Những sản phẩm nông sản chủ lực làm nên thương hiệu Sóc Trăng

Nhờ tận dụng thế mạnh của nền nông nghiệp, giá trị xuất khẩu nói chung của tỉnh Sóc Trăng năm 2018 đã đạt 780 triệu USD, tăng 6,13% so với năm 2017.

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều sản phẩm có thế mạnh như  thủy sản, nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến. Trong đó, có một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tạo nên thương hiệu cho địa phương như: gạo ST, hành tím Vĩnh Châu, bánh pía, lạp xưởng, trà mãng cầu, bưởi da xanh, xoài cát chu, cam sành, cam xoàn,… được chế biến và trồng theo các tiêu chuẩn như HACCP, ISO, VieGap, GlobaGap,…

Thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2017 là 74.141 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 54.352 ha (tôm sú 20.254 ha, tôm thẻ chân trắng 34.098 ha). Sản lượng tôm đạt 140.770 tấn.

Bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tôm càng xanh cũng đang được thị trường ưa chuộng. Nhiều năm qua Sóc Trăng đã triển khai mô hình nuôi tôm xen canh lúa sau vụ tôm nước lợ rất hiệu quả. Năm 2017, diện tích nuôi tôm càng xanh trên toàn tỉnh là 80 ha, năng suất khoảng 500 kg/ha đối với mô hình xen canh tôm càng xanh lúa và khoảng 1,2 - 1,4 tấn/ha đối với mô hình chuyên canh.

Hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh đã thiết lập vùng nuôi tôm an toàn theo hướng công nghệ cao có thương hiệu ở Cù Lao Dung, hai bên bờ sông Mỹ Thanh (trên địa bàn huyện Trần Ðề, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu).

Tom nuoc lo

Gạo ST Sóc Trăng

Gạo ST Sóc Trăng có mùi vị thơm đặc trưng, có vị ngọt và cơm rất dẻo, hạt gạo thon dài (dài nhất trong số gạo thơm hiện có tại Việt Nam), gạo và cơm rất trắng một cách tự nhiên kể cả trong mùa mưa. Gạo ST có nhiều dòng như ST 3, ST 5, ST 19, ST 20, ST 24, ST Đỏ... trong đó phổ biến và được ưa chuộng là gạo ST20 và gạo ST24.

Nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào năm 2011 đồng thời lọt vào top 100 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng vào năm 2013. Riêng gạo ST24 vinh dự đạt Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017.

Đặc biệt, hiện nay có thêm sản phẩm là Gạo thơm hữu cơ ST 24, được canh tác và chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và Châu Âu, là thực phẩm không biến đổi gen, gạo rất ngon và tốt cho sức khỏe.

- Diện tích: 9.213 ha

- Sản lượng: trên 55.000 tấn/năm

- Vùng trồng: Các huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành và thị xã Ngã Năm.

- Mùa vụ:

+ Vụ Hè Thu: xuống giống tháng 4 - 5 dương lịch và thu hoạch 8 - 9 dương lịch

+ Vụ Đông Xuân: xuống giống 11 - 12 dương lịch và thu hoạch  2 - 3 dương lịch

Gao St24

Hành tím Vĩnh Châu

Hành tím Vĩnh Châu có những đặc tính cảm quan đặc trưng hơn so với hành tím ở khu vực khác như có vị cay, mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt khi ăn, màu tím đậm, củ to.

- Diện tích: 6.600 ha

- Sản lượng: 99.575 tấn/năm.

- Mùa vụ:

+ Hành giống: trồng tháng 2 - 3 dương lịch - thu hoạch tháng 3 - 4 dương lịch.

+ Hành sớm: trồng tháng 10 - 11 dương lịch - thu hoạch tháng 12 - 1 dương lịch.

+ Hành mùa: trồng tháng 11 - 12 dương lịch - thu hoạch tháng 2 - 3 dương lịch.

