Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer (tỉnh Trà Vinh) trong phát triển du lịch

ThS. Trương Thị Kim Thủy (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer, tỉnh Trà Vinh là dịp du khách nhận được nhiều giá trị văn hóa tâm linh từ hoạt động du lịch. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến tình hình khai thác lễ hội Ok Om Bok trong phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh và đề ra những định hướng phát triển sản phẩm du lịch lễ hội tốt hơn.

Từ khóa: Lễ hội Ok Om Bok, người Khmer, tỉnh Trà Vinh, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề

Trà Vinh nằm ở hạ lưu sông Mekong được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, phía Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng, phía Đông giáp biển Đông. Đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 7 huyện. Dân số toàn tỉnh năm 2015 là 1.034.600 người, trong đó người Khmer chiếm 31,62% dân số. Ngành nghề chủ yếu của họ là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp[1].

Địa thế bán đảo hai mặt sông một mặt biển đã tạo cho Trà Vinh sự biệt lập nhất định; quy định tín ngưỡng và lễ hội có những nét đặc thù gần với truyền thống hơn so với các tỉnh lân cận của đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, lễ hội Ok Om Bok của người Khmer tỉnh Trà Vinh được vinh dự nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Lễ hội này có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Lễ hội Ok Om Bok

Chủ thể và phạm vi nghiên cứu: Người Khmer, tỉnh Trà Vinh

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu thực địa: Vận dụng phương pháp này, chúng tôi tiến hành khảo sát thực tế tại Trà Vinh với tư cách là thành viên tham gia lễ hội cùng cộng đồng địa phương, chúng tôi đã thu thập được nhiều hình ảnh và tư liệu về lễ hội Ok Om Bok.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Chúng tôi tiến hành khảo sát 100 đối tượng du khách ở nơi khác đến tham dự lễ hội Ok Om Bok tại Trà Vinh. Từ đó, chúng tôi xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS 16.0 gồm: phân tích thống kê mô tả (tần suất (%), số trung bình) và đánh giá mức độ hài lòng của du khách bằng thang đo Likert 5 mức độ (1: Hoàn toàn không hài lòng, 2: Không hài lòng, 3: Bình thường, 4: Hài lòng, 5: Hoàn toàn hài lòng). Giá trị khoảng cách của các mức độ và ý nghĩa của từng giá trị trung bình đối với thang đo khoảng cách như sau:

- Giá trị khoảng cách = (Maximum – Minnimum)/n = (5-1) = 0,8

  • Giá trị trung bình từ 1,00 đến 1,80: Hoàn toàn không hài lòng
  • Giá trị trung bình từ 1,81 đến 2,60: Không hài lòng
  • Giá trị trung bình từ 2,61 đến 3,40: Bình thường
  • Giá trị trung bình từ 3,41 đến 4,20: Hài lòng
  • Giá trị trung bình từ 4,21 đến 5,00: Rất hài lòng [2]

3. Thực trạng du lịch lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh

3.1. Du khách tham dự lễ hội 

Nhóm du khách này chủ yếu là học sinh sinh viên (42%), cán bộ viên chức (18%), Hội nhiếp ảnh (Trà Vinh 8%); với đa số là trình độ đại học (Trà Vinh 52%) và cao đẳng (Trà Vinh 42%). Nhìn chung, do kênh thông tin quảng bá lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh chủ yếu từ mạng internet, thư mời trực tiếp từ ban tổ chức đến cơ quan đoàn thể, từ bạn bè người thân nên chỉ thu hút nguồn du khách từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội. Đa phần nguồn khách là cán bộ viên chức được mời trực tiếp tham dự hoặc tập trung ở nhóm tuổi trẻ học sinh - sinh viên các tỉnh lân cận; số lượng du khách ngoài khu vực thật sự chủ động tìm đến lễ hội Ok Om Bok còn hạn chế.

bieu do 1-2

bieu do 3-4

Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Trà Vinh, số lượng du khách đến địa phương không thống kê theo các dịp lễ hội, vì đa phần lễ hội không bán vé và chỉ thu hút người dân địa phương. Điều này thể hiện qua số lần du khách đến với lễ hội Ok Om Bok chủ yếu là du khách đến lần đầu (80%); lượng du khách quay trở lại lễ hội lần thứ 2 và 3 hoặc hơn nữa rất ít (du khách đến lễ hội lần 2 là 16%, lần 3 là 4%).

Đồng thời, do lượng du khách đến với lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh chủ yếu là học sinh - sinh viên, cán bộ viên chức và nguồn khách chủ yếu là các tỉnh lận cận, nên đa phần du khách lựa chọn hình thức tự tổ chức đi (60%) hoặc đi cùng cơ quan (22%). Tuy nhiên, đa phần du khách đến lễ hội Ok Om Bok về trong ngày (54%).

Tóm lại, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy đối tượng du khách trong dịp lễ hội Ok Om Bok chưa được quan tâm đúng mức; sự kiện văn hóa lễ hội tổ chức tốt nhưng chưa gắn kết được nguồn du khách. Minh chứng là lượng du khách đến lễ hội khá ít so với người dân địa phương tham gia lễ hội. Nguồn du khách chưa phong phú cả nội địa và quốc tế; chỉ tập trung là khách tự phát thuộc các đối tượng tiêu dùng ít trong du lịch như học sinh sinh viên, còn cán bộ viên chức chỉ tham dự với tính chất đại biểu. Vai trò của các công ty du lịch cũng chưa phát huy mạnh mẽ trong dịp khai thác nguồn khách cũng như tour tuyến phục vụ lễ hội. Đa phần du khách tự tổ chức đi và về trong ngày; lễ hội chưa thật sự đủ sức lưu giữ du khách ở lại lâu và gia tăng giá trị kinh tế cho cộng đồng địa phương. (Biểu đồ 1, 2, 3, 4)

3.2. Kênh thông tin quảng bá lễ hội

Lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh được chính quyền và các cấp ngành địa phương quan tâm và quảng bá thông tin rộng rãi bằng nhiều phương tiện truyền thông đại chúng (cổng chào, bandrol, chương trình lễ hội Ok Om Bok). Theo kết quả khảo sát, du khách biết đến lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh chủ yếu qua kênh thông tin internet (30%), thư mời từ Ban tổ chức lễ hội (18%), bạn bè người thân (16%). Kênh thông tin từ ấn phẩm du lịch hay các hãng lữ hành, công ty du lịch rất ít, du khách biết đến lễ hội Ok Om Bok qua ấn phẩm du lịch 8%.

Qua đó, chúng tôi nhận thấy tỉnh Trà Vinh nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của lễ hội; có sự quan tâm phát triển chính sách văn hóa dân tộc; và có định hướng khai thác lễ hội thành sản phẩm du lịch đặc thù. Địa phương đã có sự đầu tư cho công tác quảng bá về lễ hội Ok Om Bok. Tuy nhiên, Trà Vinh mới tiếp cận được nguồn khách nội địa, chưa thu hút được khách quốc tế. Minh chứng là các kênh thu hút du lịch như ấn phẩm du lịch, công ty du lịch, hệ thống website, internet (về tiếng Anh) chưa được quan tâm đúng mức. (Biểu đồ 5)

bieu do 5

3.3. Hoạt động du lịch tại lễ hội  

Theo kết quả khảo sát, điều hấp dẫn du khách nhất khi đến lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh là vì danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội đã được công nhận năm 2014 (23,8%). Đồng thời, Trà Vinh cũng được biết đến là đô thị xanh với nhiều cây cổ thụ nhất đồng bằng sông Cửu Long và nhiều chùa Khmer cổ (23,8%). Điều du khách thích đến lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh là có hoạt động thả đèn gió (19,8%) và người dân thân thiện (10,9%). Qua đó, chúng tôi ghi nhận, du khách bị thu hút đến lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh bởi những giá trị văn hóa truyền thống của một lễ hội mang “thương hiệu” di sản văn hóa, một đô thị xanh ít biến đổi văn hóa giữa rừng cây cổ thụ và những ngôi chùa Khmer cổ kính. (Biểu đồ 6)

bieu do 6

Ở Trà Vinh, những hoạt động du khách tham gia nhiều nhất là triển lãm ở Ao Bà Om và thả đèn nước (15,6%), lễ cúng trăng tại chùa (14,6%), biểu diễn văn nghệ (12,8%). Hoạt động du khách ít tham gia nhất là giải đua xe moto (2,2%), lễ cúng trăng tại nhà dân (4,4%), thả đèn gió (7,5%). Nhìn chung, những hoạt động lễ hội diễn ra chủ yếu tại trung tâm Ao Bà Om. 

Sự quan tâm của du khách thật sự chú ý nhiều ở phần hội; ý nghĩa và giá trị văn hóa của lễ hội chưa được khai thác tốt. Theo chúng tôi ghi nhận, mặc dù địa phương đã có sự đầu tư kéo dài các chuỗi hoạt động để người dân và du khách tham gia, nhưng những hoạt động chưa có sự kết nối giá trị văn hóa giữa các điểm tổ chức, những hoạt động vẫn còn mang tính hình thức. Do đó, du khách chưa có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận hết giá trị văn hóa của lễ hội Ok Om Bok. (Biểu đồ 7)

Biểu đồ 7: Các hoạt động du khách tham gia tại lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh

Đơn vị: %

bieu do 7

Đến với lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh, nhìn chung du khách rất hài lòng và hài lòng về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ lễ hội, vấn đề trật tự an ninh, an toàn trong lễ hội, giá cả dịch vụ trong lễ hội. Tuy nhiên, cũng có một số tiêu chí làm du khách chưa hài lòng. Đó là lễ hội chưa khai thác được sản phẩm hàng lưu niệm, đặc sản địa phương phục vụ du khách trong mùa lễ hội. Bên cạnh đó, những tiêu chí của lễ hội chưa được du khách quan tâm, đánh giá cao, chỉ dừng lại ở mức độ trung lập. Tình trạng ăn xin, trộm cắp ở lễ hội; sự kết nối giữa các điểm chùa, nhà dân, nơi sinh hoạt cộng đồng và các điểm tham quan khác; các hoạt động trong lễ hội còn bị sân khấu hóa; chưa có nhiều chương trình du lịch dịp lễ hội; chưa có nhiều món ăn đặc sản địa phương được giới thiệu trong dịp lễ hội.

Chúng tôi cho rằng, để khai thác giá trị văn hóa lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, cần có sự quan tâm đến những đánh giá trên của du khách. Vấn đề đặt ra ở đây là sự khai thác tốt để nâng cao giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Từ đó, lễ hội Ok Om Bok không chỉ là di sản văn hóa của cộng đồng Khmer, mà còn được nhiều người biết đến để bảo tồn và mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng từ hoạt động du lịch. Do đó, chúng tôi tiến hành khảo sát sự hài lòng của du khách để biết được mức độ cảm nhận của du khách sau khi tham gia lễ hội. Từ đó, có những hướng đề xuất trong việc khai thác phát triển lễ hội Ok Om Bok thành sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương.

Bảng 1. Mức độ hài lòng của du khách về lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh

Đơn vị: %

Tiêu chí

Giá trị TB

Diễn

Giải

Về cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội

 

 

LH có các bãi giữ xe ở vị trí thuận lợi

3.66

Hài lòng

LH có bố trí nhiều nhà vệ sinh

4.44

Rất hài lòng

Về trật tự an ninh an toàn

 

 

LH có lực lượng trật tự tuần tra thường xuyên

3.96

Hài lòng

LH không có tình trạng ăn xin

3.32

Bình thường

LH không có tình trạng trộm cắp

3.16

Bình thường

LH không xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông

3.42

Hài lòng

Về hoạt động, tổ chức lễ hội

 

 

LH khai thác được các giá trị VH giúp du khách hiểu và trải nghiệm cùng LH

3.42

Hài lòng

LH có sự kết nối giữa các điểm chùa, nhà dân, nơi sinh hoạt cộng đồng và các điểm tham quan khác

3.18

Bình thường

Du khách tham gia được các LH truyền thống (không bị sân khấu hóa)

3.36

Bình thường

Các cty DL có nhiều CTDL khai thác trong dịp LH

2.44

Không hài lòng

Về các dịch vụ phục vụ lễ hội

 

 

Các DV vui chơi giải trí hấp dẫn

2.74

Bình thường

Các hàng quán ăn uống có nhiều món ăn đặc trưng địa phương

2.68

Bình thường

Có KVuc bán SP lưu niệm gắn với LH

2.44

Không hài lòng

Về giá cả dịch vụ phục vụ lễ hội

 

 

Giá cả DV ăn uống trong LH hợp lý

3.90

Hài lòng

Giá cả DVV vui chơi giải trí trong LH hợp lý

3.92

Hài lòng

Giá cả bến bãi giữ xe trong LH hợp lý

3.84

Hài lòng

Nguồn: Kết quả khảo sát, 2019

4. Kết luận

Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, việc khai thác lễ hội Ok Om Bok trong phát triển du lịch hiện nay còn theo kiểu “lối mòn” quảng bá văn hóa, đi đến lễ hội vì đông vui. Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Trà Vinh chưa thu hút được nhiều du khách vì họ chưa nhận thức được những giá trị văn hóa thực sự mà lễ hội muốn truyền tải. Nguyên nhân do cả từ người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ cũng chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa lễ hội của cộng đồng mình.

