Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế độ hưu trí ở Việt Nam hiện nay

Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế độ hưu trí ở Việt Nam hiện nay do TS. Nguyễn Thị Phương Thúy (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Trong các chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí giữ vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, một số quy định về chế độ hưu trí trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bộc lộ những điểm vướng mắc cũng như những tồn tại trong quá trình tổ chức, thực hiện. Với mục đích, đề xuất một số kiến nghị sửa đổi chế độ hưu trí trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, ở phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nêu ý kiến về những điểm tồn tại trong chế độ hưu trí và một số kiến nghị sửa đổi mà không phân tích toàn diện thực trạng quy định pháp luật về chế độ hưu trí.

Từ khóa: chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội, hoàn thiện pháp luật.

1. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về chế độ hưu trí

Thứ nhất, những hạn chế, vướng mắc trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (chế độ hưu trí).

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định mở rộng đối tượng đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc (cũng là những đối tượng áp dụng chế độ hưu trí) đến người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người trên 60 tuổi đối với nam, trên 55 tuổi đối với nữ; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có thể nói, về mặt chính sách, quy định này đã bao phủ toàn bộ lực lượng lao động1. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện cho thấy số người tham gia bảo hiểm xã hội (chế độ hưu trí) tăng chậm, độ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp so với tiềm năng. Ước tính đến cuối năm 2020, có khoảng 16,05 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 32,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,03 triệu người, chiếm 30,8% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,01 triệu người, chiếm 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi2. Số liệu này cho thấy việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm và chưa đạt được mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là “phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội” và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là “đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội,…”3. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số bất cập trong quy định pháp luật về chế độ hưu trí như:

- Một là, có khác biệt lớn về quyền lợi được hưởng giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất mà không được hưởng ba chế độ bảo hiểm khác là chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong khi các rủi ro trước mắt ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người lao động như ốm đau, thai sản, nuôi con nhỏ thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại không được hưởng. Đồng thời, việc họ phải đóng góp và chờ đợi quá lâu để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất cũng làm cho làm người lao động không mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có thể nói, đây là một trong những lý do làm cho bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, dẫn đến diện bao phủ của chế độ hưu trí trong loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.

- Hai là, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa điều chỉnh một số nhóm đối tượng có khả năng đóng góp để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chủ hộ kinh doanh nếu có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với trách nhiệm của người sử dụng lao động4. Tuy nhiên, bản thân chủ hộ kinh doanh lại không thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi hộ kinh doanh chiếm số lượng lớn nhất trong số các chủ thể kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, còn có một số chủ thể khác như người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, những người lao động làm việc không trọn thời gian.

- Ba là, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để đủ điều kiện hưởng lương hưu người lao động phải thỏa mãn về độ tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội là đủ 20 năm trở lên (trừ trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã thì chỉ cần có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội)5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá dài không phù hợp với khả năng duy trì việc làm của nhiều người lao động. Do đó, thực tế nhiều người lao động với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt nên không thể theo đuổi đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu trong tương lai khi về già. Đây cũng là một trong những lý do khiến tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian gần đây.

Thứ hai, một số quy định chưa thể hiện được sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng áp dụng chế độ hưu trí.

