Giải pháp tìm đầu ra cho mặt hàng hải sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong đó có các hoạt động tiêu thụ sản phẩm hải sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đầu ra thị trường tiêu thụ. Trước thực trạng này, Sở Công Thương Quảng Ninh đã đưa ra những định hướng kịp thời và đúng thời điểm nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất và các doanh nghiệp lĩnh vực hải sản và sản xuất nông nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Quảng Ninh có nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng với các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy hải sản, gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… Cùng với đó, đang dần hoàn thiện hệ thống cơ sở sản xuất, chế biến các loại mặt hàng nông sản, thủy sản theo hướng đầu tư đồng bộ, hiện đại đưa ra thị trường những sản phẩm có uy tín, đảm bảo chất lượng. 

Để tạo thuận lợi cho các sản phẩm hải sản, nông sản tỉnh Quảng Ninh được kết nối và phân phối rộng rãi trên hệ thống phân phối truyền thống và hiện tại trên các thị trường trong đó có một số thị trường mục tiêu, Sở Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, luôn chú trọng công tác Xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ.

Thông qua hoạt động các Hội chợ trong và ngoài tỉnh, các Hội nghị kết nối cung cầu; diễn đàn doanh nghiệp, Tuần giới thiệu sản phẩm, các buổi làm việc trực tiếp với các nhà phân phối, chuỗi bán lẻ... để đưa các sản phẩm hải sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh vào chuỗi siêu thị bán lẻ… là các hoạt động thiết thực và hiệu quả góp phần rất lớn trong việc kết nối giữa sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Ninh đến người tiêu dùng các thị trường trọng điểm và mục tiêu.

Sở Công Thương Quảng Ninh

Ông Lê Hồng Giang - Phó giám đốc Sở Công Thương (đứng giữa) cùng Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc điều hành BigC khu vực miền Bắc khảo sát hàng hóa tại Big C Thăng Long

Tháng 9 năm 2020 vừa qua, trong chương trình "Tuần giới thiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh" tại Big C Hạ Long, Sở Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên kết nối vào hệ thống Big C; Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Tập đoàn lựa chọn ký kết làm đối tác chiến lược, ký cam kết chất lượng sản phẩm đưa vào chuỗi các siêu thị bán lẻ.

Từ thành công của "Tuần giới thiệu tiêu thụ sản phẩm Quảng Ninh" tại Hạ Long, đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh dễ dàng tiếp cận với chuỗi siêu thị bán lẻ, và trong thời gian tới công tác xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Ngày 15/10/2020 tại Hà Nội, đoàn công tác Sở Công Thương Quảng Ninh đã có buổi làm việc Tập đoàn Ceantral Retail Việt Nam và Trung tâm thương mại BigC Thăng Long, Trung tâm thương mại MM Mega Hà Đông – Hà Nội.

Tại buổi làm việc, các bên đã trao đổi với nhau nhiều nội dung, theo đó, Ông Lê Hồng Giang đề nghị với phía Tập đoàn Ceantral Retail Việt Nam và hệ thống Siêu thị BigC của tập đoàn tạo thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh tổ chức "Tuần giới thiệu tiêu thụ sản phẩm hải sản và sản phẩm OCOP Quảng Ninh" năm 2020 tại Hà Nội gắn "Hội nghị kết nối Lâm – Nông – Thủy sản Quảng Ninh" được tổ chức từ ngày 23/10 – 27/10/2020 tại Hà Nội.

Đồng ý với đề nghị trên, Đại diện Lãnh đạo BigC Khu vực miền Bắc nhiệt tình cho biết: Chuỗi hệ thống BigC cũng đã rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Quảng Ninh, bằng cách Big C đã cử nhiều đơn vị thu mua đến Hạ Long, Vân Đồn… gặp gỡ trực tiếp các nhà sản xuất để tư vấn hướng dẫn các thủ tục, quy trình, để sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn đưa vào tiêu thụ tại hệ thống Big C trên toàn quốc.

Cùng ngày, đoàn công tác Sở Công Thương cũng đi khảo sát thực tế nhiều Siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nhìn chung, các mặt hàng OCOP của Quảng Ninh đã có bày bán tại các gian hàng của các Siêu thị, tuy nhiên sản phẩm còn ít, chưa phong phú đa dạng.

Tuy vậy cũng có một số sản phẩm tiêu thụ rất tốt như: Nấm kim châm Long Hải, nước mắm Vân Đồn, sản phẩm hàu sữa của tập đoàn BimGroup, Cá thu một nắng …chỉ tính riêng mỗi Siêu thị Big C Thăng Long đã tiêu thụ Nấm Long Hải 12 tấn/1Tuần (Chị Vân - Giám đốc bộ phận bán hàng cho biết).

Nhìn tổng thể chung, sản phẩm hải sản và sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang khuyết một trong những mắt xích quan trọng kết nối ra thị trường đó là sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối thu mua sản phẩm, tiến hành sơ chế và vận chuyển cung ứng đến chuỗi các hệ thống phân phối ra thị trường.

Đoàn công tác cũng đã đề cập vấn đề này đến Lãnh đạo Tập đoàn Ceantral Retail Việt Nam và Trung tâm thương mại BigC Thăng Long, Trung tâm thương mại MM Mega Hà Đông – Hà Nội và đề nghị phối hợp tháo gỡ.

Như vậy, để các sản phẩm hải sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh được phân phối rộng rãi ra thị trường thông qua chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại, luôn cần sự chung tay và phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, trong đó một giải pháp đồng bộ và bài bản, cần xác định thị trường tiêu thụ rõ ràng hơn để định hướng và thúc đẩy cho hoạt động sản xuất – nuôi trồng phát triển; sản xuất sản phẩm có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị và vị thế trên thị trường.

Lê Sỹ Trình