov.vn/ đăng tải cập nhật thông tin các chủ thể và các sản phẩm OCOP trên trang. Từ năm 2021 đến nay trang web đã đăng tải 1.162 tin, bài về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và 254 tin, bài trung ương, các tỉnh thành phố cả nước về Chương trình OCOP… Điều này khẳng định tỉnh Tuyên Quang đang phát huy đúng lợi thế của địa phương trong thời gian qua.

3.2. Kết quả khảo sát của các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang

Kết quả khảo sát 100 chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cho thấy, việc liên kết trong sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP có 68% số chủ thể được khảo sát không liên kết với nhau trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm; 22% số hộ có liên kết nhưng mức độ không thường xuyên; 10% số hộ có liên kết chặt chẽ với nhau. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 57% sản phẩm OCOP của các chủ thể có bao bì và mẫu mã đơn giản; chỉ 43% số sản phẩm OCOP được thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh (62%); 38% số sản phẩm được tiêu thụ ra ngoài tỉnh thông qua các cửa hàng OCOP tại các địa phương và các siêu thị, cửa hàng.

Kết quả khảo sát chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP về mức độ hiểu biết đối với sản phẩm OCOP như Hình 4.

Hình 4: Mức độ hiểu biết về sản phẩm OCOP của các chủ thể

sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP

ocop

Nguồn: Khảo sát của nhóm nghiên cứu

Hình 4 cho thấy, nhận thức của các chủ thể về sản phẩm OCOP chưa đầy đủ, họ chưa hiểu rõ về các nhóm sản phẩm OCOP, đồng thời họ cũng chưa hiểu rõ các chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP của trung ương và của địa phương.

Hình 5: Đánh giá của các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP

về phúc độ phù hợp của chính sách tại địa phương

ocop

Nguồn: Khảo sát của nhóm nghiên cứu

Hiện nay, ngoài các văn bản của Trung ương, tỉnh Tuyên Quang còn rất nhiều các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản phẩm OCOP địa phương, tính đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ: 8.270,8 triệu đồng (Nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 5.930,9 triệu đồng; vốn theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh: 2.339,9 triệu đồng). Song, mức hỗ trợ chưa phù hợp với nhu cầu cơ sở; thời gian giải ngân quá lâu và hiệu quả đem lại chưa cao. Do đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP đạt hiệu quả.

4. Giải pháp

Để phát triển sản phẩm OCOP tại Tuyên Quang đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đồng thời cần có các chiến lược toàn diện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân địa phương. Sau đây là một số giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và chuyển đổi tư duy: Đối với các chủ thể OCOP, cần tập trung vào việc phát triển các đặc sản và sản phẩm truyền thống, từ đó phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn là một phần quan trọng của chương trình.

Thứ hai, tập trung vào sản phẩm chủ lực và đặc sản, nâng cao chất lượng sản phẩm: Tuyên Quang cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực và đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chủ lực được sản xuất theo hình thức tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Điều này góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Tuyên Quang.

Thứ ba, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới: Khuyến khích việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, cải thiện quy trình sản xuất, quản lý nguồn nguyên liệu. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo các trục sản phẩm và vùng địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm đặc trưng và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Thứ tư, tăng cường quảng bá và tiếp thị: Xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả để quảng bá sản phẩm OCOP của Tuyên Quang trên cả nước và quốc tế. Điều này có thể bao gồm việc phát triển các trang web, sử dụng mạng xã hội, tham gia triển lãm và hội chợ và tạo các gói sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Thứ năm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo người lao động và các doanh nghiệp về kỹ năng sản xuất, quản lý, tiếp thị và bán hàng cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP.

Thứ sáu, hợp tác cộng đồng: Xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp, nông dân và các cơ quan chính phủ địa phương để tăng cường khả năng sản xuất, tiếp thị và phân phối sản phẩm OCOP.

Thứ bảy, hỗ trợ tài chính và chính sách: Cung cấp các chính sách hỗ trợ và các gói tài chính để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP. Điều này có thể bao gồm các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo và các chính sách khuyến khích đầu tư. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang. Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm tỉnh Tuyên Quang, http://ocop.snntuyenquang.gov.vn/
  2. HĐND tỉnh Tuyên Quang (2019). Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
  3. HĐND tỉnh Tuyên Quang (2019). Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
  4. HĐND tỉnh Tuyên Quang (2021). Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2015.
  5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang (2023). Báo cáo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2020 - 2022.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.
  7. UBND tỉnh Tuyên Quang (2021). Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025.
  8. UBND tỉnh Tuyên Quang (2023). Báo cáo Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025.
  9. Vũ Quỳnh Nam (2023). Nâng cao nhận thức, tập huấn về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
  10. Vũ Quỳnh Nam, Vũ Quyết Tiến, Nguyễn Thị Thu Hồng (2023). Nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm OCOP của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, DOI: 10.31276/VJST.65(3).01-06.

 

Analyzing and assessing the current development of OCOP products in Tuyen Quang province

Ph.D Vu Quynh Nam1

Master. Nguyen Huu Phuong2

Nguyen Anh Tu3

1 Director, Institute of Economic Research and Human Resource Development,

Thai Nguyen University of Economics and Business Administration,

Thai Nguyen University

2 People's Committee of Yen Son district, Tuyen Quang province

3 Department of Planning, Investment and Finance, Thai Nguyen University

Abstract:

Tuyen Quang is a province in the Northern midlands and mountains region with potential and advantages in developing agricultural products and tourism. In recent years, Tuyen Quang province has promoted the potential and advantages of each locality, and effectively launched the One Commune One Product (OCOP) program. Each OCOP product has contributed to enhancing the value of goods, increasing income, and improving material and spiritual life in rural areas of Tuyen Quang province. This paper analyzed the current development of OCOP products and assessed OCOP business entities in Tuyen Quang province. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to facilitate the development of OCOP products in Tuyen Quang province.

Keywords: OCOP product, economic development, economy, Tuyen Quang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]