Kinh tế nền tảng và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Đề tài Kinh tế nền tảng và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam do ThS. NCS. Hồ Diệu Mai (Giảng viên Khoa Quản lý kinh tế - xã hội - Học viện Hành chính quốc gia - Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự hình thành và phát triển kinh tế nền tảng. Đây là hình thức phát triển kinh tế mới, dựa trên 3 trụ cột cơ bản, đó là: công nghệ sinh học, vật lý và công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Quá trình ứng dụng kinh tế nền tảng gắn liền với chiến lược kinh tế số là bước đi tất yếu khách quan của nước ta. Bài viết phân tích khái niệm về kinh tế nền tảng và những đặc điểm của nó, luận bàn một số kết quả và hạn chế ứng dụng kinh tế nền tảng ở Việt Nam; đồng thời gợi ý một số giải pháp để khắc phục, tạo đà tiếp tục phát triển kinh tế nền tảng ở nước ta trong thời gian tới.

Từ khóa: kinh tế nền tảng, công nghiệp mới, phát triển, kinh tế, xã hội.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng 4.0, những yếu tố cấu thành kinh tế nền tảng đã và đang hình thành trên thế giới và ở nước ta. Kinh tế nền tảng hay còn gọi là kinh tế số đã được ứng dụng ở tất cả các lĩnh vực của các ngành kinh tế, từ đó, thuật ngữ kinh tế số trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng khoa học, đặc biệt là các diễn đàn kinh tế và các phương tiện truyền thông khác. Các nhà khoa học trên thế giới đã dự báo, trong tương lai gần, kinh tế nền tảng sẽ bao phủ phần lớn nền kinh tế thế giới. Với sự xuất hiện của phương tiện kỹ thuật số (Internet, điện thoại di động, các phương tiện thu thập, lưu trữ, phân tích và cung cấp thông tin khác), việc sao chép và phân phối dữ liệu kỹ thuật số được diễn ra một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Thuật ngữ kinh tế nền tảng đề cập đến các hoạt động kinh tế, mà yếu tố chính trong quá trình sản xuất là dữ liệu dưới dạng kỹ thuật số. [1]

Kinh tế nền tảng là khái niệm mới, đã và đang phát triển ở trên thế giới. Tại Việt Nam khái niệm này chưa được nghiên cứu làm rõ, là vấn đề còn mới, chính vì vậy cần được các nhà nghiên cứu, quản lý nghiên cứu trao đổi, tiến tới xây dựng khung lý thuyết về kinh tế nền tảng. Kinh tế nền tảng đã, sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Chính phủ nước ta. Sự phát triển và tồn tại của kinh tế nền tảng là một trong những hoạt động tất yếu của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng trong cuộc chạy đua, theo quy luật của cuộc cách mạng 4.0. Chính vì vậy, thay vì đặt vấn đề điều chỉnh hay không điều chỉnh hoạt động kinh tế, Việt Nam nên tìm cách thức điều hành một cách có hiệu quả kinh tế nền tảng hay kinh tế số.

Trong những năm qua, ở Việt Nam đã ứng dụng kinh tế nền tảng, với bước đầu xây dựng hệ sinh thái của mình nhằm tăng tính cạnh tranh về mặt thương hiệu, có thể minh họa đó là, Zalo - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên di động và máy tính xuất hiện từ những năm 2012, nay mở rộng Zalo Pay (thanh toán điện tử), Zalo Bank (kết nối người cho vay và người vay), Zalo Shop (hỗ trợ doanh nghiệp mở và quản lý cửa hàng online). Với sự phát triển của các nền tảng, sẽ là động lực để các doanh nghiệp truyền thống gia tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy nhà hoạch địch chính sách sớm ban hành những hành lang pháp lý thích hợp, cải cách thể chế. Đồng thời, áp dụng những công nghệ mới để tăng tính thuận tiện cho người tiêu dùng, mặt khác thúc đẩy Nhà nước thực hiện mô hình thí điểm và cuối cùng là ra quy định quản lý hành chính đối với loại hình kinh tế nền tảng.

