Cần có chính sách tốt hơn cho người lao động

“Thực tiễn đang đòi hỏi các cấp công đoàn (CĐ) hơn lúc nào hết phải tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung phương thức hoạt động CĐ, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ...

Đó là khẳng định của TS Đặng Ngọc Tùng - Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.

Thưa Chủ tịch, kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập CĐVN (28.7.1929-28.7.2011) cũng là thời điểm các cấp CĐ cả nước bước vào thực hiện nửa nhiệm kỳ còn lại theo tinh thần NQ Đại hội X CĐVN. Khó khăn lớn nhất đang đặt ra đối với phong trào CN, CĐ hiện nay là gì? 

- Những tháng đầu năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta còn nhiều khó khăn. Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, các địa phương tập trung nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm là kiềm chế lạm phát, từng bước tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm tăng 5,57%; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Những kết quả trên khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong NQ 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng hướng và phù hợp. Bên cạnh đó, KT-XH nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Giá cả nhiên liệu, lương thực, thực phẩm trên thế giới biến động phức tạp, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế và mục tiêu kiềm chế lạm phát của VN, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp ở khu vực thành thị, KCN-KCX. 

Trước bối cảnh như đã nói trên, thách thức đặt ra đối với phong trào CN, hoạt động CĐ hiện nay và nửa nhiệm kỳ còn lại là rất lớn, nhất là vấn đề LĐ, việc làm, tiền lương và thu nhập cho NLĐ. Tình hình LĐ, việc làm đang có nhiều biến động, nổi bật là tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Nguyên nhân là do chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã tác động đến đời sống của đại bộ phận NLĐ, đặc biệt là đối tượng LĐ phổ thông, dẫn đến tình trạng nhiều DN thiếu LĐ phổ thông, do CNLĐ chuyển đổi chỗ làm để có thu nhập cao hơn, chính sách phúc lợi tốt hơn. 

Bên cạnh đó có nhiều DN do không có khả năng mở rộng sản xuất nên giảm nhu cầu tuyển LĐ phổ thông, chỉ tập trung tuyển những LĐ có trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật cao. Đã có hàng ngàn CNLĐ đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động do điều kiện khó khăn, thu nhập quá thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình, thời gian làm việc căng thẳng. 

Nhiều CNLĐ trong những đơn vị của ngành xây dựng, giao thông không có việc làm do các dự án phải đình hoãn, dãn tiến độ vì giá nguyên vật liệu và lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao. Tình trạng NLĐ không có việc làm dẫn đến thất nghiệp hiện đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Tiền lương, thu nhập của CNVCLĐ được tăng lên theo lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu của Chính phủ, nhưng do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên giá trị tiền lương thực tế giảm, dẫn đến đời sống của NLĐ rất khó khăn, nhất là CNLĐ có thu nhập thấp, đang làm việc ở các KCN-KCX. Mức lương thấp tập trung chủ yếu ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều LĐ như dệt - may, da - giày, chế biến thực phẩm… 

Đến nay đã 3 năm cả nước thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW của BCH T.Ư Đảng (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng GCCN VN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Xin Chủ tịch cho biết việc triển khai thực hiện của tổ chức CĐ về nội dung quan trọng này ? 

- Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, nhiều CĐ ngành, LĐLĐ địa phương đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện NQ 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng GCCN VN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Trong 3 năm qua, công tác triển khai thực hiện NQ 20 đã được các cấp CĐ triển khai nghiêm túc theo đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Việc tổ chức cho CNVCLĐ học tập, quán triệt NQ đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, bước đầu làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ, các cấp uỷ Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò to lớn của GCCN trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. 

Thực hiện NQ, Tổng LĐLĐVN đã tham gia với Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan với các chương trình, đề án: Cái cách chính sách tiền lương; chính sách nhà ở cho CNLĐ KCN, nhà ở cho CBCC; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chương trình quốc gia về BHLĐ giai đoạn 2011-2015; xây dựng quy chế dân chủ cơ sở trong các DN... Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong CNVCLĐ tiếp tục thu được nhiều kết quả. 

Hoạt động của các CVH, nhà văn hoá LĐ thời gian qua ở một số ngành, địa phương, cơ sở đã có nhiều chuyển biến, mức hưởng thụ văn hoá của CNLĐ đã được cải thiện, tạo môi trường lành mạnh, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống văn hoá trong công nhân. Đặc biệt, các hoạt động trong “Tháng công nhân” năm 2011 lần đầu tiên do CĐ tổ chức trực tiếp tại cơ sở, những nơi có đông CNLĐ như các KCN-KCX đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia và mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực. Tổng LĐLĐVN đã phối hợp với LĐLĐ TP.Hà Nội tổ chức thành công lễ phát động “Tháng công nhân năm 2011” tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban ngành, đoàn thể T.Ư và gần 2.000 CN đang làm việc tại KCN. 