Hanh tim

Bưởi da xanh và năm doi

Từ nhiều năm nay, cây bưởi Da xanh và bưởi Năm roi đã mang lại kinh tế rất cao cho người dân tỉnh Sóc Trăng. Nếu như bưởi Năm roi có hình dáng giống quả lê, tép bưởi màu trắng thì bưởi da xanh có dạng hình cầu, tép bưởi màu hồng đỏ. Cả hai giống bưởi này đều có chung đặc điểm là mọng nước, có vị ngọt thanh và ít chua rất được ưa chuộng.

- Diện tích trồng bưởi: 2.636 ha

- Sản lượng: 19.573 tấn/năm

- Vùng trồng: Bưởi được trồng nhiều ở các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung, Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú và thành phố Sóc Trăng.

Buoi da xanh

Cam sành

Cam sành có màu xanh vàng, bề mặt vỏ sần, trái hình cầu, hơi dẹp hai đầu, các múi thịt có màu cam, mềm, nhiều nước, cam có hương thơm đặc trưng, có vị chua ngọt.

- Diện tích: khoảng 3.853 ha.

- Sản lượng: 27.658 tấn/năm.

- Vùng trồng: Cam sành hiện nay chủ yếu được trồng ở huyện Mỹ Tú, Châu Thành và Kế Sách.

- Mùa vụ: Mùa thuận từ tháng 7 đến tháng 11 dương lịch, mùa nghịch từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch.

Cam sanh

Cam xoàn

Cam xoàn là loại trái cây vị ngọt thanh, ít hạt, vỏ cam bóng và hơi rám, múi cam cho nhiều nước vì vậy rất được ưa chuộng. Mỗi trái cam xoàn có trọng lượng từ 250 gram - 400 gram, vỏ tròn, cân đối và hơi lỏm ở phần đáy hoặc có hình dấu tròn như đồng tiền. Kinh nghiệm cho thấy cam xoàn có quả nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có mùi thơm nhẹ, chắc múi. Cam xoàn cho trái theo chùm, bình quân một cây thu hoạch từ 40 đến 50 kg mỗi năm.

- Diện tích: 224 ha

- Sản lượng: 4.480 tấn/năm

- Vùng trồng: Cam xoàn được trồng tập trung tại xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, mùa thu hoạch cam chính vụ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch.

Cam xoan

Xoài Cát chu

Quả xoài Cát chu có hình dáng thon dài, trọng lượng trung bình từ 300 - 400 g/trái, khi quả chín ít xơ, thịt dày, dai nhẹ và có màu hơi vàng đỏ, vị ngọt thanh và có mùi thơm dễ chịu.

- Diện tích trồng: khoảng 1.200 ha

- Sản lượng: khoảng 10.000 - 12.000 tấn/năm

- Vùng trồng: Các huyện: Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và Mỹ Tú.

Xoai cat chu

Mãng cầu xiêm

Có 2 loại mãng cầu xiêm: mãng cầu xiêm có vị ngọt và mãng cầu xiêm có vị chua.

Mãng cầu xiêm có vị ngọt: Quả có dạng thuôn dài, vỏ màu xanh hơi vàng, gai mềm và thưa; thịt quả màu trắng đục, có nhiều múi; có hương thơm, vị ngọt (độ ngọt Brix 13 - 14%); trọng lượng trung bình: 1- 3 kg/trái.

Mãng cầu xiêm có vị chua: Quả có dạng thuôn dài, vỏ màu xanh đậm, gai mọc dày; thịt quả màu trắng đục, có nhiều múi; có hương thơm, vị chua (độ ngọt Brix 8 - 10%); trọng lượng trung bình: 1 - 3 kg/trái.

