Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

PGS.TS. BÙI VĂN TRỊNH (Trường Đại học Cửu Long) - NGÔ KHẮC ĐẠT (Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng và hàm ý quản trị sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 7 yếu tố: Bản chất công việc, Tiền lương, Cơ hội đào tạo và thăng tiến, Đồng nghiệp, Lãnh đạo, An toàn và Phúc lợi tác động đến sự hài lòng với công việc của nhân viên. Kết quả phân tích 160 quan sát hợp lệ cho thấy, có 5 yếu tố ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với mức độ ảnh hưởng giảm dần là: Lãnh đạo (β = 0.466), Tiền lương (β = 0.3), Cơ hội đào tạo và thăng tiến (β = 0.29), Phúc lợi (β = 0.206) và Bản chất công việc (β = 0.196).

Từ khóa: sự hài lòng, nhân viên, nguồn nhân lực, quản trị nhân lực, Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

1. Đặt vấn đề

Trước tình hình kinh tế thị trường cạnh tranh như hiện nay, vai trò của người lao động đối với tổ chức đang được các nhà quản trị đánh giá cao trong việc giúp cho doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc thù, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn (Wright và McMahan, 1992; Caliskan, 2010). Do đó, ngoài việc cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thị phần,… nhân lực chất lượng cũng là nguồn lực mà các doanh nghiệp. Theo đó, làm sao để người lao động của tổ chức hài lòng, thỏa mãn, gắn kết hơn với tổ chức là một bài toán nan giải cho các nhà quản trị trong nhiều năm trở lại đây.

Đối với riêng ngành Điện lực, xu thế độc quyền trong kinh doanh đã không còn là lợi thế của ngành, kể từ khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bởi lúc này các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính, trình độ quản lý cũng như khả năng kết nối công nghệ hiện đại đã tham gia vào các hoạt động cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có khá nhiều các dự án điện năng lượng với quy mô vốn đến hàng triệu USD có sự hiện diện của các tập đoàn FDI lớn. Điều này cho thấy, xu thế quốc tế hóa cạnh tranh đang dần đẩy thế độc quyền hoạt động trong lĩnh vực điện đi xuống và việc giữ chân nhân viên có tài là việc làm cần thiết cho Điện lực Bình Thuận nói chung và Điện lực Hàm Thuận Bắc nói riêng. Theo lãnh đạo của Điện lực Hàm Thuận Bắc, trong giai đoạn từ năm 2018 đến cuối năm 2020, số lượng lao động của Công ty vẫn duy trì ở mức ổn định, tuy nhiên một số bộ phận như kinh doanh hay bộ phận truyền tải điện có dấu hiệu người lao động xin nghỉ để chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, mà “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận” được thực hiện.

2. Cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước

2.1. Sự hài lòng với công việc của nhân viên

Theo Spector (1997), sự hài lòng công việc, đơn giản là việc người ta cảm thấy thích công việc của họ và các khía cạnh công việc của họ như thế nào. Vì nó là sự đánh giá chung, nên nó là biến về thái độ. Sự hài lòng đối với công việc còn có thể hiểu đơn giản chính là sự yêu thích của người lao động đối với công việc của họ, họ vui khi được làm việc và họ không muốn rời bỏ công việc của mình (Smith và cộng sự, 1969). Theo Locke (1976), sự hài lòng trong công việc là một trạng thái cảm xúc thú vị hoặc tích cực từ kết quả thẩm định công việc hoặc kinh nghiệm làm việc của một người. Như vậy, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về sự hài lòng trong công việc của nhân viên, nhưng các quan điểm đều thống nhất rằng: sự hài lòng đối với công việc là việc nhân viên được đáp ứng nhu cầu hay mong muốn của họ khi làm việc.

