Nỗ lực ổn định giá các mặt hàng thiết yếu

Ngày 5/4/2022, Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm, các thành viên của Tổ điều hành đặt mục tiêu nỗ lực đến mức cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, tháng 3, thị trường hàng hóa đang dần phục hồi trở lại như các tháng thông thường trước khi có dịch bệnh. Về cơ bản, nguồn cung nhiều loại hàng hóa luôn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.  

Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm giảm nhẹ so với tháng trước do sau Tết Nguyên đán nhu cầu mặt hàng này giảm. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng và nguyên liệu kim loại, vật tư nông nghiệp giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.

Quang cảnh cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước

Với nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng, trong quý I, thị trường xăng dầu trong nước có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ năng lượng, xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, Petrolimex là đơn vị chiếm thị phần xăng dầu lớn, là 1 trong 36 đơn vị đầu mối nhập khẩu, trừ 3 đơn vị nhập khẩu, phân phối nhiên liệu bay. Thời gian qua, Petrolimex đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đàm phán để tăng nguồn nhập khẩu xăng dầu, bù đắp cho phần đang thiếu hụt.

Nỗ lực ảm bảo không để thiếu xăng dầu trong mọi tình huống

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Hiện nay, mặc dù lượng sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 70-75% nhu cầu tiêu dùng, từ Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, Nghi Sơn. Tuy nhiên vừa qua, sự cố từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng mặt hàng này cho thị trường trong nước.

Nhấn mạnh về việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trước đó đã báo cáo công suất đạt và vượt nhưng tháng 2/2022 đã thiếu 50%, tương đương 17-20% nhu cầu xăng dầu cả nước. Tuy nhiên, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, xăng dầu là mặt hàng không phải muốn mua là được, việc mua bán phải có thời gian, vận chuyển kho bãi…

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giảm thuế môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng, tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới vẫn neo ở mức cao. Chưa kể, xăng dầu còn là mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho rất nhiều mặt hàng khác, dẫn đến việc giá xăng tăng khiến nhiều mặt hàng khác “té nước theo mưa”.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tại một số địa bàn, do nhu cầu tăng khi các hoạt động kinh tế phục hồi, một số đơn vị, người dân tăng mua vì lo ngại giá tăng, trong khi nguồn cung gặp khó khăn nên một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu hạn chế bán ra gây dư luận không tốt cho thị trường.

Thực tế, cũng có nơi, có lúc cửa hàng xăng dầu đóng cửa, có thể vì chờ giá lên, nhưng cũng có thể là có nới, có lúc, 1 số ít cửa hàng đóng cửa, nhưng không thể thiếu xăng dầu. Trước thực trạng trên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân, Bộ Công Thương đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trước áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu, vừa qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, ký kết với 69 doanh nghiệp bình ổn giá để cam kết giữ giá hàng hóa thiết yếu. Theo đó, ngoại trừ mặt hàng thịt và trứng sẽ có điều chỉnh giá thời gian tới, về cơ bản, hàng hóa sẽ được giữ giá ổn định.

Ngoài ra, để tạo nguồn hàng đa dạng cho người dân, kết hợp với triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sắp tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

Về việc một số mặt hàng nông sản của các địa phương xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, mít đang gặp khó khăn do việc thông quan chậm tại các cửa khẩu phía Bắc khi phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiển soát dịch bệnh Covid-19. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cần có biện pháp căn cơ hơn, tiến tới xuất khẩu chính ngạch. Để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng này, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo triển khai các giải pháp về thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa và hỗ trợ tìm kiếm các thị trường mới.

Cũng liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, những xung đột chính trị trên thị trường thế giới thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hiện tượng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc chưa được giải quyết triệt để. Thẻ vàng IUU chưa được phía EU gỡ bỏ cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản của nước ta.

Thời gian tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung và giá cả các mặt hàng thiết yếu là yêu cầu hàng đầu để góp phần ổn định đời sống cho người dân sau đợt dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua.

Do đó, với vấn đề xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu, hai Bộ đang cùng với các Bộ ngành, địa phương xây dựng phương án chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; xây dựng tiêu chuẩn cho hàng xuất khẩu tiểu ngạch… để từng bước tháo gỡ một cách căn cơ vấn đề xuất khẩu qua cửa khẩu.

 

Đông Sơn