Gỡ rào cản logistics, tạo cú hích lớn trong hợp tác thương mại Trung Đông - châu Phi

Để đảm bảo thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi, vai trò của thuận lợi hóa giao thông vận tải, logistics và thanh toán có ý nghĩa rất lớn.

Trung Đông, châu Phi - thị trường mở cho doanh nghiệp Việt

Chiều 9/9/2019, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” do Bộ Ngoại giao tổ chức, Phiên Hợp tác kinh tế với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi” đã diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, một số tổ chức quốc tế cùng 44 đại sứ, đại diện, đại diện các quốc gia Trung Đông-châu Phi.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã đi sâu trao đổi các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, tìm hướng đi mới, thực chất, hiệu quả để doanh nghiệp hai bên xác định được những lĩnh vực nhiều tiềm năng, có tính khả thi cao để thúc đẩy hợp tác.

Khẳng định mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - châu Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Việt Nam hiện là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông - châu Phi, luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với các nước thuộc khu vực.

Gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, là điểm sáng trong quan hệ giữa hai bên trong năm 2018, với tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 20,5 tỷ USD, tăng 10,2%, trong đó Việt Nam xuất khẩu được 11,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD.

xuất khẩu qua trung đông, châu phi
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định, Trung Đông - châu Phi là một thị trường rộng lớn, đây là yếu tố tiềm năng thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng có bước phát triển tích cực, tiêu biểu như Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, ngoài ra đang thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác với các nước Trung Đông – châu Phi như khai khoáng, phân bón. Về đầu tư, tính hết năm 2018, đã có 33 nước, quốc gia và vùng lãnh thổ Trung Đông – châu Phi đầu tư vào Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Trung Đông - châu Phi là một thị trường rộng lớn, đây là yếu tố tiềm năng thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này.

Đặc biệt, kinh tế khu vực này đã có bước phát triển tích cực, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi có tính chất bổ sung cho nhau.

Việt Nam đã xuất khẩu sang khu vực này những mặt hàng như: linh kiện, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nông sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, gạo, tiêu, cà phê, các loại thực phẩm chế biến, thép, gốm sứ, gỗ...

Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu từ Trung Đông - châu Phi các mặt hàng như dầu thô, diezel, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc, nguyên liệu hóa chất, nguyên liệu dệt may, da giày…

xuất khẩu qua trung đông, châu phi
Trong Phiên Hợp tác kinh tế với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi” nhiều đại biểu đã "hiến kế" những chiến lược hợp tác mới để thúc đẩy đầu tư thương mại giữa hai bên

Khẳng định, Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi là đối tác thương mại quan trọng, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hy vọng Hội nghị là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên có thể phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ để cùng tháo gỡ những khó khăn, có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, khai thác tốt những cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Gỡ rào cản logistics, tạo cú hích lớn cho thương mại, đầu tư

Để tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietjet Air Cargo Đỗ Xuân Quang cho rằng, để đảm bảo thương mại giữa hai bên, vai trò của thuận lợi hóa giao thông vận tải, logistics và thanh toán có ý nghĩa rất lớn.

Ông Quang chia sẻ, hiện nay, thời gian bay từ Việt Nam tới Trung Đông - châu Phi là từ 14 - 16 giờ, tương đương với đi Mỹ. Cước phí tàu biển và máy bay đều rất cao, gần gấp 3 lần cước phí vận chuyển đi châu Âu.

Làm thế  nào để phát triển vận chuyển hàng không từ Việt Nam đi Trung Đông - châu Phi, tháo gỡ rào cản về logistics, từ đó giảm giá thành và chi phí, tăng thế mạnh cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Trung Đông - châu Phi là bài toán đặt ra với nhiều doanh nghiệp.

Tập đoàn Hapro
Ông Đỗ Xuân Quang cho rằng, để đảm bảo thương mại giữa hai bên, vai trò của thuận lợi hóa giao thông vận tải, logistics và thanh toán có ý nghĩa rất lớn

Cùng quan điểm trên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội- Công ty Cổ phần (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cũng cho rằng, với kinh nghiệm 15 năm hoạt động, phát triển, với hơn 30 đơn vị thành viên, hơn 4.000 người lao động, Hapro đã, đang có quan hệ hợp tác, xuất nhập khẩu thuận lợi với các nước Trung Đông-châu Phi. Đây là thị trường mới, tiềm năng, có nhu cầu hàng hóa gần với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường này cũng tồn tại một số khó khăn nhất định như: Chính sách thương mại ở khu vực này chưa ổn định, không nhất quán. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là phương thức thanh toán. Do tập quán, điều kiện kinh tế đặc thù nên phương thức thanh toán khu vực này còn chưa ổn định. Nhiều khách hàng châu Phi không muốn sử dụng hình thức thư tín dụng, hình thức thanh toán đảm bảo nhất hiện nay, lại sử dụng hình thức thanh toán chậm hoặc đặt cọc 20-30%, khi nhận hàng mới thanh toán hết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là tại các nước khu vực châu Phi. Vì vậy, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế, dẫn đến giá cả hàng xuất khẩu của Việt Nam bị tăng lên, giảm tính cạnh tranh tại thị trường này.

Để phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khai thác được tốt tiềm năng thị trường các nước Trung Đông – châu Phi, Phó Tổng Giám đốc Hapro bày tỏ, các Đại sứ Việt Nam tại các nước Khu vực Trung Đông - châu Phi, các cơ quan đại diện thương mại tiếp tục hỗ trợ cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình kinh tế, xu hướng, các chính sách phát triển kinh tế, đầu tư của nước sở tại, thông tin thị trường, tập quán kinh doanh, tập quán tiêu dùng…tại các nước trong khu vực...

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu; Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường nước bạn...Phó Tổng Giám đốc Hapro kiến nghị.

 

Hạ Vũ