Du lịch thông minh - Xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam

THS. PHẠM THỊ THÙY LINH (Khoa Kinh tế cơ sở, Trường Đại  học  Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới mọi ngành, mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Du lịch. Với việc ứng dụng ngày càng sâu rộng công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam. Bài viết phân tích về du lịch thông minh và những cơ hội để phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam.

Từ khóa: Du lịch thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin - truyền thông.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “Du lịch thông minh” được ra đời dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - truyền thông, đã cho phép tạo ra các sản phẩm đa dạng cho ngành Du lịch. Có thể hiểu, du lịch thông minh là mô hình được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, đảm bảo sự tương tác kịp thời giữa 3 bên là nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất.

Du lịch thông minh bao gồm nhiều thành phần và lớp thông minh được công nghệ thông tin - truyền thông hỗ trợ

Hình 1: Các thành phần và lớp của du lịch thông minh

Du lịch thông minh bao gồm 3 thành phần chính:

- Điểm đến thông minh: Là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững các khu vực du lịch, có thể tiếp cận được với mọi người, tạo thuận lợi cho sự tương tác của khách truy cập và hội nhập vào môi trường xung quanh, làm tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

- Kinh nghiệm thông minh: Là những trải nghiệm du lịch qua trung gian công nghệ và sự tăng cường trao đổi thông tin qua việc cá nhân hóa, nhận thức bối cảnh và theo dõi thời gian thực.

- Hệ sinh thái kinh doanh thông minh: Là hệ sinh thái kinh doanh phức tạp tạo ra và hỗ trợ việc trao đổi các nguồn lực du lịch kết hợp với kinh nghiệm du lịch.

Người tham gia mô hình này cũng là những du khách thông minh. Họ không chỉ tiêu thụ mà còn chia sẻ và tạo ra trải nghiệm, có vai trò quản lý và giám sát để đảm bảo sự hoàn hảo cho những hành trình tiếp theo của mình và những du khách khác.

Du lịch thông minh kéo dài ba lớp trên cả ba thành phần:

- Lớp thông tin thông minh nhằm thu thập dữ liệu.

- Lớp trao đổi thông minh hỗ trợ khả năng liên kết.

- Lớp xử lý thông minh có trách nhiệm phân tích, hình dung, tích hợp và sử dụng thông minh dữ liệu.

2. Du lịch thông minh - Xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam

2.1. Du lịch thông minh là xu thế phát triển chung của du lịch thế giới

Khác với du lịch truyền thống, du lịch thông minh chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại đảm bảo mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ và sử dụng các thiết bị hiện đại, thông tin, dữ liệu toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh trong du lịch. Châu Âu được đánh giá là khu vực có lợi thế và dẫn đầu trong xu hướng phát triển mới này. Ở châu Á, nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR, dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…

Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch. Theo thống kê, nền tảng công nghệ số và dữ liệu sẽ chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến, và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch. Không nằm ngoài xu thế này, du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững.

2.2. Những cơ hội để Việt Nam phát triển du lịch thông minh

2.2.1. Thể chế, chính sách mở đường cho phát triển du lịch thông minh

Thể chế chính sách là yếu tố rất quan trọng để khai thông, mở đường và tạo điều kiện nền tảng, hành lang pháp lý cho phát triển du lịch thông minh. Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước”. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tất yếu phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Luật Du lịch năm 2017 cũng khẳng định “Nhà nước có chính sách trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch”. Đặc biệt, trong Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg, lần đầu tiên thuật ngữ “du lịch thông minh” được nhắc đến trong một văn bản pháp quy của Việt Nam: “…ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”.

Có thể nói, hệ thống chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã mở ra định hướng chiến lược quan trọng để triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến cho phát triển ngành Du lịch.

2.2.2. Du lịch thông minh là thị trường tiềm năng lớn cho du lịch Việt Nam

Theo thống kê của WeAreSocial (wearesocial.com) năm 2018, toàn thế giới có 4,02 tỷ người dùng Internet (chiếm 53%), gần 3,2 tỷ người dùng mạng xã hội, hơn 5,1 tỷ người dùng điện thoại di động (chiếm 68%) trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh có kết nối và sử dụng Internet. Ở Việt Nam với gần 100 triệu dân thì có đến 64 triệu người sử dụng Internet (chiếm 67% dân số), 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57%), hơn 70 triệu người dùng điện thoại di động (chiếm 73%). Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và thiết bị thông minh trên thế giới và ở Việt Nam là rất lớn. Đây là tiền đề lớn để Việt Nam phát triển du lịch thông minh.

Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Như vậy có thể thấy, khách du lịch sử dụng Internet, các tiện ích thông minh, các thiết thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng có xu hướng gia tăng. Họ đang trực tiếp trở thành những vị “khách du lịch thông minh” tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Mặc dù với loại hình du lịch mới này, khách hàng tiềm năng lớn nhưng thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Các công ty lữ hành online thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường với khoảng 80% thị phần. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến như Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, vntrip.vn… Vì vậy, du lịch thông minh sẽ là “thị trường màu mỡ”cho các đơn vị kinh doanh du lịch Việt Nam.

2.2.3. Sự chủ động và tích cực tiếp cận Du lịch thông minh của ngành Du lịch

Du lịch thông minh là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được xu thế cũng như có những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển du lịch thông minh, thì ngành Du lịch Việt Nam từ các cơ quan quản lý du lịch, các địa phương đến các doanh nghiệp du lịch đã chủ động tiếp cận loại hình du lịch mới này.

Thứ nhất, các cơ quan quản lý du lịch tại Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm với quy mô cấp tỉnh, cấp ngành, cấp quốc gia và cấp quốc tế xoay quanh chủ đề này.

Thứ hai, việc hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch. Hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất hiện nay là thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử. Hiện 100% cơ quan quản lý du lịch và hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã có website riêng. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ lập trình web, cho phép các nhà lập trình thiết kế, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch như: Bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch. Bên cạnh các hệ thống website, mạng xã hội cũng là một trong những kênh quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, trải nghiệm du lịch và góp phần quảng bá du lịch.

Thứ ba, việc sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh. Các địa phương du lịch cũng đang phối hợp tích cực với các tập đoàn viễn thông để triển khai những dự án du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch như tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide. Đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội trong năm 2018 đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long. Đầu năm 2018, Đà Nẵng cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).

Thứ tư, sự tích cực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang tự làm mới mình để trở thành những doanh nghiệp thông minh với các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến, như: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán… Năm 2016, sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Đặc biệt, Tripi còn cho phép khách hàng tìm kiếm, so sánh giá các sản phẩm du lịch và cập nhật chính xác 24/24 tình trạng sản phẩm. IVIVU (ivivu.com) cũng là một trong những sàn giao dịch du lịch lớn, cho phép khách du lịch tìm kiếm thông tin, so sánh, lựa chọn và thực hiện các giao dịch đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn với hơn 300 tour du lịch, hơn 5.000 khách sạn tại Việt Nam và 345.000 khách sạn toàn thế giới để du khách lựa chọn.

Như vậy có thể thấy, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch thế giới nói chung và ngành Du lịch Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, xác định mô hình và triển khai thí điểm, phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. TS. Lê Quang Đăng (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam/.
  2. Tổng cục Du lịch (2018), “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động tới du lịch Việt Nam”,Hội thảo khoa học.
  3. Nguyễn Thị Kiều Trang (2018), Sơ lược về Du lịch thông minh, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu Nghị Việt Hàn, http://viethanit.edu.vn/2018/03/13/so-luoc-ve-du-lich-thong-minh/.
  4. Hồ Hạ (2018), Mô hình du lịch thông minh: Điểm nhấn phát triển ngành kinh tế xanh, Tạp chí Kinh tế và Đô thị, Số tháng 2 năm 2018.

Smart tourism – An inevitable development trend of

Vietnam’s tourism industry

Master. Pham Thi Thuy Linh

Faculty of Fundamental Economics, University of

Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The Industry 4.0 has had a strong impact on all sectors and all socio-economic fields, including tourism sector. With the increasing information and communication technological advances, the smart tourism has become an inevitable development trend of Vietnam's tourism industry. This article analyzes the smart tourism and opportunities for developing the smart tourism in Vietnam.

Keywords: Smart tourism, Industry 4.0, information and communication technology