2.2. Các nghiên cứu liên quan

Beheshta Alemi (2014) trong nghiên cứu: “Sự hài lòng về công việc của các giáo viên tại Afghanistan” được thực hiện với mục tiêu đo lường sự hài lòng trong công việc của các giáo viên tại 4 tỉnh lân cận ở khu vực phía Nam Afghanistan. Kết quả phân tích dữ liệu được thu thập từ khảo sát 132 giáo viên cho thấy các nhân tố ảnh hưởng sự hài lòng công việc, bao gồm: Tính chất công việc, Lãnh đạo, Sự thăng tiến, Đồng nghiệp, Lương và Điều kiện làm việc.

Ayesha Masood và cộng sự (2014) trong nghiên cứu: “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên đối với các tổ chức thuộc khu vực công và tư nhân của Pakistan” được thực hiên với mục tiêu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên và mức độ ảnh hưởng của chúng. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ đáng kể của các yếu tố Điều kiện làm việc, An toàn và An ninh Công việc, Đào tạo và Phát triển và Trao quyền cho Nhân viên về Sự hài lòng của Nhân viên và Hiệu suất Công việc.

Boeve (2007) trong nghiên cứu: “Một nghiên cứu quốc gia về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của các giảng viên trong Khoa Giáo dục trợ lý bác sĩ” cho thấy có 3 yếu tố tác động mạnh nhất đến sự hài lòng trong công việc của các giảng viên trong Khoa Giáo dục trợ lý bác sĩ là Công việc, Mối quan hệ với đồng nghiệp, Cơ hội phát triển thăng tiến.

Cũng nghiên cứu về sự hài lòng thì Hà Nam Khánh Giao (2018), đã phỏng vấn 216 nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng để phân tích và xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng công việc của nhân viên, bao gồm: Đào tạo và thăng tiến, Tiền lương, Phúc lợi, Đồng nghiệp.

Còn Trần Kim Dung (2005), đã đo lường sự thỏa mãn công việc trong điều kiện Việt Nam. Kết quả phân tích dữ liệu thu thập từ khảo sát 448 nhân viên đang làm việc toàn thời gian trên địa bàn Hồ Chí Minh cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến sự thỏa mản của nhân viên với công việc tại Việt Nam bao gồm: Bản chất công việc, Sự thỏa mãn với Lãnh đạo, Cơ hội đào tạo - thăng tiến, Đồng nghiệp, Tiền lương và Sự thỏa mãn với Phúc lợi.

Lê Nguyễn Đoan Khôi và cộng sự (2013) cũng đã nghiên cứu “Các nhân tố tác động đến sự hài lòng trong công việc của nhân viên tại Trường Đại học Tiền Giang”. Kết quả phân tích chỉ ra 5 nhóm nhân tố tác động đến sự hài lòng của nhân viên là: Bản chất công việc; Tiền lương thưởng và phụ cấp; Quan hệ làm việc; Cơ hội đào tạo và thăng tiến; Điều kiện vật chất.

2.3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu được kế thừa từ mô hình trong các nghiên cứu của Lê Nguyễn Đoan Khôi và cộng sự (2013) và Trần Kim Dung (2005), gồm 7 yếu tố: Bản chất công việc, Tiền lương, Cơ hội đào tạo và thăng tiến, Đồng nghiệp, Lãnh đạo, An toàn và Phúc lợi tác động đến sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. (Hình 1)

Ứng với mô hình nghiên cứu đề xuất, các giả thuyết cho nghiên cứu được trình bày như sau:

