Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. VŨ THANH HƯƠNG và ThS. NGÔ THANH LOAN (Khoa Tài chính Ngân hàng –Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp_

TÓM TẮT:

Việt Nam đã có 105 công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động và đến hiện nay chỉ còn 84 công ty chứng khoán đang hoạt động (theo dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), điều đó cho thấy sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh ngày càng gay gắt. Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh là vấn đề sống còn của mọi doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, đặc biệt khi tài chính Việt Nam đang hội nhập với nền tài chính của thế giới. Do đó, các doanh nghiệp chứng khoán phải bằng mọi nỗ lực, thông qua các biện pháp khác nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, công ty chứng khoán Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế.

I. Đặt vấn đề

Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp nói chung thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn.

Các lý thuyết về mô hình cạnh tranh được chia thành 3 xu hướng, bao gồm: mô hình năng lực cạnh tranh 3 chiều, mô hình lợi thế cạnh tranh quốc gia và mô hình theo xu hướng tổng hợp. Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, năng lực cạnh tranh được xây dựng dựa trên các mô hình lý thuyết Porter, Thompson - Strickland với 7 yếu tố độc lập. Năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán được đánh giá dựa trên các tiêu chí: nguồn nhân lực (thể hiện trên chất xám và hiệu quả hoạt động), quy mô mạng lưới chi nhánh, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh trong các hoạt động nghiệp vụ, các chỉ tiêu tài chính công ty, hệ thống công nghệ thông tin, thương hiệu và uy tín của công ty chứng khoán. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh có thể biểu hiện qua việc phản ứng và thích nghi trước những cú sốc bởi thị trường tài chính là nơi có niềm tin và sự nhạy cảm lớn với thông tin. Sự phản ứng này bao gồm các công cụ trong hệ thống quản trị rủi ro của công ty chứng khoán và các công cụ kế hoạch của công ty.

II. Thực trạng năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán Việt Nam

Chứng khoán Việt Nam được đánh giá khởi sắc trong giai đoạn phát triển bùng nổ từ năm 2006-2008 và giai đoạn suy thoái từ 2009 - 2012. Dữ liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, cả năm 2015, 76 công ty chứng khoán đạt tổng doanh thu 9.618 tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm 2014; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2014. Trong đó, 56 công ty chứng khoán lãi tổng số 3.198 tỷ đồng, 20 công ty chứng khoán lỗ 501 tỷ đồng.

Xét trên chỉ tiêu lợi nhuận ròng, tổng lợi nhuận các công ty chứng khoán cả năm 2016 không phải là lớn. Nhìn chi tiết vào lợi nhuận các công ty chứng khoán, phần lớn con số lợi nhuận này tập trung vào chưa tới 10 công ty chứng khoán, ví dụ: SSI (hơn877 tỷ đồng), TCBS (483 tỷ đồng), VCSC (338 tỷ), HSC (305 tỷ đồng), FPTS (gần 146,6 tỷ đồng)… Phần lớn các công ty chứng khoán còn lại có lợi nhuận rất khiêm tốn, với mức lợi nhuận đủ… thoát lỗ.

Nhóm những công ty phía trên tăng trưởng từng bước, đồng thời cạnh tranh với nhau nhằm giành giật thị phần. Một số công ty chứng khoán được thị trường biết đến với những nghiệp vụ cụ thể, ví dụ SSI hay HSC với thị phần về môi giới và chứng chỉ quỹ, trong khi Công ty Chứng khoán (CTCK) Kỹ thương Việt Nam lại đi đầu trong môi giới trái phiếu. Tổng cộng thị phần về môi giới phiếu và chứng chỉ quỹ của 10 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam tăng từ 65,37% năm 2015 lên 66,86% năm 2016. Thị phần về môi giới trái phiếu trên HOSE trong năm 2016 là sự vươn lên mạnh mẽ và chiếm ưu thế gần như tuyệt đối của CTCK Ngân hàng Kỹ thương. Từ vị trí đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của năm 2015 với 26,04%, CTCK Ngân hàng Kỹ thương tăng mạnh vượt qua CTCK SSI và chiếm thị phần đến 78,22%.