2. Khái niệm và đặc điểm của kinh nền tảng

2.1. Khái niệm về kinh tế nền tảng

Thuật ngữ “kinh tế nền tảng” là một khái niệm xuất hiện trên thế giới vào những năm đầu thế kỷ XXI. Khái niệm này được nhắc đến một cách thường xuyên hơn khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, khái niệm “kinh tế nền tảng” có nhiều cách tiếp cận khác nhau và đến nay chưa có một định nghĩa mang tính chính thống. Có thể khái quát khái niệm “kinh tế nền tảng” của các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, theo một nhà nghiên cứu, kinh tế nền tảng (trong tiếng Anh gọi là Platform Economy) được hiểu là một phần của nền kinh tế, tại đó các hoạt động kinh tế và xã hội được diễn ra trên các nền tảng kỹ thuật số (Digital platform). [1]

Kinh tế nền tảng là xu hướng thương mại ngày càng hướng tới và ưu tiên các mô hình kinh doanh nền tảng kỹ thuật số. Nền tảng là hệ thống máy tính cơ bản có thể lưu trữ các dịch vụ cho phép người tiêu dùng, doanh nghiệp và công chúng kết nối, chia sẻ tài nguyên hoặc bán sản phẩm. Danh từ nền tảng là: bộ phận vững chắc, dựa trên đó các bộ phận khác tồn tại và phát triển. Ví dụ: công nghiệp nặng là nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Thứ hai, theo một cách tiếp cận khác, kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế cơ bản (economic base or basic economic), có thể hiểu như là những hoạt động kinh tế mà sự tăng trưởng và phát triển của chúng được coi là đóng vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế của một thành phố hoặc một vùng. Thực chất, đặc điểm của hoạt động kinh tế cơ bản là hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu ra khỏi “vùng”. Hoạt động của kinh tế cơ bản có vai trò quyết định mức tăng thu nhập và sự tăng trưởng của vùng. [4]

Thứ ba, theo các nhà khoa học công nghệ đưa ra khái niệm: kinh tế nền tảng (trong tiếng Anh gọi là Platform Economy) được hiểu là một phần của nền kinh tế, tại đó các hoạt động kinh tế và xã hội được diễn ra trên các nền tảng kỹ thuật số. Khái niệm này để chỉ bất kỳ loại nền tảng kỹ thuật số nào có sử dụng Internet kết nối các mạng lưới máy tính (Network) phân tán của cá nhân để tạo điều kiện cho những tương tác điện tử (Digital Interaction) giữa con người. [4]

Thứ tư, theo các nhà nghiên cứu công nghệ thông tin ở Việt Nam đưa ra khái niệm: kinh tế nền tảng là một hình thức tổ chức công nghiệp mới và là một định dạng mới, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí dựa trên công nghệ kỹ thuật số, ổ dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, cũng như bằng cách thay đổi quy trình kinh doanh, hợp nhất chuỗi ngành và kết hợp nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt trong môi trường kinh tế mới được đóng góp bởi toàn cầu hóa, tin học hóa và kết nối mạng, nó là cơ sở cho sự phát triển thương mại trực tuyến như nền tảng giao dịch,… và có tác động mạnh mẽ đối với hệ thống tài chính, ngân hàng do khả năng phi vật thể hóa (số hóa) và phi trung gian hóa [3].

Như vậy, còn có nhiều khái niệm về kinh tế nền tảng khác, nhưng kinh tế nền tảng đã dần dần hình thành và ngày càng phát triển, được các nhà khoa học  trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng kinh tế nền tảng đã tạo ra những cơ hội mới, thay thế dần các phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống, hướng đến phương thức hoạt động kinh tế cho các hình thức mới gắn với công nghệ kỹ thuật số, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ kỹ thuật cao, kỹ thuật hiện đại với giá trị, chất lượng và hiệu quả cao, phát triển kinh tế xanh và bền vững.

2.2. Đặc điểm chủ yếu của kinh tế nền tảng

Trên cơ sở của kinh tế nền tảng, sự thay đổi cho con người nhận thức mới về hoạt động kinh tế, hoạt động kinh doanh mới và giá trị hiệu quả mới trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh trên quy mô toàn cầu hiện nay.

