Kỷ nguyên hàng hóa rẻ và dồi dào trên toàn cầu có thể đang dần kết thúc

Giới phân tích cho biết thời kỳ hàng hoá dồi dào và có giá rẻ dường như đang dần đi đến hồi kết khi các chuỗi cung ứng hàng hoá trên toàn cầu đứt gãy kéo dài và các quan hệ thương mại thay đổi dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Toàn cầu hoá bị đảo ngược hay chỉ đang chậm lại?

tàu container
 Việc sử dụng container và các tàu chở hàng kích thước khổng lồ đã cho phép các chuỗi cung ứng luân chuyển hàng hoá qua nhiều quốc gia với chi phí thấp, góp phần hạ giá các loại hàng hoá (Ảnh: Fox Business)

Trong 30 năm qua, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu được hưởng lợi nhờ quá trình toàn cầu hoá. Các quan hệ thương mại xuyên biên giới được mở rộng giúp nguồn cung nhiều loại hàng hoá từ hàng điện tử đến sản phẩm thời trang luôn ổn định, dồi dào và có giá rẻ.

Các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất nhờ chuyển nhà máy đến các quốc gia có chi phí sản xuất cạnh tranh, đặc biệt là có mức lương của người lao động thấp. Các tiến bộ trong công nghệ cũng giúp việc sản xuất hàng hoá diễn ra với tốc độ nhanh, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng container và các tàu chở hàng cỡ lớn đã cho phép việc vận chuyển hàng hoá trên quãng đường dài với mức chi phí thấp.

Dữ liệu cho thấy kể từ năm 1995, giá nhiều loại hàng hoá lâu bền như ô tô và thiết bị máy móc đã xác lập xu hướng giảm giá; những mặt hàng tiêu dùng nhanh như quần áo và đồ chơi chỉ tăng giá chậm.

Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài và các xung đột địa chính trị gần đây đang tác động tiêu cực đến quá trình toàn cầu hoá. Hoạt động sản xuất toàn cầu đang được định hình lại khi nhiều doanh nghiệp đa quốc gia phải tính toán lại địa điểm gia công các sản phẩm của họ cho dù điều này khiến chi phí sản xuất cao hơn. Giá cả nhiều loại hàng hoá cũng bắt đầu tăng lên kể từ cuối năm 2020 do các đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung hàng hoá khan hiếm.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng hiện vẫn chưa rõ quá trình toàn cầu hoá có bị đảo ngược hay chỉ diễn ra chậm lại. Nhưng nếu xu hướng này kéo dài thì sự chuyển hướng khỏi toàn cầu hoá sẽ gây ra những hệ luỵ đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh lạm phát ở mức cao. Đà giảm giá của các loại hàng hoá vốn kéo dài hàng thập niên qua có thể kết thúc hoặc thậm chí tăng lên, khiến lạm phát trở nên trầm trọng hơn.

Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị gần đây có dẫn đến sự đảo ngược hoặc định hình lại hoạt động sản xuất toàn cầu hay không.

“Đó chắc chắn sẽ là một thế giới khác. Đó có thể là một thế giới lạm phát cao hơn, năng suất thấp hơn, nhưng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, mạnh mẽ hơn”, Jerome  Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), cho biết tại một sự kiện vào tháng trước khi được hỏi về việc liệu có phải đang có một xu thế thoát khoải toàn cầu hoá hay không. Ông Jerome Powell cũng cho biết không thấy rõ sự đảo ngược của toàn cầu hóa nhưng rõ ràng toàn cầu hóa đang chậm lại.

Chuỗi cung ứng đang chuyển dịch

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bộc lộ những điểm yếu chí tử mặc dù đã được hoàn thiện trong hàng chục năm qua. Việc đóng cửa nhà máy và tắc nghẽn trong vận chuyển đã gây ra tình trạng đình trệ sản xuất dây chuyền kéo dài qua nhiều quốc gia trong chuỗi cung ứng. Cước phí vận tải biển đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng hai năm, thổi bay toàn bộ chi phí tiết kiệm được của các doanh nghiệp khi sản xuất hàng hoá tại nước ngoài. Bên cạnh đó, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khiến giá năng lượng và nhiều loại nguyên liệu sản xuất thô khác tăng vọt cũng góp phần đẩy giá thành sản xuất các loại hàng hoá.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng giá đối với hàng hóa lâu bền sẽ hạ nhiệt đáng kể trong những tháng tới, giúp làm dịu mức lạm phát tổng thể. Động thái tăng lãi suất của FED có thể giúp kiềm chế nhu cầu vì chi phí vay để mua ô tô, máy móc hoặc đồ nội thất mới sẽ trở nên đắt đỏ hơn tại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn khác cũng đang có động thái tương tự.