Giả thuyết H1: Bản chất công việc có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Giả thuyết H2: Tiền lương có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Giả thuyết H3: Cơ hội đào tạo và thăng tiến có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Giả thuyết H4: Đồng nghiệp có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Giả thuyết H5: Lãnh đạo có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Giả thuyết H6: An toàn có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Giả thuyết H7: Phúc lợi có quan hệ cùng chiều với sự hài lòng công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện qua 2 giai đoạn: giai đoạn nghiên cứu định tính và giai đoạn nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được thực hiện bằng phương thức tham khảo ý kiến chuyên gia có kinh nghiệm trong quản trị nhân sự của các Điện lực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua phân tích các dữ liệu thu thập được khảo sát 160 nhân viên, quản lý đang làm việc tại Điện lực Hàm Thuận Bắc theo phương pháp lấy mẫu phi xác xuất.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 1) cho thấy các biến độc lập: Bản chất công việc, Tiền lương, Cơ hội đào tạo và thăng tiến, Lãnh đạo và Phúc lợi đều cho thấy có sự ảnh hưởng tuyến tính với biến phụ thuộc - Sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (Sig của kiểm định t đều nhỏ hơn 0.05). Hai biến còn lại là Đồng nghiệp và An toàn không cho thấy có sự ảnh hưởng tuyến tính đến Sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ở độ tin cậy 95% (Sig của kiểm định t > 0.05 và lần lượt bằng: 0.255 và 0.448 > 0.05). Như vậy, các giả thuyết H1, H2, H3, H5, H7 được chấp nhận và các giả thuyết H4, H6 bị bác bỏ.

Bảng 1. Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Mô hình

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

T

Sig.

Kiểm tra đa cộng tuyến

B

Độ lệch chuẩn

Beta

Độ chấp nhận biến

VIF

1

Hằng số

-0.031

0.307

 

-0.102

0.919

 

 

BCCV

0.116

0.034

0.196

3.414

0.001

0.802

1.248

TL

0.194

0.037

0.300

5.302

0.000

0.830

1.205

DTTT

0.203

0.037

0.290

5.534

0.000

0.964

1.037

DN

0.038

0.033

0.060

1.143

0.255

0.965

1.037

LD

0.326

0.039

0.466

8.400

0.000

0.864

1.158

AT

0.027

0.035

0.040

0.760

0.448

0.941

1.063

PL

0.116

0.032

0.206

3.628

0.000

0.821

1.218

a. Dependent Variable: SHL

Nguồn: Phân tích từ số liệu khảo sát, 2022

Từ kết quả phân tích trên, phương trình hồi quy chuẩn hóa mô tả sự tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến Sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận được viết lại như sau:

Sự hài lòng = 0.196*Bản chất công việc + 0.3Tiền lương + 0.29* Cơ hội đào tạo và thăng tiến + 0.466*Lãnh đạo + 0.206*Phúc lợi.

5. Kết luận và hàm ý quản trị

Nghiên cứu được thực hiện tại Điện lực Hàm Thuận Bắc với mục tiêu đánh giá sự hài lòng của nhân viên đối với công việc. Nghiên cứu sử dụng cả 2 phương pháp định tính và định lượng. Kết quả phân tích dữ liệu xác định được 5 yếu tố ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng với công việc của nhân viên tại Điện lực Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, đó là: Bản chất công việc, Tiền lương, Cơ hội đào tạo và thăng tiến, Lãnh đạo và Phúc lợi. Kết quả này cũng cho thấy sự tương đồng nhất định trong kết quả của các nghiên cứu trước và cũng đạt được những mục tiêu ban đầu nghiên cứu đã đặt ra. Đây là cơ sở khoa học giúp tác giả đề xuất các hàm ý giúp lãnh đạo Điện lực Hàm Thuận Bắc hoàn thiện hơn nữa chính sách nhân sự của Điện lực nhằm nâng cao sự hài lòng công việc của nhân viên trong thời gian tới. Thông qua kết quả phân tích, hàm ý quản trị nhằm giúp nâng cao động lực làm việc của nhân viên như sau:

Đối với yếu tố Lãnh đạo, lãnh đạo Điện lực Hàm Thuận Bắc cần hiểu rõ hơn nhân viên của mình, thể hiện sự quan tâm đúng mực trong từng hoạt động cụ thể tại đơn vị, tránh sự thiên vị gây ra những phản ứng trái chiều trong tổ chức và giữa nhân viên với nhau. Ngoài ra, lãnh đạo Điện lực cũng cần phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị, kỹ năng giao tiếp để có thể thể hiện tài năng của mình cho nhân viên thấy trong trường hợp cần thiết.

