Những tác động từ Hiệp định EVFTA đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020

THS. NGUYỄN THỊ THU TRANG (Khoa Kinh tế cơ sở, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc EU phê chuẩn EVFTA có ý nghĩa lớn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của các bên. Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, kỳ vọng giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. “Phát triển bền vững” là từ khóa, là nền tảng tương tác giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp theo khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có EVFTA. Bài viết phân tích, dự báo những tác động từ Hiệp định EVFTA đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020.

Từ khóa: EVFTA, Liên minh châu Âu, EU, Hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, GDP, hoạt động ngoại thương…

1. Đặt vấn đề

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi kỳ vọng mang đến những lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam với những chuyển biến về thương mại, mở ra nhiều cơ hội về đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. EVFTA được coi là một thỏa thuận chất lượng, toàn diện và hiện đại nhất mà châu Âu từng ký với một nước đang phát triển. Như vậy, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU.

Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu. Trong bối cảnh hiện nay, khi các mặt hàng Việt Nam gặp khó khăn về thị trường do dịch virus Covid-19, thì việc thực thi EVFTA càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như một đòn bẩy giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

2. Những tác động đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sau khi thực thi hiệp định EVFTA

EVFTA được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Việt Nam, nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (GDP). 

2.1. Về vị thế Việt Nam trên thương trường quốc tế

EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với EU trong tương lai. EVFTA không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa Việt Nam - EU, mà đây còn là cơ hội cho cả 2 bên tham gia hiệp định. Với Việt Nam, sau một thời gian dài thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khi thực thi EVFTA chúng ta sẽ có đủ năng lực để thúc đẩy quan hệ đan xen lợi ích với đa dạng hóa đối tác, dễ dàng hợp tác ngoại giao liên kết trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động trên toàn cầu, kể cả với những đối tác là các trung tâm kinh tế - quyền lực của thế giới như EU.

Việc ký kết hoàn thành các cam kết trong EVFTA một cách mạnh mẽ, toàn diện với EU sẽ hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu được nguy cơ bị phụ thuộc quá mức vào một hay số ít các thị trường như Trung Quốc, ASEAN và Mỹ. Đồng thời, EVFTA hứa hẹn sẽ giúp các chiến lược kinh tế của Chính phủ Việt Nam được phân tán rủi ro trong dài hạn. Đây là một đòn bẩy, kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thương mại - đầu tư.

Đặc biệt hơn, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn, giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa EU và các nước ASEAN nói riêng hay cả khối ASEAN nói chung. EVFTA được thực thi sẽ tạo ra những thuận lợi trong việc ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác khác của EU, củng cố sự cân bằng trong quan hệ kinh tế với các đối tác quan trọng và giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nền kinh tế Đông Nam Á. Đồng thời, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai, từ đó Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của mình trong khu vực, đóng góp vào quá trình xây dựng ASEAN phát triển bền vững.

2.2. Về các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu thực thi nhanh chóng, EVFTA sẽ thúc đẩy làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023 và tăng 7,07-7,72% năm 2033. (Hình 1)

Hình 1: Dự báo tăng trưởng GDP hưởng lợi từ EVFTA theo các giai đoạn

2.3. Về hoạt động thương mại hàng hóa

Nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan trong nội dung hiệp định EVFTA được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố khác, dự báo EVFTA có thể góp phần làm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trung bình tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, tăng 42,7% vào năm 2025 và đến năm 2030 có thể tăng đến 44,4%. (Hình 2)

Hình 2: Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU

giai đoạn 2020 - 2030

Trong giai đoạn tương tự, kim ngạch XNK giữa Việt Nam - EU sẽ tăng nhanh, cả 2 bên đều được lợi hơn so với khi không có Hiệp định. Ngay trong năm 2020, dự báo theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch nhập khẩu từ EU tăng khoảng 15,3%, và cũng tăng lần lượt là 33,1% và 36,7% ở các giai đoạn tiếp theo.

