Giá dầu thô tiếp tục được củng cố, thị trường lạc quan về triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô

Giá dầu thô Brent và dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu và tình hình kinh tế của Hoa Kỳ.
Giàn khoan dầu thô tại Hoa Kỳ
 Số giàn khoan hoạt động tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử tuần thứ hai liên tiếp, cho thấy hoạt động khai thác dầu thô tại đây đã giảm mạnh (Ảnh: teletrader.com)

Vào lúc 9h40 sáng nay (ngày 18/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai LCOc1 đã tăng 1,19 USD tương ứng 3,7% lên 33,69 USD/thùng; trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức cao nhất kể từ ngày 13/4/2020. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai CLc1 cũng tăng 1,26 USD tương ứng 4,3% lên 30,69 USD/thùng; trong phiên giao dịch, giá dầu thô WTI cũng có lúc bật tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ ngày 16/3/2020.

Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu được hỗ trợ bởi hoạt động cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia và hãng khai thác dầu thô lớn trên toàn cầu, và các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng đang dần tăng trở lại khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường hàng hoá toàn cầu tại tập đoàn tài chính AxiCorp nhận định giá dầu thô còn có thể tiếp tục tăng lên cao hơn nữa do các biện pháp phong toả phòng chống dịch bệnh đang ngày càng được nới lỏng.

Các hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 6/2020 sẽ hết hạn vào thứ Ba tuần này (ngày 19/5), tuy nhiên, ít có dấu hiệu cho thấy giá dầu thô WTI sẽ sụp đổ, rơi xuống mức giá âm (dưới 0 USD/thùng) như đã xảy ra hồi tháng trước khi các hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 5/2020 hết hạn.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô và khí tự nhiên tại Hoa Kỳ tiếp tục ở mức thấp nhất trong lịch sử tuần thứ hai liên tiếp, cho thấy các doanh nghiệp năng lượng tại nước này đang cắt giảm mạnh sản lượng khai thác khi giá dầu thô ở mức thấp kỷ lục. Điều này cũng giúp giảm bớt áp lực thiếu hụt chỗ chứa dầu thô tại Hoa Kỳ khi các hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 6/2020 hết hạn.

Trong tuần trước, Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cho biết có thể cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020. Liên minh OPEC+ bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, gồm Nga cho biết muốn kéo dài mức cắt giảm sản lượng khai thác như hiện nay cho đến kỳ họp tiếp theo, thay vì kết thúc vào tháng 6/2020 như dự kiến trước đây.

Tâm lý trên thị trường dầu mỏ cũng được củng cố khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ vào nửa cuối năm 2020 trong ngày 17/5.

Quang Đặng (Theo Reuters)