Giá dầu thô giảm, Hoa Kỳ có thể dỡ bỏ quy chế ưu đãi thương mại đối với Hồng Kông

Giá dầu thô đã giảm xuống trong bối cảnh Hoa Kỳ có thể dỡ bỏ quy chế ưu đãi thương mại - tài chính đối với Hồng Kông, giới đầu tư lo ngại sự gia tăng căng thăng giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
Cảng xuất dầu thô
 Một cảng xuất dầu thô tại Hoa Kỳ (Ảnh: Wixstatic)

Chốt phiên giao dịch ngày 27/5, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 1,65 USD tương ứng 4,6% xuống còn 34,52 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 1,54 USD tương ứng 4,5% xuống mức 32,81 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông đang chuẩn bị một phản ứng mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc dự kiến áp dụng Luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông (Trung Quốc). Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết đã thông báo trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng Hồng Kông đã không còn duy trì các quyền tự chủ, và vì vậy không đủ điều kiện để tiếp tục hưởng quy chế ưu đãi thương mại và tài chính của Hoa Kỳ.

Đây là giàng đón mạnh đến vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng tăng cao xung quanh nhiều vấn đề. Giới đầu tư lo ngại xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, giảm triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.

Tâm lý giới đầu tư cũng giảm xuống khi các nhà kinh tế học dự báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 2 triệu đơn. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Lao đông Hoa Kỳ công bố trong ngày 29/5 (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bà Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ giảm từ 8% đến 12% trong năm nay dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Nga vừa cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đã cùng đồng ý hai nước sẽ “hợp tác chặt chẽ” trong việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. Nga và Ả-rập Xê-út hiện đang dẫn đầu liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho biết Nga đang đưa ra những tín hiệu lẫn lộn ngay trước khi liên minh OPEC+ nhóm họp vào đầu tháng 6 tới đây để thảo luận kế hoạch khai thác dầu thô trong những tháng tới.

Trong ngày 27/5, Viện dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết lượng tồn trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chế xuất từ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng lên trong tuần trước. Giới phân tích nhận định tốc độ giảm mức dư thừa tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đang diễn ra chậm hơn nhiều so với mức giảm sản lượng khai thác do các nhà máy lọc dầu đang ngần ngại trong việc gia tăng hoạt động.  

Quang Đặng (Theo Reuters)