2.4. Về môi trường thương mại dịch vụ và đầu tư

Mức độ của cam kết giữa Việt Nam và EU trong EVFTA sẽ tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp 2 bên. Nội dung của EVFTA cho thấy, đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng và tiêu chuẩn cao, đồng thời phù hợp và thậm chí có cam kết mạnh bạo hơn nhiều so với quy định của WTO.

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký hiệp định này với EU và là nước thứ tư ở châu Á (thứ hai trong ASEAN) sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Sau cam kết, Việt Nam và EU sẽ thực thi theo nội dung EVFTA nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để đôi bên hợp tác, tạo thuận lợi cho XNK của các doanh nghiệp.

2.5. Về khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU và các thị trường khác

EVFTA trực tiếp tác động đến hoạt động thu hút FDI của nền kinh tế Việt Nam. Khi EVFTA được thực thi, Việt Nam có thể tăng cường được quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn lớn, từ đó gia nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu hàng đầu của thế giới. Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á.

Ngoài FDI từ EU, EVFTA không ngừng mở ra “cơ hội vô hình” cho Việt Nam thu hút nguồn FDI từ các thị trường khác. Khi EVFTA được Việt Nam - EU thực hiện, các công ty từ Mỹ hay châu Á sẽ tới Việt Nam nhiều hơn để hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang EU. Thực tế, việc cắt giảm thuế xuống 0% đối với hàng Việt Nam khi xuất sang EU sẽ khiến các công ty nước ngoài, kể cả không thuộc EU, có thêm động lực chuyển đầu tư và sản xuất sang Việt Nam. Đồng thời, các công ty xuất khẩu ở Việt Nam cũng phải tìm cách đạt tiêu chuẩn hàng “sản xuất ở Việt Nam” theo định nghĩa của EU để tận dụng thuế 0% theo các cam kết trong EVFTA.

2.6. Về thị trường lao động

Hiệp định EVFTA được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về quy mô, chất lượng và giá trị thặng dư cho thị trường lao động nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng. Về quy mô lao động, thị trường lao động Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn sau khi EVFTA được thực thi, đó là tạo thêm khoảng 146.000 việc làm/năm. Hiệp định EVFTA sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động bởi sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành sản xuất sẽ có cơ hội tăng trưởng và mở rộng quy mô, từ đó sẽ tăng nhu cầu về nguồn nhân lực. Thậm chí, để chuẩn bị cho việc tận dụng các ưu đãi trong EVFTA, các doanh nghiệp sản xuất đã có kế hoạch cho sự mở rộng quy mô và tăng cường nguồn lực từ trước.

2.7. Về chất lượng lao động và môi trường lao động

Những cam kết theo Hiệp định EVFTA về lao động được thực thi sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc và mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động. Cam kết đưa ra các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương về vấn đề lao động liên quan đến thương mại. Đại đa số việc làm mới đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng rất cao, cũng như có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, chủ yếu tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nội thất… Đây là những ngành mà thị trường lao động Việt Nam có thế mạnh.

2.8. Về chất lượng đời sống người lao động

Dự báo, trong giai đoạn 2020 - 2035, không chỉ số lượng việc làm tăng lên, mà dự kiến chất lượng đời sống của người lao động cũng sẽ được cải thiện, trong đó tăng cao nhất là nhóm lao động có tay nghề thấp. Mức lương bình quân của lao động Việt Nam dự kiến tăng thêm 3% nhờ tác động từ EVFTA. Bên cạnh đó, người lao động sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh và nâng cao tay nghề. EU đặt ra các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, cũng như quy trình sản xuất khắt khe. Chính áp lực này sẽ được doanh nghiệp chuyển sang cho người lao động, tạo cơ hội cho người lao động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hoặc buộc họ phải tự mình cọ xát nâng cao tay nghề.

