Malaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá Polyethylene Terephthalate (PET) của Việt Nam

Để ứng phó hiệu quả với vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã đưa ra 5 khuyến nghị lớn đối với các doanh nghiệp, Hiệp hội có liên quan.

Theo quyết định của Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), hàng hóa bị điều tra chống bán phá giá là một số sản phẩm Polyethylene Terephthalate (được gọi là PET, PETE hoặc PETP hoặc PET-P), có độ nhớt từ 0.7 decilit/gram (dl/g) trở lên, được phân loại theo mã HS và AHTN: 3907.61.00.00, 3907.69.10.00, 3907.69.90.00; có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

MITI cho biết sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam. Trong trường hợp không nhận được thông tin từ MITI, các bên liên quan có thể liên hệ với MITI bằng văn bản, bằng fax hoặc email để tìm hiểu thông tin, nhận bản câu hỏi điều tra.

MITI cũng khuyến nghị các bên liên quan gửi bản trình bày quan điểm, lập luận bằng văn bản về vụ việc tới MITI, bằng cách trả lời bản câu hỏi điều tra và cung cấp các bằng chứng liên quan tới vụ việc điều tra chống bán phá giá.

Thời hạn để các bên liên quan gửi yêu cầu nhận bản câu hỏi điều tra là muộn nhất là 15 ngày kể từ ngày MITI ban hành thông báo (28/7/2020).

Thời hạn nộp bản trả lời bản câu hỏi điều tra và nộp quan điểm, lập luận bằng văn bản về cuộc điều tra là trong vòng 30 ngày kể từ ngày kể từ ngày MITI ban hành thông báo, trừ khi được gia hạn.

Các bên liên quan gửi thông tin tới MITI cần gửi kèm tên, địa chỉ, email, điện thoại, fax.

Để ứng phó hiệu quả với vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan 5 vấn đề:

(i) Liên lạc với MITI để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định;

(ii) Đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định;

(iii) Hợp tác toàn diện với MITI trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi;

(iv) Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Malaysia để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Malaysia, yêu cầu MITI xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.

(v) Liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

“Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Malaysia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do Nguyên đơn đề xuất. Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Malaysia và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia khác”, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý thêm.

Thy Thảo