Có thể khái quát một số đặc điểm chủ yếu của kinh tế nền tảng như sau:

Thứ nhất, kinh tế nền tảng đã trở thành mô hình kinh tế mới trong những năm gần đây và nó đã thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống. Mô hình này hình thành và hoạt động như một nền tảng tập trung liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng đa dạng, cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

Thứ hai, kinh tế nền tảng là một phương thức hoạt động, tổ chức công nghiệp mới và là một định dạng mới nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí dựa trên công nghệ kỹ thuật số, ổ dữ liệu và hỗ trợ nền tảng cũng như bằng cách thay đổi quy trình kinh doanh, hợp nhất chuỗi ngành và kết hợp nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Thứ ba, kinh tế nền tảng hoạt động trong môi trường kinh tế mới được đóng góp bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu, tin học hóa và kết nối không gian mạng; nó là cơ sở cho sự phát triển kinh tế nói chung và cho sự phát triển thương mại trực tuyến như là nền tảng giao dịch nói riêng.

Thứ tư, kinh tế nền tảng còn có tác động mạnh mẽ đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, do đặc điểm có khả năng phi vật thể hóa (số hóa) và phi trung gian hóa. Đồng thời, kinh tế nền tảng còn có khả năng phát triển tính linh hoạt theo mô-đun và cá nhân hóa.

Thứ năm, kinh tế nền tảng, với phương thức hoạt động kinh tế có thể tối ưu hóa, giải quyết 3 vấn đề chiến lược của sản xuất hàng hóa truyền thống đang phải đối mặt, đó là: (1) Tồn kho cao, chi phí cao và không đủ năng lực đổi mới; (2) Chuyển đổi chế độ quản lý theo định hướng phân cấp trước đây sang chế độ quản lý phẳng được thúc đẩy bởi các đơn hàng được đặt trong kinh tế nền tảng, và (3) Chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp bằng cách sử dụng hệ thống thông tin và phát triển chuỗi cung ứng mở các bên cùng có lợi với các nhà cung cấp để trở thành một nền kinh tế giá trị gia tăng.[3]

Như vậy, do có sự hình thành, phát triển của kinh tế nền tảng đã bao phủ mô hình kinh tế mới và làm mờ ranh giới sản xuất truyền thống, bởi vì các doanh nghiệp trong kinh tế nền tảng đã và sẽ dần chuyển đổi từ quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình liên kết các khâu sản xuất, thương mại và sử dụng. Điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động; đồng thời tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế.

3. Một số kết quả, hạn chế về kinh tế nền tảng ở Việt Nam

3.1. Về kết quả phát triển kinh tế nền tảng

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách thể hiện mục tiêu kinh tế số ở Việt Nam đến năm 2025 đạt 20% GDP, năm 2030 chiếm trên 30% GDP (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị). Triển khai thực hiện mục tiêu nêu trên, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình/chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, tính đến tháng 6/2023, đã có 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022. Theo thống kê của báo Wall Street Journal (Mỹ), chỉ tính trong tháng 5/2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỉ USD. [4]

Thứ ba, kinh tế nền tảng đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam, qua các nền tảng xuyên biên giới như Goolge, Facebook, cùng với đó là các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Go-Viet,… làm thay đổi hoàn toàn thị trường trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có một số các điểm sáng như Zalo, MoMo, Be,… góp phần phát triển kinh tế nền tảng. [5]

Thứ tư, trong xu hướng phát triển, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số ở nước ta, kinh tế nền tảng đang và sẽ phát triển nhanh, rộng trên nhiều lĩnh vực, như: thương mại, giao thông, ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch và các dịch vụ giải trí. Những lĩnh vực này đã đóng góp quan trọng thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế đất nước trong những năm gần đây. Đã có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) với tổng doanh thu năm 2010 là: 7,6 tỷ USD, đến năm 2017 đạt 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần so với năm 2010. Công nghiệp phần mềm với khoảng 10 nghìn doanh nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao (15% - 20%/năm), doanh thu năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD. Đến tháng 10/2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 118,8 tỷ USD tăng 1% so với năm 2022. Có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động với 550 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp vận tải cũng ra mắt nhiều ứng dụng để cạnh tranh với Grab, Uber, như: FastGo, Be, VATO. [6]

Như vậy, một số kết quả nêu trên thể hiện vai trò và tác động của kinh tế nền tảng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nhiều lĩnh vực, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tạo ra những kết quả rất khích lệ ở nước ta trong những năm qua.

