Mục tiêu kép của ngành Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các giải pháp thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chuyển dịch thị trường xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp khiến xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới.

Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 19 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu sang Canada đạt 975 triệu USD, tăng 13%; Mexico đạt 798 triệu USD, tăng 61%; Brasil đạt 511 triệu USD, tăng 11%; Chile đạt 287 triệu USD, tăng 93%; Argentina tăng 55%; Colombia tăng 93%; Panama tăng 73% và Peru tăng 82%.

Ngoài ra, các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc đạt 9,35 tỷ USD, tăng 22,8%; Nhật Bản đạt 5 tỷ USD, tăng 7,8%; Australia đạt 924 triệu USD, tăng 11,6%.

Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm tập trung ở khu vực châu Âu, cụ thể xuất khẩu sang EU (tính cả Anh) đạt 9,61 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Pháp đạt 771,6 triệu USD, giảm 19%; Italy đạt 758,7 triệu USD, giảm 17,4%; Tây Ban Nha đạt 551,6 triệu USD, giảm 6,4%; sang Anh đạt 1,28 tỷ USD, giảm 6,6%.

Do dịch COVID-19 nên từ cuối tháng 3, nhiều nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước EU đã thông báo hoãn, giãn tiến độ giao hàng, thậm chí hủy các đơn hàng đang chuẩn bị giao do nhiều nước yêu cầu đóng cửa các thành phố, người dân được yêu cầu ở nhà, dẫn đến hàng hóa không bán được.

Đối với các thị trường khác, các tác động đến với xuất khẩu của Việt Nam bao gồm hoạt động logistics, thông quan hàng hóa bị ảnh hưởng do phải thực hiện kiểm dịch y tế nghiêm ngặt.

Hơn nữa, việc đóng cửa đối với xuất nhập cảnh ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch khiến làm việc trao đổi của doanh nghiệp Việt Nam và đối tác, nhất là với các hoạt động giao dịch phải có sự trao đổi làm việc trực tiếp; nhu cầu nhập khẩu giảm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh đó, kết quả xuất khẩu sang các thị trường phụ thuộc nhiều vào diễn biến kiểm soát dịch bệnh tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Để thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.

Trước mắt là kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trở lại với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) khi Hiệp định được phê chuẩn.

Để thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trong việc xây dựng các giải pháp hậu dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, yêu cầu các Cục, Vụ phụ trách sản xuất tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, nhất là các ngành trọng điểm như dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn.

det may
Để thúc đẩy xuất khẩu Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới

Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, thúc đẩy thị trường trong nước

Để thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.

Về phía Bộ Công thương, ngày 20 tháng 3 năm 2020, Bộ đã ban hành Quyết định số 932/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ nay đến khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ đã xây dựng một số đề án xúc tiến thương mại, lên kế hoạch khả thi, phương án triển khai cụ thể để có thể tiến hành các hoạt động.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các nước.

Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục triển khai hình thức kết nối giao thương trực tuyến và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.

Nhằm kịp thời thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng Internet.

Đến nay, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đang ngày càng ổn định khi dịch COVID-19 được kiểm soát khá tốt ở 2 thị trường này thời gian gần đây.

Sau dịch bệnh, khi các thị trường phục hồi cũng là thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao so với thời điểm dịch bệnh. Do vậy, việc kiểm soát dịch tốt sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam so với các quốc gia khác khi có thể sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa.

Một số giải pháp gần đây của Chính phủ về miễn giảm, tạm hoãn các loại thuế, phí, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội là rất cần thiết, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Đáng lưu ý, tại các buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã khuyến nghị doanh nghiệp có kế hoạch hợp lý trong việc giãn tiến độ sản xuất, cho người lao động nghỉ việc luân phiên để duy trì sản xuất và đảm bảo mỗi lao động vẫn có việc làm để có thu nhập tối thiểu.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần cố gắng áp dụng các biện pháp để bảo quản, bảo đảm chất lượng nguyên phụ liệu chưa sản xuất và thành phẩm chưa thể xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thị trường nội địa cần được coi là động lực quan trọng để phục vụ tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn để kịp thời có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Vụ Thị trường trong nước sớm chuẩn bị phương án triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.