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn là đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được bổ sung từ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tuy nhiên, quy định về quyền lợi được hưởng của đối tượng này chưa được đảm bảo toàn diện và chưa bình đẳng như các đối tượng khác. Đối tượng này chỉ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất mà không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản như những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác (công chức, viên chức, người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động,...)6. Trong khi những quyền lợi sát sườn ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của họ thì họ lại chưa được hưởng. Một thực tế cũng đáng quan tâm là mức lương hàng tháng của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã rất thấp, nếu họ được bảo vệ toàn diện hơn thì cũng là động lực mạnh mẽ để họ cống hiến trong công việc. Ngoài ra, Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở trừ trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, theo quy định trên, tại thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà mức lương hưu tạm tính của người lao động thấp hơn mức lương cơ sở thì vẫn sẽ được hưởng bằng mức lương cơ sở. Tuy nhiên, quy định này lại không được áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ ba, vướng mắc trong quy định đóng quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng tháng đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ bảo hiểm xã hội mà cụ thể là quỹ hưu trí và tử tuất7. Đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Thực tiễn cho thấy, tình trạng nhiều doanh nghiệp tách tiền lương tháng của người lao động thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung, tiền thưởng,...  để không phải đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn chênh lệch rất nhiều với tiền lương thực tế của người lao động. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc hưởng lương hưu của người lao động khi về già. Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì chỉ đóng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất8. Quy định này đã hạn chế việc tham gia đóng góp của đối tượng này. Trường hợp, những người hoạt động không chuyên trách muốn đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội với mức cao hơn mức lương cơ sở để được hưởng tiền lương hưu cao hơn khi về già thì cũng không thể thực hiện được.

Thứ tư, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng nhanh.

Theo số liệu thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2014 - 2020, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tương đương với số người tham gia tăng thêm mới hằng năm). Riêng năm 2021, đã có hơn 800.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần9. Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ làm mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, gia đình và xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm chậm quá trình bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất cập từ phía quy định của pháp luật. Từ ngày 01/01/2016, Nghị quyết số 93/2015/QH13 đã cho phép chi trả bảo hiểm xã hội một lần với trường hợp người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Thực tế khi người lao động nghỉ việc, thu nhập, đời sống của phần lớn người lao động đều rất khó khăn. Trong khi quy định về điều kiện, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần lại rất thông thoáng, dễ dàng, mức hưởng lại hấp dẫn so với mức đóng góp của người lao động nên nhiều người lao động sẽ lựa chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần để đáp ứng nhu cầu tài chính ngắn hạn của họ. Ngoài ra, những người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần đa phần là những người lao động bị mất việc làm ở khu vực chính thức với thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ngắn. Để được hưởng lương hưu, họ cần phải đóng bảo hiểm xã hội thêm nhiều năm nữa, trong khi người lao động không đủ khả năng tài chính để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, bất cập trong quy định cách tính tiền lương hưu.     

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính tiền lương hưu, trợ cấp một lần của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội (5, 6, 8, 15, 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu), tùy vào thời điểm họ tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi người lao động làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước, theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ quá trình đóng. Với cách tính khác biệt này cũng làm cho người lao động nản lòng khi họ đã cống hiến, làm việc 20, 30 năm thậm chí 40 năm nhưng khi về hưu mức lương hưu của họ vẫn rất thấp10.

Để được hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính tiền lương hưu, trợ cấp một lần theo Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội thì lao động nam cần có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ là 30 năm đóng bảo hiểm xã hội11. Tuy nhiên, thực tế nhiều người lao động, đặc biệt là công nhân đi làm khi tuổi còn trẻ nên nhiều trường hợp họ thừa thời gian để được hưởng mức 75% nhưng vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Trong trường hợp này họ phải bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chờ đến khi đủ tuổi hoặc nghỉ hưu sớm với mức lương thấp hơn (Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định người lao động bị giảm đi 2%). Như vậy, thực tế có nhiều trường hợp người lao động thừa năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức tối đa 75%, được hưởng trợ cấp một lần trước khi nghỉ hưu nhưng do thiếu tuổi nên vẫn bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, dẫn đến mức lương hưu của họ sẽ bị thập hơn, ảnh hưởng đến đời sống của họ khi về già.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ hưu trí

Một là, cần bổ sung thêm các chế độ bảo hiểm ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có thể nghiên cứu việc bổ sung các chế độ này theo hướng không áp dụng cho tất cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thực hiện trên tinh thần để người lao động tự nguyện đăng ký chế độ bổ sung theo nhu cầu và khả năng đóng góp tài chính của mình. Quy định linh hoạt này sẽ giúp người lao động có thêm nhiều lựa chọn phù hợp, đồng thời người lao động sẽ được bảo vệ trước những khó khăn, rủi ro thường ngày, qua đó tạo tâm lý an tâm và thu hút họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lâu dài, ổn định.

Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Bổ sung các nhóm như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt... vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc những người lao động có quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội không liên tục, có thời gian đóng ngắn vẫn được hưởng lương hưu.

Bốn là, để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, cần quy định mức lương hưu tối thiểu của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng phải bằng mức lương cơ sở giống như những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác. Việc sửa đổi các quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và cũng là phù hợp với tinh thần xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội đảm bảo sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các nhóm đối tượng tham gia được ghi nhận trong Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Năm là, sửa đổi quy định về mức đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Với quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là mức cố định bằng 8% mức lương cơ sở như hiện nay là không đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này. Nên chăng, cần sửa đổi quy định này theo hướng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn hằng tháng đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Mức tiền lương tháng không thấp hơn mức lương cơ sở. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định nhằm giảm khoảng cách giữa tiền lương thực tế của người lao động với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Sáu là, sửa đổi quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 theo hướng linh hoạt cho phép người lao động sẽ tự quyết định lựa chọn việc sẽ nhận bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hướng tới chế độ hưu trí khi về già hoặc kết hợp vừa hưởng bảo hiểm xã hội một lần với một phần thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết những nhu cầu của bản thân, gia đình họ, vừa bảo lưu thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất còn lại. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tích cực truyền thông, định hướng dư luận, giúp người lao động nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ hưu trí nói riêng.

Bảy là, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính tiền lương hưu, trợ cấp một lần của người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng so với người lao động thuộc đối tượng tiền lương do Nhà nước quy định. Nên chăng, có thể quy định cách tính giống nhau giữa hai đối tượng theo hướng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính tiền lương hưu là bình quân của 5, 6, 8, 10, 15, 20 năm, toàn bộ thời gian (tùy vào thời điểm họ tham gia bảo hiểm xã hội). Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu để có quy định phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho những người lao động đã thừa thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng tối đa 75% lương hưu và được hưởng trợ cấp một lần nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu nên vẫn bị trừ tỷ lệ hưởng khi nghỉ hưu trước tuổi. Có thể nghiên cứu sửa đổi theo hướng bù trừ thời gian đóng bảo hiểm xã hội thừa để được hưởng 75% với số năm người lao động chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nhằm đảm bảo mức lương hưu cho người lao động vẫn được đảm bảo so với thời gian họ đã cống hiến, đóng quỹ hưu trí tử tuất. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn tha thiết của đa số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

2Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2021), Báo cáo số 52/BC-LĐTBXH ngày 02/6/2021, Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Giai đoạn 2016 - 2020), Hà Nội.

3Ban chấp hành Trung ương (2012). Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và Ban chấp hành Trung ương khóa XII (2018), Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Hà Nội.

4Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

5Điều 54, 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

6Điều 24, Điều 30, Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

7Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

8Điều 5 Quyết định số 595/2017/QĐ-BHXH

9Trần Hải Nam (2022), Bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam: Thực trạng đáng lo ngại. Truy cập tại https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/bhxh-mot-lan-o-viet-nam-thuc-trang-dang-lo-ngai-91109.html

10Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

11Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017). Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình thu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2014). Luật số 58/2014/QH13: Luật Bảo hiểm xã hội, ban hành ngày 20/11/2014, Hà Nội.

SOME RECOMMENDATIONS

TO RESOLVE SHORTCOMINGS

OF VIETNAM’S CURRENT RETIREMENT REGIME

• Ph.D NGUYEN THI PHUONG THUY

Thai Nguyen University

of Economics and Business Administration 

ABSTRACT:

Among social insurance regimes, the retirement regime plays an important role in ensuring long-term social security for employees when they retire. However, after a period of implementation, some provisions on the retirement regime under the Law on Social Insurance 2014 have revealed their shortcomings. This paper presents some opinions about the current retirement regime’s shortcomings and makes a number of recommendations to amend the current pension regime.

Keywords: retirement, social insurance, legal improvement.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương