Kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là ngoại lệ về thu hút vốn FDI trên toàn cầu trong năm nay

Năm 2024 được đánh giá là năm có nhiều biến động địa chính trị phức tạp và điều này sẽ tác động lớn đến triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên quy mô toàn cầu.
Thu hút vốn FDI
Việt Nam được xem là một ngoại lệ về thu hút vốn FDI trên toàn cầu trong năm 2023.

Dữ liệu mới được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2023 tăng 3% so với năm 2022, đạt 1.365 tỷ USD, chủ yếu do vốn FDI tăng mạnh ở một số quốc gia trung lập ở khu vực châu Âu.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển vốn là động lực cho dòng vốn đầu tư FDI những năm trước đây lại ghi nhận sự sụt giảm lên tới 9%. Khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI lên tới 12%. Trong đó, FDI vào Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16% so với năm 2022.

Trong khu vực ASEAN-6, chỉ có ba quốc gia ghi nhận tăng trưởng trong thu hút vốn đầu tư FDI trong năm 2023 là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia với mức tăng trưởng lần lượt là 42%, 32,1% và 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, quy mô thu hút vốn FDI của Việt Nam là lớn nhất trong ba nước.

Như vậy, có thể thấy Việt Nam là một ngoại lệ về thu hút vốn FDI trong bức tranh toàn cầu và khu vực trong năm 2023.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới và vốn góp, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt đạt 20,2 tỷ USD và 8,5 tỷ USD, tăng lần lượt 62,2% và 65,7% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn đăng ký tăng thêm chỉ đạt 7,9 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ.

Xét về số dự án, số lượt dự án đăng ký mới cũng rất khả quan, năm 2023, Việt Nam thu hút 3.188 dự án FDI mới, tăng 56,6% so với cùng kỳ, đồng thời, số lượt dự án đăng ký tăng vốn cũng tăng trưởng 14,0% so với cùng kỳ. Quy mô vốn đăng ký mới bình quân mỗi dự án tăng nhẹ 3,6% so với năm 2022.

Ở góc độ toàn cầu, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường fDI Markets, 03 ngành nghề thu hút vốn FDI mạnh nhất trong năm 2023 là năng lượng tái tạo (khoảng 339,5 tỷ USD); thiết bị điện tử (khoảng 113,8 tỷ USD); và dầu khí và than đá (khoảng 94,3 tỷ USD). Ngành vật liệu bán dẫn dù ở trong top 10 nhưng chỉ đứng thứ 9 về quy mô thu hút vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 50,8 tỷ USD).

Tại Việt Nam, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 64% tổng vốn FDI đăng ký, đạt 23,5 tỷ USD và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Xu hướng đầu tư vào Việt Nam cũng khá tương đồng với dòng chảy vốn FDI toàn cầu với ba dự án lớn nhất là dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình (Nhật Bản) với quy mô 1,99 tỷ USD; dự án sản xuất tế bào quang điện của Tập đoàn Jinko Solar (Trung Quốc) với quy mô 1,5 tỷ USD; và LG Innotek (Hàn Quốc) góp vốn thêm 1,05 tỷ USD để mở rộng sản xuất linh kiện điện tử.

Bước sang năm 2024, UNCTAD nhận định, dòng vốn FDI toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng so với năm 2023 nhờ kỳ vọng lạm phát và chi phí đi vay tại các nước phát triển ổn định. Nhưng mức tăng trưởng sẽ “khiêm tốn” do các rủi ro diễn biến theo chiều hướng tiêu cực vẫn đang bao phủ liên quan đến rủi ro địa chính trị, mức nợ cao ở các quốc gia và nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Đặc biệt, năm 2024 được xem là “năm bầu cử lớn nhất lịch sử” của thế giới, với hàng loạt quốc gia đóng vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nghị viện châu Âu và có thể bao gồm cả Anh và Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử. Các nền kinh tế này chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

Xem thêm: "Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định về vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 7/2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 có thể mang tính quyết định đối với đường lối chính sách kinh tế của các nước khác, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị phân mảnh thành các khối dựa trên các mối quan hệ thân thiện.

Những biến động chính trị có thể khiến các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng trở nên do dự hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư, chi tiêu… qua đó làm suy giảm hoặc mất đi triển vọng thu hút vốn đầu tư trên quy mô toàn cầu.

Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, hoạt động đầu tư trên toàn cầu vẫn đang thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đều ngại mở rộng sản xuất - kinh doanh và không muốn dấn thân vào rủi ro khi môi trường còn nhiều yếu tố bất định.

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ 03 yếu tố cốt lõi, gồm: vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến phục hồi tích cực hơn trong năm nay; và nền tảng chính trị xã hội ổn định. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định.

Cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/02/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vẫn tăng mạnh. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 
Duy Quang