Không để giấy chứng nhận xuất xứ điện tử ảnh hưởng tới thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Hiện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ thông qua nền tảng điện tử (E-C/O) của Ấn Độ, nhằm khơi thông dòng chảy thương mại giữa hai nước.

Tiếp nối thành công của các hoạt động giao thương trực tuyến với thị trường Ấn Độ trong thời gian gần đây, vừa qua, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp cùng Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Hội thảo kết nối doanh nghiêp trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ “India - Vietnam Virtual Business Meet 2020”.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn giao thương toàn cầu, giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (E-CO) sẽ là động lực để Việt Nam và Ấn Độ hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đặt ra.

thương mại việt nam - ấn độ
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đang tích cực làm việc với Bộ Công Thương Ấn Độ để tìm ra giải pháp phù hợp và nhanh nhất nhằm hạn chế gây thiệt hại cho doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại song phương

Trước đó, ngày 7/4/2020, Tổng cục Ngoại thương tiếp tục ra thông báo Thương mại số 01/2020-2021 gửi các đơn vị xuất khẩu; các cơ quan hữu quan theo các Hiệp định thương mại tự do; các Đại sứ quán các nước đối tác của các hiệp định thương mại tự do, về việc “Khai và cấp điện tử chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với các lô hàng xuất khẩu của Ấn Độ theo các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ 7/4/2020”.

Theo đó, thông báo “Nền tảng trực tuyến để cấp giấy chứng xuất xứ ưu đãi đang được mở rộng thêm cho các FTA/PTA”. Nền tảng được thiết kế như là một điểm truy cập cho tất cả các FTA/PTA đối với các giấy chứng nhận xuất xứ sử dụng các cho tất cả các hàng hóa xuất khẩu, và có thể truy cập tại https://coo.dgft.gov.in/

Ngày 16/4/2020, Bộ Công Thương Ấn Độ đã có thư gửi ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký - Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia, trong đó đề nghị Ban Thư ký và các nước Asean chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ được cấp thông qua nền tảng điện tử (E-C/O) của Ấn Độ, vì lợi ích của các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho biết, ông đã trực tiếp làm việc với Bộ Tài chính, đồng thời chỉ đạo bộ phận Thương vụ tích cực làm việc với cơ quan trong nước, hy vọng sẽ có kết quả tích cực sớm.

Hiện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đang tích cực làm việc với Bộ Công Thương Ấn Độ để tìm ra giải pháp phù hợp và nhanh nhất nhằm hạn chế gây thiệt hại cho doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại song phương.

Đề nghị xem xét chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ được cấp thông qua cổng thông tin điện tử của Ấn Độ (E-CO) được chính phủ Ấn Độ gửi tới các nước ASEAN. Ngay sau đó, Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đã tích cực trao đổi với các nước ASEAN về đề xuất sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Ấn Độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các nước đang phong tỏa, hạn chế đi lại.

Đề xuất của Ấn Độ cũng phù hợp với lợi ích của các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định AIFTA. Sau 1 tháng triển khai, các nước như Campuchia, Singapore, Malaysia, Philippines và Myanmar... đã đồng ý hoặc đang sửa đổi quy định để chấp nhận E-CO của phía Ấn Độ.

 

Thu Thủy