Đặc biệt, hiện nay có thêm sản phẩm được chế biến từ trái mãng cầu xiêm là Trà mãng cầu. Trái mãng cầu được chọn làm trà phải là trái già khoảng 90 ngày tuổi bởi khi đó trà làm ra mới có vị ngọt. Trà mãng cầu chứa nhiều chất xơ, vitamin C tự nhiên và nước được chế biến bằng 100% nguyên liệu từ trái mãng cầu xiêm đạt chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Diện tích: 300 ha

- Sản lượng: 3.000 tấn

- Vùng trồng: các huyện Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.

- Mùa vụ:  

+ Mùa thuận: tháng 6 đến tháng 9 dương lịch

+ Mùa nghịch: tháng 1 đến tháng 3 dương lịch

Tra mang cau

Bánh Pía - Lạp xưởng

Bánh pía, lạp xưởng là những sản phẩm đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh pía, lạp xưởng, riêng bánh pía sản lượng khoảng 15.000 tấn/năm được sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP, GMP (bánh nhân khoai môn, nhân đậu xanh, bánh pía thập cẩm nhân thịt heo, bánh chay, bánh pía ít đường…); lạp xưởng sản lượng bình quân hàng năm khoảng 3.000 tấn/năm (lạp xưởng làm từ thịt heo, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tiêu, lạp xưởng tôm, lạp xưởng bò, lạp xưởng tươi).

Banh Pia

Gạo Tài nguyên Thạnh Trị

Nhắc đến gạo Tài Nguyên Thạnh Trị là nhắc đến loại gạo có hạt thon, nhỏ có gan đục, cơm mềm, xốp, để nguội vẫn mềm cơm và có vị ngọt nhất trong các loại gạo. Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị vào tháng 3 năm 2017.

Hiện nay, vùng nguyên liệu tập trung chủ yếu tại các xã của huyện Thạnh Trị như thị trấn Phú Lộc, xã Thạnh Trị, thị Trấn Hưng Lợi, xã Châu Hưng, một phần xã Tuân Tức, Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi với diện tích gieo trồng là 10.330 ha/năm theo quy trình cánh đồng lớn, năng suất trung bình 7 tấn/ha, sản lượng lúa hàng hóa cung ứng cho thị trường trên 45.000 tấn/năm. Mùa vụ gieo sạ tháng 8 - 9 dương lịch và thu hoạch tháng 1- 2 dương lịch.

Hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Châu Hưng là đơn vị cung cấp và gắn bó lâu đời với gạo tài nguyên, khả năng cung ứng khoảng 2.000 tấn/năm gạo tài nguyên chất lượng cao, doanh nghiệp đã thực hiện quy trình đóng gói gạo bằng phương pháp hút chân không, gói có các loại: 2 kg, 5 kg và 20 kg để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn với tên gọi gạo Phú Khang, Tài Nguyên Thạnh Trị có địa chỉ cụ thể để khách hàng phân biệt với các dòng gạo khác.

Gao tai nguyen

Quýt đường

Đặc điểm:

Hình dạng bên ngoài: Quýt đường có dạng trái tròn, vỏ mỏng, da trơn láng, vỏ khi chín chuyển sang màu vàng. Thịt quả được chia thành từng múi, có màu cam đẹp mắt.

Hương vị: hương thơm đặc trưng và có vị ngọt thanh kích thích vị giác.

Mùa vụ:

Mùa thuận: tháng 7 đến tháng 11 dương lịch

Mùa nghịch: tháng 2 đến tháng 6 dương lịch

Diện tích: 871 ha

Sản lượng: 6.737 tấn/năm

Vùng trồng: huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Kế Sách và Cù Lao Dung.

Nhãn xuồng cơm vàng Vĩnh Châu

Đặc điểm:

Hình dạng bên ngoài: Quả có dạng hình tròn, to, khi chín vỏ quả có màu vàng sậm rám nắng.

Thịt quả: cơm dày và giòn có màu vàng ngà, ráo nước.

Hương vị: có mùi thơm, vị rất ngọt (độ ngọt Brix từ 20 - 22%)

Mùa vụ: từ tháng 6 - 8 dương lịch

Diện tích: khoảng 250 ha.