3.2. Một số hạn chế của kinh tế mền tảng

Mặc dù có những kết quả rất khả quan, nhưng kinh tế nền tảng cũng thể hiện một số hạn chế, cần làm rõ và sớm được khắc phục để giảm thiểu thiệt hại. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, kinh tế nền tảng là vấn đề còn mới được ứng dụng vào kinh tế ở Việt Nam, nên hệ thống thể chế và pháp lý về phát triển kinh tế nền tảng còn ít, chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ, minh bạch và chưa mang tính kiến tạo. Sự phát triển nhanh của mô hình kinh tế nền tảng, kinh tế số kéo theo hệ lụy các quy định pháp lý chưa theo kịp, một số cơ quan chức năng của Nhà nước còn lúng túng trong ứng phó với tốc độ chuyển đổi nhanh của công nghệ, mô hình kinh doanh.

Ví dụ: vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, nhất là kinh doanh qua các mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động và người tiêu dùng qua thế giới mạng; việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động cũng như lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường kỹ thuật số.

Thứ hai, nguồn nhân lực trong kinh tế nền tảng, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin - lĩnh vực quan trọng nhất, vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới được ứng dụng trong giai đoạn hiện nay đó là trí tuệ nhân tạo (AI). Theo dự báo trong khoảng 15 đến 20 năm tới, sẽ có khoảng 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa; tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động thấp so với mức trung bình thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế nền tảng trở nên cấp bách.[2]

Thứ ba, trong kinh tế nền tảng, hạ tầng viễn thông rất quan trọng, nhưng Việt Nam còn hạn chế loại hình hạ tầng này. Tài nguyên quan trọng của hạ tầng là dữ liệu, nên dữ liệu là tài nguyên của kinh tế nền tảng và kinh tế số. Từ dữ liệu, hình thành các mô hình hóa, tạo ra những dịch vụ cá nhân hóa tối ưu và tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội.           

Song, hiện nay, nước ta chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho doanh nghiệp, còn ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Singapore, Indonesia,... Đây là hạn chế cần được tháo gỡ, đảm bảo cho doanh nghiệp có được nguồn dữ liệu đầu vào tốt là nền tảng căn bản để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, giúp cho doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ công nghệ xuyên biên giới trên thế giới.

Thứ tư, sự phát triển của kinh tế nền tảng đã bộc lộ những sơ hở và nguy cơ trong bảo mật, an toàn an ninh thông tin hiện nay ở nước ta. Những sự kiện bị tấn công mạng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Theo thống kê của Hãng Bảo mật Kaspersky, trong giai đoạn 2019-2022, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới. Chính vì vậy, vấn đề an ninh, an toàn kinh tế, bảo mật thông tin của cá nhân, doanh nghiệp rất quan trọng, vì đây còn là vấn đề an ninh, lợi ích của quốc gia.

4. Một số giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế nền tảng ở nước ta trong thời gian tới

Để tiếp tục khai thác và ứng dụng có hiệu quả kinh tế nền tảng ở Việt Nam, khai thác lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực, tài nguyên dữ liệu số, tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, xây dựng và hình thành khung pháp lý cho hoạt động của kinh tế nền tảng, xây dựng các chỉ số đo lường mức độ đóng góp của kinh tế nền tảng vào các chỉ số kinh tế vĩ mô, để ghi nhận sự vận động và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng tại thị trường nội địa, tạo nên động lực cạnh tranh cùng hợp tác, cùng phát triển các vùng trong nền kinh tế. Theo đó, xác định và công nhận các sản phẩm, tài sản, tài nguyên phi vật thể là những nguồn lực kinh tế, xã hội mới của thời đại cách mạng 4.0. Từ đó, xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước hiệu quả và toàn diện trong quy luật kỷ nguyên kinh tế nền tảng, từng bước xây dựng chính sách thuế phù hợp, tạo động lực và sức cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta phát triển.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ hội và điều kiện cho các chủ thể đăng ký và sử dụng nhãn hiệu thương mại, giấy phép, bằng phát minh sáng chế, bản quyền sở hữu công nghiệp, cũng như các quy định, xác định, cân nhắc thích hợp về việc không tiết lộ và không gian lận trong thương mại và sản xuất công nghiệp. Hình thành quyền riêng tư và thương mại hóa dữ liệu: dữ liệu của khách hàng thúc đẩy kinh tế nền tảng. Do đó, tác động của luật về quyền riêng tư là không thể tránh khỏi, để đảm bảo hoạt động của hệ sinh thái kinh tế nền tảng.

