Nhận diện một số hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại của hàng hóa nhập khẩu vào nước ta

Một số hoạt động của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam dưới đây được xem là hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại, doanh nghiệp trong nước nếu bị thiệt hại có thể yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Chuyển tải thông qua nước thứ ba

Nếu các phân tích, lập luận, số liệu, bằng chứng chứng minh được rằng:

(1) Hàng hóa tương tự với hàng hóa nhập khẩu đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hoặc quốc gia không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nước thứ ba);

(2) Các nhà sản xuất, xuất khẩu, các quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thay đổi thông lệ thương mại, mô hình thương mại hoặc kênh bán hàng để hàng hóa của họ được xuất khẩu sang Việt Nam thông qua các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hoặc quốc gia không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (nước thứ ba);

(3) Khối lượng, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt đầu và gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra;

Thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Nếu các phân tích, lập luận, số liệu, bằng chứng chứng minh được rằng:

(1) Có sự thay đổi mô tả, tên hoặc thành phần hàng hóa nhập khẩu đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại dẫn đến việc mặt hàng đó bị thay đổi về mặt hình thức hoặc hình thức dù chỉ ở dạng nhỏ theo phân loại mã hàng hóa hoặc thuế quan, nếu có;

(2) Không có sự khác biệt đáng kể về đặc điểm, mục đích sử dụng, kênh phân phối và chi phí giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

(3) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam của nhà sản xuất, xuất khẩu;

(4) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.

Nhập khẩu vật tư, linh kiện và sản xuất, lắp ráp, hoàn thiện tại Việt Nam

Nếu các phân tích, lập luận, số liệu, bằng chứng chứng minh rằng:

(1) Hàng hóa tương tự với hàng hóa nhập khẩu đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được nhập khẩu vào Việt Nam từ bất kỳ quốc gia nào bao gồm quốc gia xuất xứ hoặc quốc gia xuất khẩu bị áp thuế phòng vệ thương mại, ở dạng chưa lắp ráp, chưa hoàn thiện hoặc chưa hoàn thiện và đã được lắp ráp, hoàn thiện hoặc được hoàn thiện tại Việt Nam được bán với giá thấp hơn giá thông thường của hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

(2) Hàng hóa là linh kiện, vật tư, vật liệu có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích chủ yếu để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

(3) Hoạt động lắp ráp, hoàn thiện gia tăng đáng kể tại Việt Nam ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

(4) Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chiếm ít nhất 60% tổng giá trị nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư để sản xuất, lắp ráp hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam;

(5) Giá trị do hoạt động lắp ráp, hoàn thiện thấp hơn 25% (hai mươi lăm phần trăm) chi phí của sản phẩm đã lắp ráp, hoàn thiện hoặc hoàn chỉnh được nhập khẩu vào Việt Nam.

Thay đổi hình thức kinh doanh và kênh phân phối

Nếu các phân tích, lập luận, số liệu, bằng chứng chứng minh rằng:

(1) Không có sự khác biệt đáng kể về đặc điểm, mục đích sử dụng, kênh phân phối và chi phí giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

(2) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP gia tăng đáng kể so với khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam của nhà sản xuất, xuất khẩu;

(3) Khối lượng, số lượng nhập khẩu hàng hóa được mô tả tại khoản 3 Điều 73 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP gia tăng đáng kể ngay trước hoặc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.

Sau khi phân tích, lập luận, số liệu, bằng chứng chứng minh một trong số các hành vi trên, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ yêu cầu Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Trong đó nêu rõ các kết luận và chứng minh sự tồn tại tình trạng hàng hóa nhập khẩu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực, tình trạng thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể mà ngành sản xuất trong nước đang phải gánh chịu và mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố đó.

Đồng thời, kiến nghị Cơ quan điều tra tiến hành một cuộc điều tra để áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu bị cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực. Và, nêu rõ kiến nghị về việc áp dụng biện pháp tạm thời nếu cần thiết (thời gian áp dụng, thời hạn áp dụng và mức thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần cung cấp các thông tin, bằng chứng và lập luận cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm thời và việc chậm áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời sẽ gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể khó có thể khắc phục được cho ngành sản xuất trong nước; làm giảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực.

Vĩnh Linh