Đối với yếu tố Tiền lương, Điện lực Hàm Thuận Bắc cần từng bước hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ và chính sách lương, thưởng trong đơn vị. Ngoài ra, lãnh đạo Điện lực cũng cần xem xét xây dựng quỹ lương thưởng xứng đáng với năng lực và thời gian làm việc của từng cá nhân, hạn chế đánh đồng mức lương thưởng chung tạo ra những ức chế cho các nhân viên có sự đóng góp lớn và thâm niên công tác lâu dài tại Điện lực.

Đối với yếu tố Cơ hội đào tạo và thăng tiến, Điện lực cần tạo điều kiện để nhân viên Điện lực được tham gia các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục uy tín nhằm giúp ích cho công việc của họ trong tương lai. Bên cạnh đó, Điện lực cũng cần xây dựng và hoàn thiện lộ trình phát triển nghề nghiệp cho nhân viên ở tất cả các vị trí trong Điện lực nhằm xóa bỏ suy nghĩ làm việc không có tương lai của nhân viên, một kế hoạch phát triển nghề nghiệp rõ ràng sẽ mang lại cả lợi ích không chỉ cho người lao động mà cả người sử dụng lao động.

Đối với yếu tố Phúc lợi, lãnh đạo Điện lực cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề liên quan đến phúc lợi mà Điện lực đang đưa ra. Ngoài những phúc lợi bắc buộc, lãnh đạo Điện lực Hàm Thuận Bắc cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các phúc lợi đi kèm hàng năm cho nhân viên trong toàn Điện lực.

Đối với yếu tố Bản chất công việc, lãnh đạo Điện lực cần xem xét lại bảng mô tả công việc của từng phòng ban, phối hợp với phòng nhân sự Điện lực để kịp thời có các biện pháp khen thưởng các cá nhân hoàn thành nhiều hơn các công việc được thể hiện trong bảng mô tả công việc hàng tháng. Lãnh đạo đơn vị cũng cần quan tâm hơn trong việc giao cho từng nhân viên các công việc phù hợp với năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như thế mạnh của họ nhằm giúp họ hoàn thiện công việc một cách hiệu quả, tạo cơ hội để họ thấy được tầm quan trọng của công việc họ đang đảm nhận, mục tiêu của tổ chức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Quang Hưng, Nguyễn Thanh Bé (2019). Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của công chức tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-yeu-to-anh-huong-den-dong-luc-lam-viec-cua-cong-chuc-tai-cuc-thue-tp-ho-chi-minh-302420.html.
  2. Caliskan, E. N. (2010). The impact of strategic human resource management on organizational performance. Journal of Naval Science and Engineering, 6(2), 100-116.
  3. Cao Thị Thanh, Trần Quang Hưng (2018). Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Số 46, 78-84.
  4. Hà Nam Khánh Giao, Lê Đăng Hoàng (2019). Động lực làm việc của nhân viên tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đông Sài Gòn. Tạp chí Công Thương, Số 1, 321-327.
  5. Hair J., Black W., Babin B., and Anderson R. (2010). Multivariate Data Analysis. Upper Saddle River, New Jersey: Prentice- Hall.

A study on the factors affecting the satisfaction of employees working at North Ham Thuan Power Company in Binh Thuan province

Assoc.Prof.PhD. Bui Van Trinh1

Ngo Khac Dat2

1Mekong University

2North Ham Thuan Power Company, Binh Thuan province

Abstract:

This study analyzes the factors affecting the satisfaction of employees working at North Ham Thuan Power Company in Binh Thuan province. The study also proposes some implications for the management of job satisfaction of employees at North Ham Thuan Power Company. The study’s proposed research model consists of seven factors, namely Nature of work, Salary, Training and promotion opportunities, Colleagues, Leadership, Safety and Welfare. By analyzing 160 valid observations, the study finds out that there are five factors positively affecting the job satisfaction of employees at North Ham Thuan Power Company. These factors, in descending order of impact level, are Leadership (β = 0.466), Salary (β = 0.3), Training and promotion opportunities (β = 0.29), Welfare (β = 0.206) and Nature of work (β = 0.196).

Keywords: employee satisfaction, human resources, human resource management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]