lắp ráp Samsung Việt Nam
 Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã di chuyển toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đến các quốc gia khác

Hãng tư vấn quản lý Kearney (Hoa Kỳ) cho biết trong hai năm qua, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến các quốc gia khác và các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang phản ứng tích cực hơn với các kế hoạch di chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về lại Hoa Kỳ hoặc sang các nước lân cận vốn có ít rủi ro xung đột chính trị với Hoa Kỳ hơn.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết hầu hết các doanh nghiệp đang tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách tăng cường quy mô lượng hàng tồn kho và tìm các nhà cung cấp mới ở các quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, quá trình này có thể giúp nhiều nước nghèo tại châu Phi và những nơi khác trên thế giới hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong tháng 4/2022, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã thúc giục các doanh nghiệp Hoa Kỳ định hướng lại các mối quan hệ thương mại để hướng tới một nhóm các đối tác tin cậy. Bà Janet Yellen cho rằng cách tiếp cận này có thể khiến một số loại chi phí sản xuất tăng cao hơn nhưng sẽ giúp tăng sự linh hoạt cho chuỗi cung ứng và một nhóm đối tác đủ lớn sẽ cho phép các nước như Hoa Kỳ duy trì tính hiệu quả trong sự phân công lao động toàn cầu.

Ngày 23/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF). Hoa Kỳ cho biết các thành viên ban đầu của IPEF bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc..., chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu.

Một trong 4 trọng tâm của IPEF là “khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng” với việc giúp các chuỗi cung ứng trong khối trở nên minh bạch hơn, việc liên lạc và chia sẻ dữ liệu diễn ra nhiều hơn, từ đó thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm để dự đoán hiệu quả hơn và ngăn chăn sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Hàng hoá có thể đắt hơn vì chi phí nhân công

Bên cạnh việc giải quyết các rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn phải đối mặt với áp lực chi phí phát thải khí carbon từ các khâu vận chuyển. Ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Sản xuất Hoa Kỳ (AAM), cho biết rủi ro kinh tế và chính trị cùng với áp lực chi phí carbon đang khuyến khích các doanh nghiệp chuyển dần hoạt động sản xuất của họ đến các nước gần Hoa Kỳ.

Những thay đổi về cấu trúc dân số trong dài hạn cũng có thể khiến quá trình toàn cầu hoá bị chậm lại hoặc thoái trào trong những thập niên tới. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, vào năm 2050, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm tỷ lệ 1/6 tổng dân số toàn cầu, tăng mạnh so với tỷ lệ 1/11 vào năm 2019.

Sự già hóa của dân số đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt lao động. Điều này sẽ đẩy chi phí lương tăng lên và các doanh nghiệp có thể chuyển một phần gánh nặng chi phí này sang phía khách hàng bằng việc tăng giá hàng hoá. Ông Charles Goodhart, giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế London (Anh), cho rằng sự thay đổi nhân khẩu học và sự đảo ngược của toàn cầu hóa có thể khiến vấn đề thiếu lao động và giá cả hàng hoá tăng tồn tại dai dẳng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không đồng ý với nhận định này. Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Hoa Kỳ), chỉ ra rằng khu vực Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh hiện có nguồn nhân lực dồi dào, và ngay tại Nhật Bản, lạm phát đã suy yếu trong nhiều thập kỷ dù dân số nước này ngày càng già hoá. Ông Adam Posen cũng cho rằng sự suy giảm trong quá trình toàn cầu hoá không nhất thiết khiến lạm phát tăng lên trong dài hạn vì khi tăng trưởng chậm lại, nhu cầu về hàng hoá sẽ giảm xuống và giá các mặt hàng sẽ ít tăng giá hơn.

Duy Quang