Xét về nhân sự, các công ty chứng khoán đẩy mạnh tuyển dụng mạng lưới nhân viên, trong đó hai vị trí được chú trọng là môi giới chứng khoán và phân tích chứng khoán. Đối với môi giới chứng khoán, mỗi môi giới thường có nhóm khách hàng riêng, nên giữa các công ty chứng khoán cạnh tranh mong tuyển dụng được một môi giới tức sẽ kèm theo một nhóm khách hàng. Chính vì vậy, các chính sách tuyển dụng ưu đãi sẽ được tung ra, một cách gián tiếp thu hút khách hàng bên cạnh thu hút nhân tài. Ngoài đào tạo đội ngũ môi giới chuyên nghiệp có thể tư vấn cho khách, hiện các CTCK cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân tích báo cáo cung cấp cho khách hàng và PR ngoài thị trường. Đối với vị trí phân tích chứng khoán, sau một thời gian suy thoái kinh tế và chứng khoán, các CTCK cắt giảm đầu tư vào đội ngũ này nhằm giảm chi phí. Hiện nay, các công ty chứng khoán tích cực tuyển dụng và đầu tư đào tạo đội ngũ phân tích chứng khoán. Ngoài các CTCK lớn như SSI, HSC, BVS… thì công ty FPTS, VPBS… cũng đã cho ra nhiều báo cáo phân tích chất lượng.Xét về mặt chất lượng nhân sự, các CTCK hiện nay đều tuyển đội ngũ nhân viên đã có chứng chỉ hành nghề, đào tạo nâng cao ý thức và đạo đức cho nhân viên nhằm tránh hiện tượng nhân viên môi giới lạm dụng, “trộm tiền” trên tài khoản của khách hàng như một thời gian buông lỏng trước đây.

Xét về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các CTCK hàng đầu hiện nay sở hữu công nghệ bảo mật và xây dựng được những bộ sản phẩm trực tuyến nhiều tiện ích cho phép nhà đầu tư giao dịch mọi lúc mọi nơi… như SSI hay FPTS. Phương thức giao dịch quyết định sự thành công đối với một CTCCK. Để giữ chân và “kéo” nhà đầu tư đến với mình, gần đây các CTCK liên tục “chạy đua” áp dụng công nghệ hiện đại. Ví dụ như SSI cung cấp hệ thống phần mềm với nhiều tính năng vượt trội, chẳng hạn như: lệnh tranh mua tranh bán, lệnh dừng, lệnh xu hướng, lệnh đặt trước ngày, những tính năng phân tích kỹ thuật realtime (thời gian thực) theo diễn biến của thị trường. Khi đã làm chủ công nghệ, khách hàng sẽ quan tâm hơn và dễ mở tài khoản hơn, bởi khách hàng mong muốn tiếp nhận công nghệ mới kèm theo tính hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp chứng khoán nhỏ hơn không đủ điều kiện đầu tư tài chính về mảng công nghệ đã phải rút khỏi nghiệp vụ môi giới chứng khoán như chứng khoán Đông Dương hay Sao Việt.

Xét về quy mô mạng lưới chi nhánh, SSI dẫn đầu với 1 trụ sở chính, 6 chi nhánh, 3 phòng giao dịch và 1 công ty quản lý quỹ, có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Vũng Tàu, Nha Trang. HBS với 1 trụ sở chính, 1 trụ sở phụ, 8 phòng giao dịch tại HCM và Hà Nội. FPTS với 1 trụ sở chính và 2 chi nhánh mở tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Công ty chứng khoán lớn có điều kiện mở rộng quy mô, thị trường chủ yếu vẫn tập trung tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, nơi có nhiều nhà đầu tư lớn. Thị trường tiềm năng vẫn còn, là cơ hội cho các CTCK tiếp tục khai thác.

Đánh giá về tiềm lực tài chính, các CTCK hàng đầu tăng trưởng vốn tốt trong những năm gần đây, tuy nhiên các công ty phải đối mặt với việc cạnh tranh của CTCK mới nổi có sự hậu thuẫn của tập đoàn nước ngoài như Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam với sự hỗ trợ của Tập đoàn KIS Hàn Quốc. Năm 2016, Công ty này đã lọt vào top 10 CTCK lớn nhất Việt Nam, vượt qua CTCK Bảo Việt. Những CTCK hàng đầu luôn có chỉ số sinh lời ROE, ROA tốt hơn các công ty nhóm dưới, bởi hầu như khách hàng tập trung vào nhóm này và mang lại doanh thu cao - lợi nhuận tương ứng cho công ty.

Xét về thương hiệu và uy tín, với việc được đứng vào top 10 CTCK lớn nhất Việt Nam, những thương hiệu hàng đầu sẽ tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo độ tin cậy và thu hút khách hàng sử dụng. Thực tế, những công ty nào dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận sau thuế, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ được đánh giácao về thương hiệu và uy tín. Dựa trên giá của một số CTCK được giao dịch trên sàn chứng khoán, có thể thấy những thương hiệu nào đang được nhà đầu từ đánh giá cao, xem bảng dưới đây:

Xét năng lực cạnh tranh của các CTCK nói chung, những công ty hàng đầu vẫn đang chiếm ưu thế lớn, với sự lấn át về thị phần và khả năng dẫn đầu thị trường. Các CTCK vẫn có nguy cơ bị loại khỏi top nếu không liên tục đổi mới, tăng trưởng và phát triển, đặc biệt đứng trước sự phát triển cả về quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bảng. Giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán


III. Giải pháp trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty chứng khoán Việt Nam

Các CTCK Việt Nam cần tập trung thúc đẩy năng lực cạnh tranh bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, bởi cơ sở hạ tầng vững chắc mới tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng được xây dựng dựa trên các yếu tố:

- Nâng cao năng lực vốn trí tuệ tại các CTCK: Mỗi CTCK đều cần nguồn nhân lực chuyên nghiệp và được đào tạo đầy đủ, hoạt động trong một môi trường doanh nghiệp xây dựng trên nền tảng quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và quản trị doanh nghiệp hiệu quả, với tiêu chuẩn chất lượng và đạo đức kinh doanh cao.

- Nâng cao nhận thức và triển khai hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và tuân thủ nói chung chưa phát triển tại Việt Nam hoặc còn được đánh giá chưa cao trong các CTCK. Các CTCK còn tập trung phát triển quy mô, cạnh tranh thị phần chứ chưa đi sâu vào phát triển bền vững. Do vậy, cả lãnh đạo cũng như nhân viên CTCK cần được đào tạo nâng cao nhận thức và trong công ty cần làm chặt quy trình nghiệp vụ. Các CTCK cần có một hệ thống quản trị đủ mạnh để tạo dựng tương lai bền vững và giảm thiểu mọi rủi ro, như rủi ro tín dụng, rủi ro tác nghiệp, rủi ro thị trường… Các công ty cũng cần chủ động giải quyết các thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp mình bằng cách triển khai một hệ thống quy trình chính thức để xác định và giải quyết những hạn chế trong hệ thống quản trị rủi ro, giám sát tuân thủ. Ngoài ra, các CTCK cần học hỏi từ bài học kinh nghiệm của các công ty trên thế giới như việc xử lý tình huống trước những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, bài học về quản trị doanh nghiệp, việc triển khai và thực hiện các bước trong quản trị doanh nghiệp…

- Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm: Với sự cạnh tranh trên thị trường và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, CTCK cần đi sâu vào nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ tối ưu cho khách hàng trên thị trường để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. CTCK muốn tồn tại lâu dài trên thị trường chứng khoán cần đầu tư và xây dựng sản phẩm phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mình thay vì chạy theo sản phẩm của đối thủ cạnh tranh hoặc của các công ty lớn. Chỉ khi có sản phẩm riêng biệt có giá trị thì vị thế của doanh nghiệp mới đứng vững và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, khách hàng của doanh nghiệp cũng cần được phân loại: nhóm khách hàng doanh nghiệp sẽ khác với nhóm khách hàng cá nhân, nhà đầu nhỏ lẻ lướt sóng sẽ khác với nhà đầu tư chuyên nghiệp… Sản phẩm dịch vụ cũng cần được nghiên cứu riêng biệt cho các nhóm khách hàng để thỏa mãn tốt nhất.Để làm được điều này, CTCK cần chuẩn bị về ngân sách, trang thiết bị và nhân lực, nhằm nghiên cứu và kiểm tra sản phẩm mới, đồng thời có bộ phận nhận phản hồi và kịp thời chỉnh/sửa các lỗi được phát hiện trong quá trình sử dụng.

- Phát triển công nghệ có chiều sâu:Hoạt động của CTCKcó lợi thế lớn nhờ hệ thống vận hành hiệu quả của hệ thống báo cáo, quản lý trực tuyến dựa trên công nghệ và bảo mật. Thị trường chứng khoán thay đổi và điều chỉnh liên tục, linh hoạt kéo theo nhu cầu trên thị trường cũng liên tục đổi mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ quan quản lý, đảm bảo hỗ trợ tối đa nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm dịch vụ vì thế vô cùng đa dạng, thay đổi liên tục, do vậy việc phát triển phần mềm lõi để theo dõi quản lý khách hàng, dịch vụ, diễn biến thị trường cũng như hệ thống cảnh báo, báo cáo dành cho các nhà quản lý tại thị trường chứng khoán là vô cùng cần thiết và quan trọng. Để hướng tới cạnh tranh bền vững, CTCK cần đầu tư công nghệ phần mềm lõi chuẩn quốc tế, giúp cho doanh nghiệp không chỉ có năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn đủ khả năng chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khi vươn ra thị trường quốc tế. Hệ thống hạ tầng công nghệ phải đảm bảo tính năng online - hoạt động 24/24h cho phép khách hàng kiểm tra giao dịch mọi lúc mọi nơi, đảm bảo tối ưu khi sử dụng - khách hàng dễ dùng, dễ giao dịch, không bị mắc lỗi hoặc mất lệnh, đảm bảo tính bảo mật - không được lộ thông tin tài khoản khách hàng hoặc xảy ra mất tiền/chứng khoán trên tài khoản khách hàng. Khách hàng cần dễ dàng nâng cấp các phần mềm/ứng dụng trên nền trình duyệt hoặc hệ điều hành của thiết bị kết nối, có hệ thống hỗ trợ hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng các tính năng trong phần mềm/ứng dụng; có công cụ hỗ trợ trả lời tự động hoặc hệ thống trả lời tự động.

Tóm lại, đứng trước tình hình hội nhập tài chính thế giới, các CTCK Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để tiến ra thị trường tài chính khu vực và thế giới, mà trước hết phải tập trung nâng cao hạ tầng. Chỉ với hạ tầng vững chắc - trí tuệ, công nghệ và sản phẩm dịch vụ- thì sự phát triển của công ty chứng khoán mới bền vững lâu dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS. TS. Bùi Kim Yến - Giáo trình Thị trường chứng khoán - NXB Giao thông vận tải – 2013.Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Duy Hùng -Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các công ty chứng khoán - một nghiên cứu thực nghiệm. Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 214 (II) tháng 4/2015.

3. Báo cáo tài chính năm 2015 - 2016 của các công ty chứng khoán SSI, VN Direct, HSC, TCBS...

4. Dữ liệu thống kê về các công ty chứng khoán trên website của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

IMPROVE THE COMPETITIVENESS OF VIETNAMESE

SECURITIES FIRMS IN INTERNATIONAL

ECONOMIC INTEGRATION

MA. VU THANH HUONG

MA. NGO THANH LOAN

Faculty of Banking and Finance

University of Economic and TechnicalIndustries

ABSTRACT:

Vietnam has 105 licensed securities companies, however, up to now only 84 securities companies are operating (according to data from the State Securities Commission), which shows competition in operations is becoming more fiercely. In fact, competitiveness is a vital issue for all securities businesses, especially as Vietnam's finances are integrating into the world's financial system. Therefore. securities firms must make every effort, through various measures to improve their competitiveness.

Keywords: Competitiveness, Vietnam securities companies, international economic integration.