Hà Tĩnh đi đầu trong xây dựng Chương trình OCOP

Chỉ trong hai năm thực hiện Chương trình OCOP, Hà Tĩnh đã hình thành 300 ý tưởng sản phẩm, trong đó có 152 sản phẩm đánh giá phân hạng đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao.

Sáng 23/3/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định tại Hội nghị Tổng Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 202O: Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy 60,7% chủ thể OCOP đạt 3 sao trở kên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Các sản phẩm được Trung ương đánh giá phân hạng cấp quốc gia có tăng trưởng doanh thu đạt 20 - 4O% - Ảnh: Thu Hoài

Theo đó, 7 tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 98 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Hà Tĩnh là một trong các địa phương dẫn đầu thực hiện Chương trình OCOP
- Ảnh:Thu Hoài

Một trong các địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện hiệu quả chương trình này phải kể đến đó là tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ trong 2 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã có 16 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP phong phú của địa phương và được người tiêu dùng bình chọn tin dùng ngày càng nhiều hơn.

Chương trình OCOP được xác định là mục tiêu phát triển kinh tế hàng đầu của Hà Tĩnh

Cũng trong 2 năm thực hiện, tỉnh Hà Tĩnh đã hình thành trên 300 ý tưởng sản phẩm, trong đó có 152 sản phẩm đánh giá phân hạng đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao. Hầu hết các sản phẩm sau phân hạng đều tăng nhanh về doanh số bán hàng. Bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia chương trình, có sản phẩm đã tăng hơn 2 lần, đặc biệt có sản phẩm còn tăng tới 4 - 5 lần và được người tiêu dùng địa phương nói chung và trong cả nước nói riêng ngày càng tin dùng và biết đến ngày càng nhiều hơn.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chia sẻ
bài học kinh nghiệm của địa phương - Ảnh: Thu Hoài

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế trọng điểm của Tỉnh và Chương trình OCOP là một trong  những mục tiêu quan trọng được  Hà Tĩnh ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã triển khai thực hiện bài bản và có định hướng rõ ràng.

Đồng thời coi đây là sinh kế để nông thôn Hà Tĩnh phát triển bền vững, sớm thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, phát triển sản phẩm OCOP thống nhất trong cả nước, phấn đấu đưa OCOP thành thương hiệu “quốc dân” .

Ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư 60 tỷ đồng

Trong 2 năm thực hiện từ 2019 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn ngân sách khoảng 60 tỷ đồng để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Đặc biệt trong 2020, cũng theo ông Sơn, nguồn ngân sách Tỉnh dành cho chương trình này là 40 tỷ đồng, yêu cầu các địa phương trong Tỉnh bố trí đất đai cho các cơ sở có sản phẩm tiềm năng, có năng lực muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, để hình thành những cơ sở OCOP khang trang đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất và có thể gắn với điểm tham quan du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá phân hạng sản phẩm một cách chặt chẽ, khách quan, công khai trên mạng xã hội và ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP, yêu cầu các cơ sở phải xây dựng và công bố quy trình sản xuất để người tiêu dùng biết và cùng giám sát.

Để Nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh cũng theo ông Sơn được biết, ngoài việc cử đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh (đơn vị điển hình đi đầu hoạt hoạt động hiệu quả nhất cả nước) thì tỉnh Hà Tĩnh còn cử một số đoàn cán bộ đi nghiên cứu học tập mô hình triển khai tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh được người tiêu dùng bình chọn
và đánh giá cao

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 16 cửa hàng giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP đặc sản của Hà Tĩnh. Để tránh tình trạng làm theo phong trào, sản phẩm kém chất lượng, Hà Tĩnh đã nghiên cứu dựa trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi con người, địa phương và vùng miền khác nhau. Từ đó, ban hành quy chế chặt chẽ để quản lý cửa hàng, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.

Đồng thời Hà Tĩnh còn tổ chức định kỳ kiểm tra các sản phẩm đã được đánh giá phân hạng, lấy mẫu độc lập, xử lý nghiêm các cơ sở không chấp hành các quy định của Chương trình. Thậm chí Tỉnh sẵn sàng thu hồi Công nhận xếp hạng, nếu vi phạm. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường phải được dán tem OCOP do cơ quan quản lý Chương trình OCOP của  Tỉnh cấp và quản lý.

Hướng tới phát triển kinh tế Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này xác định tiếp tục đưa Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn gắn với Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh sẽ bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng hơn nữa cho việc thực hiện hiệu quả chương trình này.

Việc quản lý cấp phép các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cũng được làm chặt chẽ và nghiêm khắc hơn để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tạo cảm hứng cho các sản phẩm  đạt OCOP của Hà Tĩnh được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã nhấn mạnh.

Thu Hoài