Theo quan điểm của chúng tôi, khi khai thác và phát triển du lịch cho lễ hội Ok Om Bok, cần chú ý khai thác ý nghĩa các yếu tố “thiêng” trong lễ hội. Yếu tố thiêng như “nước”, “mặt trăng” trong lễ hội Ok Om Bok cần có sự đầu tư và kết hợp chặt chẽ với nhiều sự kiện diễn ra trong lễ hội; Phải nâng cao được giá trị bảo vệ môi trường từ tín ngưỡng thờ thần “mặt trăng”, “mẹ nước” qua những nghi lễ cúng và những sinh hoạt đời thường của cộng đồng Khmer Nam bộ.

Kế đến cần chú ý khai thác yếu tố truyền thống trong lễ hội Ok Om Bok, làm tôn lên giá trị thiêng của lễ hội. Cụ thể là những chiếc đèn hoa đăng nên thực hiện bằng chất liệu truyền thống (gáo dừa, bè chuối, hoa sen…) bảo vệ được môi trường nước thay vì những chất liệu hiện nay. Điều này sẽ tạo nên thương hiệu du lịch xanh cho lễ hội Ok Om Bok, đồng thời cũng góp phần tuyên truyền cho du khách và cộng đồng địa phương về ý nghĩa môi trường sinh thái nhân văn mà lễ hội muốn truyền tải. Bên cạnh đó, nhạc ngũ âm, trang phục và ẩm thực truyền thống, không gian văn hóa truyền thống của lễ hội (các ngôi chùa, điểm sinh hoạt cộng đồng…) cũng cần được đầu tư và chú ý lưu giữ những nghi lễ truyền thống.

Có như vậy, lễ hội mới thật sự bảo tồn được không gian văn hóa và những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cần khai thác đúng hướng, thế mạnh riêng và nhấn mạnh tính dân tộc trong lễ hội. Thế mạnh của phát triển du lịch lễ hội của người Khmer Nam bộ chính là văn hóa Phật giáo Nam tông. Triết lý Phật giáo kết hợp với việc thiêng hóa tạo điều kiện làm hấp dẫn các chương trình du lịch lễ hội Khmer và dễ dàng thuyết phục du khách cùng tham gia vào những giá trị nhân văn mà lễ hội hướng đến.

Trà Vinh đã thu hút khách du lịch với nhiều những nghi thức lễ truyền thống ở Ao Bà Om và những ngôi chùa cổ rợp bóng cây cổ thụ. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng lễ hội Ok Om Bok của người Khmer tỉnh Trà Vinh có thể khai thác thành trung tâm di sản văn hóa với mô hình làng văn hóa Khmer, chủ đạo là cuộc thi thả hoa đăng và đèn gió bên Ao Bà Om linh thiêng huyền thoại. Đây cũng là nơi thực hiện nghi thức kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động bảo vệ nguồn nước, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Tài liệu trích dẫn:

1Dẫn theo website Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, http://travinh.gov.vn/wps/portal/tuyengiao/

2https://phantichspss.com/y-nghia-gia-tri-trung-binh-trong-thang-do-khoang.html (30/7/2015)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thùy Anh, Giáo trình Du lịch văn hóa những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, Giáo dục Việt Nam, 2011.
  2. Sơn Phước Hoan, Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, NXB. Giáo dục, 1998.
  3. http://travinh.gov.vn/wps/portal/tuyengiao/
  4. https://phantichspss.com/y-nghia-gia-tri-trung-binh-trong-thang-do-khoang.html

 OK OM BOK FESTIVAL OF KHMER PEOPLE (TRA VINH PROVINCE) IN DEVELOPING TOURISM

MA. TRUONG THI KIM THUY

School of Social Sciences and Humanities, Can Tho University

ABSTRACT:

Ok Om Bok Festival of Khmer people in Tra Vinh province is an opportunity for visitors to receive many cultural and spiritual values from tourism activities. In this article, the author mentions the situation of exploiting Ok Om Bok festival in tourism development in Tra Vinh province; and set out directions for developing festive tourism products.

Keyword: Festival, Ok Om Bok, Khmer, Tra Vinh, tourism.