2.9. EVFTA tác động tích cực đến thu ngân sách và đầu tư công của Việt Nam

EVFTA điều chỉnh nhiều vấn đề về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan chính phủ. Qua đó, sẽ thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực thi EVFTA nghĩa là 2 bên sẽ cam kết cắt giảm thuế quan. Việt Nam sẽ phải cắt bỏ 48,5% số dòng thuế nhập khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Điều này sẽ có tác động 2 chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Một là, giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu - dự kiến tổng mức giảm thu NSNN theo lộ trình của Hiệp định là 2.537,3 tỷ đồng. Hai là, tăng doanh thu do có nguồn thu thêm từ nội địa dưới tác động tích cực của EVFTA như tăng trưởng thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong năm đầu tiên, thu ngân sách có thể tăng thêm 150 tỷ đồng.

2.10. Về lĩnh vực mua sắm công

EVFTA cũng đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực mua sắm công ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường này cho các nước, mà mở đầu là EU. Việc mở cửa thị trường mua sắm công trong EVFTA dự kiến có những tác động nhất định. Về mặt tích cực, công tác đấu thầu sẽ minh bạch hơn, tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn. Hàng hóa xuất xứ từ 27 nước thành viên trong EU sẽ có tính bổ sung cho hàng hóa Việt Nam, khi mà đa phần hàng hóa trong gói thầu mua sắm công Việt Nam chưa sản xuất được. Nhà thầu EU cũng chuyên nghiệp hơn, năng lực cao hơn. Tiền thuế của người dân do vậy được chi tiêu hiệu quả hơn, và cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam vươn ra thị trường mua sắm công rộng lớn của EU cũng nhiều hơn. Mặc dù vậy, khả năng thắng thầu của các nhà thầu Việt Nam có lẽ sẽ bị thu hẹp khi có các đối thủ EU cạnh tranh, dù đang ở ngay trên “sân nhà”.  Tuy vậy, với lộ trình mở cửa từng bước và thời gian quá độ tương đối dài, các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng với các sức ép nêu trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Lê Đình Tĩnh và Hàn Lam Giang (2019), Hiệp định EVFTA từ góc nhìn chiến lược,http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/mediastory/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/hiep-dinh-evfta-tu-goc-nhin-chien-luoc,cập nhật ngày ngày 13-03-2020.

[2]. Thiện Trần (2019), FTA thế hệ mới: “Cú huých” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung, dài hạn”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-11-26/fta-the-he-moi-cu-huych-thuc-day-tang-truong-kinh-te-trong-trung-dai-han-79494.aspx, cập nhật ngày 26-11-2019.

[3]. Thế Hoàng (2020), Việt Nam có FTA với 60 nền kinh tế trên toàn cầu, https://baodautu.vn/viet-nam-co-fta-voi-60-nen-kinh-te-tren-toan-cau-d114088.html, cập nhật ngày 26-2-2020.

[4]. Bộ Kế  hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai Hiệp định EVFTA và IPA.

[5].  Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): http://evfta.moit.gov.vn/

Impacts of the EVFTA on Vietnam's macroeconomic growth in 2020

Master. Nguyen Thi Thu Trang

Faculty of Fundamental Economics, University of Economics - Technology for Industries

 ABSTRACT:

EU – Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) is a comprehensive, high standard and balancing agreement of interests for both Vietnam and the European Union (EU) and this agreement is in accordance with rules of the World Trade Organization (WTO). The EU's approval of EVFTA is a great achivement, promoting the economic development of parties related to this agreement. With the participation of the EU’s partners, this agreement is expected to enhance the added value and technological content of Vietnam’s production.

In addition, efforts to reach international standards on national governance and corporate governance, labor and environment will create new sources of energy for Vietnam's sustainable development strategy. "Sustainable development" is the key word, the basis of interaction between economies and also businesses under the framework of new generation free trade agreements including the EVFTA. This paper analyzes and predicts the impacts of the EVFTA on Vietnam's macroeconomic growth in 2020.

Keywirds: EVFTA, European Union, EU, free trade agreement, export-import turnover, economic growth, GDP, foreign trade.