Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): "Tính" kỹ để không ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế

Nội dung Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nếu không phù hơp, không những không bảo vệ được quyền lợi của người lao động mà tác động ngược, trái với kinh tế thị trường, là “rào cản”,“ngáng chân” sự tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) - Những tác động bất lợi và kiến nghị.

Tại hội thảo, T.S Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm 2019. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trước khi được trình.

Theo đó, các đại biểu tham dự đã mạnh dạn nêu 8 vấn đề bất cập trong Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) có thể có tác động bất lợi cho doanh nghiệp. Đó là, thời giờ làm thêm và cách tính lương làm thêm giờ, tiền lương, thời giờ làm việc bình thường, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Một số vấn đề khác như: lao động nước ngoài, lao động nữ, lao động trẻ em…

Các đại biểu tham dự đã mạnh dạn kiến nghị 8 vấn đề bất cấp có thể sẽ làm hệ lụy đến doanh nghiệp và ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế nước nhà

Nhìn vào phương diện khách quan cần xem xét thấu đáo vị trị kinh tế hay còn gọi là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới, để từ đó có những điều thay đổi phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Vì thế Nội dung dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nếu không phù hợp, không những không bảo vệ được quyền lợi của người lao động mà tác động ngược, trái với kinh tế thị trường, là “rào cản”, “ngáng chân” sự  tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác, thì khi đó “người yếu thế” lại chính là các doanh nghiệp Việt Nam. Họ phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư. Từ đó kéo theo sự sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút đầu tư FDI kém phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong các quy định mới của Dự thảo, một số quy định nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói  chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng như: không thay đổi trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm thêm tiêu chuẩn.

Ý kiến về việc này, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐ QT Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho rằng, được làm việc, có việc để làm đủ trong giờ, được thể hiện năng lực trong công việc để thu nhận được những giá trị vật chất, tinh thần hợp lý và xứng đáng, là một nhu cầu, là một nguyện vọng chính đáng không chỉ riêng với người lao động mà còn là điều rất hạnh phúc của doanh nghiệp.

Về vấn đề lương lũy tiến, ông Thịnh còn cho rằng trả lương theo sản phẩm lũy tiến chứ không ai trả lương thời gian lũy tiến. Nếu trả lương lũy tiến theo thời gian thì cực kì nguy hiểm bởi sẽ kéo theo sự bùng phát và dung dưỡng cho thói lười nhác, vô trách nhiệm, vô kỉ luật, vốn đang là điều tệ hại phổ biến nhất của số đông người lao động Việt. Trả lương kiểu vậy, sẽ triệt tiêu mọi động lực tích cực và chỉ tàn phá nhanh chóng mọi nguồn lực xã hội mà thôi. Ở doanh nghiệp chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó. Các nhân viên của chúng tôi ở trong nước hay nước ngoài, kể cả các nhân viên người nước ngoài đang làm việc cho Công ty và tôi đã thăm VP nhiều doanh nghiệp nước ngoài, họ luôn tự giác tới mức tối đa, hết việc mới về chứ không phải hết giờ là về. Dù phải làm việc trái múi giờ.

Có thể đưa ra một ví dụ cụ thể đối với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam quản lý hàng trăm nghìn lao động, nhưng với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm có thể khiến một tháng Samsung mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất. Khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi doanh nghiệp cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động

Hiện thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam đang tương đương với các quốc gia có cùng trình độ phát triển như Lào, Campuchia, các nước phát triển như Thái La, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần.

Lo ngại về vấn đề này, Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Dự thảo BLLĐ mới có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Hiện, năng suất lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang ở thứ hạng thấp theo số liệu tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là tương đương với các quốc gia có cùng trình độ phát triển như Lào, Campuchia, thậm chí những quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần. Giờ làm việc ở trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần chỉ thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore.

Kết thúc cuộc Hội thảo, T.S Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM kết luận, Trong những bất cập mà chúng ta phân tích rất nhiều vấn đề bất cập đặt ra, nên rằng các hiệp hội, ngành nghề và ý kiến các doanh nghiệp xin cùng với Viện Nghiến cứu Kinh tế mạnh dạn góp ý, kiến nghị để điều chỉnh, sửa đổi các bất cập trước khi luật ban hành để đảm bảo khi luật ban hành, đi vào đời sống, làm hài hòa lợi ích, phát triển kinh tế, xã hội.

Dự kiến ngày 20/9 tới, Ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau đó sẽ chính thức trình tại Quốc hội và vào tháng 10/2019.

Thu Hoài