Thứ ba, Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan nhà nước chức năng, cùng chính quyền địa phương cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, cũng như có các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt phòng, chống mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh và chống độc quyền: đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa hai chủ thể: doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp phát triển nền tảng, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ tư, đổi mới tư duy của các chủ thể lãnh đạo, quản lý các cơ quan chức năng nhà nước, doanh nghiệp cung ứng và người tiêu dùng về kinh tế nền tảng, chuyển đổi số và kinh tế số, tạo cơ hội cho các chủ thể và khả năng tiếp cận của người tiêu dùng ngày càng nhiều, khả thi và từng bước khép kín các lỗ hổng của sự bất bình đẳng đang bị thách thức ở cấp độ toàn cầu. Tư duy này cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với mô hình kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, cần hạ thấp rào cản và sự kiểm soát trong việc tham gia và thông qua việc chia sẻ dữ liệu có kiểm soát trong nền kinh tế.

5. Kết luận

Nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển kinh tế nền tảng cho thấy, kinh tế nền tảng, hay kinh tế số còn đang ở giai đoạn sơ khai, như một hiện tượng tương đối mới. Kinh tế nền tảng vừa là động lực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, vừa không bền vững. Vì hiện nay, các nền tảng có quy mô và động lực khác nhau. Do đó, Nhà nước cần phải xây dựng thể chế, cấu trúc nền kinh tế, điều chỉnh và vận hành có sự kiểm soát của Nhà nước, tạo điều kiện cho kinh tế nền tảng phát triển, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong môi trường cạnh trạnh lành mạnh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đoàn Duy Khương (2023). Nguồn lực mới trong kỷ nguyên kinh tế nền tảng. Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn online. Truy cập tại https://doanhnhansaigon.vn/nguon-luc-moi-trong-ky-nguyen-kinh-te-nen-tang-306062.html
  2. Hoàng Hà (2023). Nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam chỉ chiếm 1,1% tổng số lao động, doanh nghiệp phải “xoay xở” như thế nào? Tạp chí ĐT VnEconomy. Truy cập tại https://vneconomy.vn/techconnect/nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-viet-nam-chi-chiem-1-1-tong-so-lao-dong-doanh-nghiep-phai-xoay-xo-nhu-the-nao.htm
  3. Hà Linh (2022). Kinh tế nền tảng - hoạt động tất yếu trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Báo Thế giới và Việt Nam. Truy cập tại https://baoquocte.vn/kinh-te-nen-tang-hoat-dong-tat-yeu-trong-thoi-dai-cong-nghe-phat-trien-nhu-vu-bao-190717.html
  4. Quỳnh Nga (2023). Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 10 tháng năm 2023 đạt 113,8 tỷ USD. Báo Công Thương. Truy cập tại https://congthuong.vn/doanh-thu-cong-nghiep-cong-nghe-thong-tin-10-thang-dat-1138-ty-usd-282113.html
  5. Tuấn Trần (2021). Kinh tế nền tảng đóng góp như thế nào cho sự phát triển bền vững?. Tạp chí Thông tin và Truyền thông. Truy cập tại https://ictvietnam.vn/kinh-te-nen-tang-dong-gop-nhu-the-nao-cho-su-phat-trien-ben-vung-26187.html
  6. Think Tank Vinasa (2022). Việt Nam thời kỳ chuyển đổi số. NXB Thế giới.

The fundamental economy and socio-economic development opportunities for Vietnam

Ph.D student, Master. Ho Dieu Mai

Faculty of Socio-Economic Management

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

In the current international economic integration, the Fourth Industrial Revolution has led to the development of fundamental economy. This is a new form of economic development, and it is based on three basic pillars, including biotechnology, physics and information technology, digital technology. The process of applying the platform economy associated with the digital economic strategy is an inevitable and objective development step for Vietnam. This paper analyzed the concept of platform economy and its characteristics. The paper also discussed some results and limits of the platform economy in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to overcome and create momentum for the development of the platform economy in Vietnam in the coming time.

Keywords: platform economy, new industry, development, economy, society.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2024]

Tạp chí Công Thương