Năng suất: từ 3,5 - 4 tấn/ha

Sản lượng: 700 - 1.000 tấn/năm

Vùng trồng: Thị xã Vĩnh Châu, huyện Kế Sách

Quyt duong

Măng cụt

Đặc điểm:

Hình dạng bên ngoài: Quả có dạng cầu tròn chỉ bằng quả cam nhỏ, lớp vỏ của măng cụt khá dày và cứng. Quả khi chín có màu tím sẫm bên trong là màu đỏ rượu vang dày và xốp.

Thịt quả: Ruột măng cụt có màu trắng, chia thành nhiều múi.

Hương vị: múi thịt có vị ngọt thanh hơi chua và hương thơm đặc biệt.

Mùa vụ: Măng cụt ra hoa vào khoảng tháng 1 - tháng 2 dương lịch và thu hoạch tháng 5 - tháng 6 dương lịch.

Diện tích: 587 ha

Sản lượng: 680 tấn/năm

Vùng trồng: Các xã: Xuân Hòa, Trình Phú, Phong Nẫm thuộc huyện Kế Sách.

Mang cut

Sầu riêng

Ở Sóc Trăng, có hai loại sầu riêng Ri6 và Chín Hóa là được trồng phổ biến hơn cả vì hai giống sầu riêng này thích hợp với thổ nhưỡng ở địa phương và cho năng suất khá cao.

Sầu riêng Ri 6: trái có hình bầu dục, vỏ màu xanh vàng, cơm vàng, hạt lép, cơm dày, ngọt vừa phải, có vị béo.

Sầu riêng Chín Hóa: trái hình tròn, vỏ xám xanh, cơm có màu vàng sữa, 96% hạt lép, có vị ngọt béo.

Diện tích: 186 ha

Sản lượng: 972 tấn/năm

Vùng trồng: các xã Xuân Hòa, Ba Trinh, Phong Nẫm thuộc huyện Kế Sách.

Sau rieng

Nấm rơm, nấm linh chi, bào ngư

Cùng với nấm bào ngư, nấm linh chi thì nấm rơm là một trong những sản phẩm góp phần không nhỏ làm tăng thu nhập cho người dân Sóc Trăng. Với ưu điểm chi phí đầu tư thấp, khâu chăm sóc nhẹ nhàng, được hỗ trợ về kỹ thuật, ổn định đầu ra thì các mô hình trồng nấm ở Sóc Trăng xuất hiện ngày càng nhiều.

Vùng trồng: Các huyện Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Trần Đề và thị xã Ngã Năm.

Nam rom

Củ cải muối Xá bấu

Ngoài hành tím, củ cải trắng cũng là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở Sóc Trăng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Củ cải trắng được trồng tập trung ở huyện Mỹ Tú và thị xã Vĩnh Châu.

Diện tích trồng củ cải trắng: 1.000 ha.

Sản lượng: 16.237 tấn.

Củ cải trắng là nguyên liệu dùng để sản xuất ra sản phẩm củ cải muối hay còn gọi là xá bấu, đặc biệt là món xá bấu ngọt, chua ngọt. Đây là món ăn rất được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon và cách bảo quản dễ dàng.

Cu cai muoi

Artemia

Artemia là một loài giáp xác có kích thước nhỏ, di chuyển chậm. Đây là loại thức ăn tươi sống dùng trong sản xuất giống thủy sản có giá trị dinh dưỡng rất cao, giàu đạm, nhiều vitamin, axitamin, axit béo thiết yếu. Nuôi artemia là một trong những nghề truyền thống đặc trưng ở thị xã Vĩnh Châu, tập trung ở xã Lai Hòa, xã Vĩnh Tân và phường Vĩnh Phước, diện tích nuôi đạt trên 650 ha, sản lượng 20 - 30 tấn/năm.

Artemia không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn nổi tiếng trên toàn thế giới. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Artemia, đây là cơ hội để phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Nguyên Vỵ