Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia

Bộ Công Thương được giao chủ trì tổ chức thực hiện 7 Điều của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, bao gồm: Thúc đẩy phát triển chợ biên giới; Hàng hóa trong thương mại biên giới; Xúc tiến thương mại; Trao đổi thông tin; Giải quyết tranh chấp...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 294/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.

thương mại
Kiểm tra hàng hóa chuẩn bị xuất sang Campuchia tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân công là cơ quan chủ trì chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thực hiện Điều 5, Điều 6, Điều 11, Điều 13, Điều 15, 16, 17; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện Điều 7; UBND các tỉnh biên giới giáp Campuchia chủ trì tổ chức thực hiện Điều 8, Điều 14;...

Các quy định tại Hiệp định này có thể áp dụng trực tiếp, toàn bộ nên không đặt ra vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để thực hiện Hiệp định.

Trên cơ sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch thực hiện này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới giáp Campuchia được phân công là cơ quan chủ trì chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình để kịp thời ban hành vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực.

Ngày 08/11/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký kết Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia.

Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia gồm 18 điều nhằm các mục tiêu: Cải thiện và nâng cao mức sống của cư dân biên giới hai nước; Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện và phát triển bền vững của mỗi Bên; Tạo mối liên kết phát triển lâu dài, ổn định và bền vững cho nhân dân hai nước; Tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân hai nước.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ góp phần thúc đẩy thương mại biên giới giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả hơn nữa cũng như để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thương mại biên giới phù hợp với bối cảnh thực tế; thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước và góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước trên nhiều phương diện.

Việt Hằng