Qua đó, đã góp phần động viên, khuyến khích CNLĐ tập trung LĐSX, đảm bảo chăm lo đời sống thể chất, tinh thần và trí tuệ cho NLĐ. CNLĐ có nhiều cơ hội để bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của mình đối với CĐ, chủ DN, các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Nhiều ngành, địa phương đã tổ chức những hoạt động nổi bật nhằm tạo điểm nhấn và dấu ấn trong hoạt động như chương trình “Cùng CN vượt khó”, “Chăm lo đời sống CN” nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nặng hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… 

Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động sáng tạo trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ, thực sự tạo thành một cao trào mới trong phong trào CN và hoạt động CĐ. Tháng công nhân đã góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa DN, CĐ và NLĐ, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức CĐ trong việc tập hợp, vận động, giáo dục CNVCLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong DN. 

Đặc biệt, ngày 17.6.2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Tổng LĐLĐVN. Tại buổi làm việc, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã báo cáo với Tổng Bí thư một số nội dung quan trọng về tình hình CNVCLĐ; kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20/NQ- TW về “Tiếp tục xây dựng GCCN VN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” và một số kiến nghị của CNVCLĐ, tổ chức CĐ đối với Đảng, Nhà nước. Tổng Bí thư đánh giá cao phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ trong thời gian qua, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Những kiến nghị của tổ chức CĐ được Tổng Bí thư ghi nhận và chỉ đạo các cơ quan T.Ư nghiên cứu, xem xét giải quyết. 

Để phong trào CN, CĐ vượt qua thách thức trong bối cảnh khó khăn chung của cả đất nước, thực hiện thắng lợi NQ Đại hội X CĐVN trong nửa nhiệm kỳ còn lại, tổ chức CĐ cần tập trung thực hiện những gì, thưa Chủ tịch? 

- Trước hết, cần tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tham gia xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, CNVCLĐ. CĐ cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; chủ động, tích cực tham gia bổ sung, sửa đổi BLLĐ với các nội dung bảo vệ được quyền lợi của CNLĐ; nghiên cứu tham gia hoàn thiện các chính sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo việc làm, nhà ở, cải thiện thu nhập, tiền lương, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. 

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật LĐ, Luật CĐ tại các DN, nhằm phát hiện sớm các vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, kịp thời giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ theo chỉ thị số 22- CT/TW ngày 5.6.2008 của Ban Bí thư T.Ư Đảng; nâng cao chất lượng và số lượng các bản TƯLĐTT trong các DN thuộc các thành phần kinh tế; nâng cao chất lượng TƯLĐTT ngành dệt-may và thí điểm ký TƯLĐTT ngành caosu. CĐ cần tham gia có hiệu quả trong các hoạt động của Uỷ ban quan hệ lao động nhằm thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ đoàn viên, CNVCLĐ. 

Tăng cường việc thông tin, đối thoại, thương lượng tại nơi làm việc giữa NLĐ với CĐ và NSDLĐ, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở. Cần tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, vận động CNVCLĐ đăng ký thực hiện phần việc, công trình; hoàn thành xây dựng hướng dẫn “Giải thưởng 28 tháng 7” của tổ chức CĐ để vinh danh cán bộ CĐ xuất sắc. Tiếp tục thực hiện tốt chỉ tiêu đăng ký về phát triển đoàn viên, thành lập mới CĐCS, đặc biệt chú trọng ở khu vực DN ngoài nhà nước và DN FDI, trước hết là những DN có nhiều LĐ hoạt động trên 6 tháng, quyết tâm đến cuối năm 2011 thành lập CĐCS ở DN có từ 50 LĐ trở lên đạt tỉ lệ 100%. 

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: “Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tôi kêu gọi toàn thể CB, đoàn viên và CNVCLĐ cả nước hãy phát huy truyền thống dũng cảm, kiên cường, cần cù sáng tạo của GCCN, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu KTXH do ĐH XI Đảng CSVN đề ra, lập thành tích cao nhất chào mừng 82 năm Ngày Thành lập CĐVN.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả NQ ĐH X CĐVN, NQ 20/NQ-TW của BCH T.Ư Đảng khóa X. Mỗi CB, đoàn viên CĐ và CNVCLĐ dù làm việc ở đâu, lĩnh vực nào cần nhận thức sâu sắc: Lợi ích của mỗi cá nhân luôn gắn với lợi ích của tập thể, lợi ích của giai cấp, của dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, tích luỹ kiến thức, hiểu biết pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công nghiệp.

Mỗi CB, đoàn viên và CĐ các cấp phải là những chiến sĩ đi đầu trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu; lấy việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ làm trọng tâm nhằm xây dựng quan hệ LĐ hài hoà, ổn định, tiến bộ”.



- Xin cảm ơn Chủ tịch!

  • Tags: