Dư địa nào cho thép Việt?

Hội nhập kinh tế buộc doanh nghiệp ngành Thép luôn trong tâm thế “hai trong một” - vừa bảo vệ thị trường của mình và vừa “tấn công” sang thị trường mới.

Bỏ trứng nhiều giỏ

Bảo vệ thị trường trong nước tức là luôn sẵn sàng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để mà bảo vệ cho sản phẩm sản xuất trong nước. Đối với ngành thép Việt Nam trong những năm qua đã luôn tiên phong trong việc sử dụng công cụ này.

Đứng thứ nhất hiện nay vẫn là ASEAN. Trong tương lai gần để duy trì và phát triển thị trường này cần tận dụng mọi cơ chế của Hội đồng Kinh tế ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại hơn nữa tranh thủ thời gian vì các nước trong ASEAN hiện nay còn ít sản xuất thép, cho nên cái nhu cầu về thép của họ vẫn còn rất lớn.

Đối với thị trường Mỹ, năm 2017 chúng ta xuất khẩu sang Mỹ chỉ hơn 500 nghìn tấn, dù chỉ chiếm khoảng 11% số lượng xuất khẩu thế nhưng đây lại là một thị trường rất tiềm năng bởi vì hằng năm họ nhập khẩu từ 30 – 40 triệu tấn thép. Lượng thép xuất khẩu sang Mỹ hiện nay mới chỉ chiếm có 1,6 % cho nên vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Tương tự như vậy, đối với các nước EU, mặc dù lượng xuất khẩu chỉ mới đạt 9% thôi thế nhưng mà EU cũng là một thị trường nhập khẩu rất lớn. Năm 2017 EU nhập khẩu tới 39 triệu tấn thép. Cho nên đây cũng là một thị trường rất béo bở.

Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã và đang diễn ra rất sôi nổi ở khắp các nước trên thế giới và trong cuộc chơi này ngoài việc phải nắm được luật còn cần nhìn xa trông rộng để thay đổi nhận thức cũng như chiến thuật.

Đối với các nước ASEAN, mặc dù là khu vực mà sản xuất thiếu thép, hàng năm vẫn phải đi nhập khẩu rất nhiều thép, thế nhưng họ vẫn luôn sử dụng các biện pháp phòng vệ cân bằng để ngăn chặn việc xuất khẩu thép của nước ta sang khu vực ASEAN. Đối với thị trường Mỹ, để bảo hộ mậu dịch trong nước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng từ đầu năm 2017 việc tiến hành điều tra sản phẩm thép Việt Nam nhằm chống lại hiện tượng lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp. Vừa rồi họ đã có kết luận sơ bộ, nhưng do bận việc nên đã hoãn kết luận chính thức sang tháng 6 năm nay. Và mới đây nữa là việc áp thuế 25% vào các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ theo mục 232 của đạo luật thương mại của Mỹ mở rộng.

Thừa công suất – gốc rễ của vấn đề

“Bỏ trứng nhiều giỏ” là bắt đầu cho một cuộc khởi động của những chiến thuật.. Bên cạnh việc bảo vệ thị trường trong nước một cách chính đáng theo đúng quy định của tổ chức thương mại thế giới WTO thì chúng ta buộc phải có những điều chỉnh trong nhận thức và tư duy về cách quản trị và định hướng phát triển ngành.

Đối với những thị trường mình đã xuất khẩu vào rồi và được đánh giá là tiềm năng như Mỹ, EU, ASEAN… thì phải cố gắng bảo vệ trên mọi phương diện đấu tranh, từ mặt trận ngoại giao cho đến việc đưa vào các luật phòng vệ thương mại. Về phòng vệ thương mại của các nước ASEAN thì sẽ tiếp tục “đấu” với Indonexia và Mỹ. Trên thực tế Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có quyết định gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ về việc mức thuế 25% mà phía Mỹ đánh vào thép xuất khẩu của Việt Nam và đây sẽ là cuộc chiến không thể một sớm một chiều. Tương tự như vậy, liên quan đến việc EU khởi xướng điều tra về phòng vệ thương mại thì Việt Nam cũng sẽ sử dụng cái nguyên tắc này để nói chuyện với EU để làm sao vẫn giữ được, tiếp cận được cái thị trường của EU một cách tốt nhất. Thực tế đây đang như một cuộc chiến giằng co khó phân thắng bại vì nếu như Việt Nam biết dùng luật để phòng vệ thương mại trong nước thì các nước khác cũng vậy, điển hình như Indonesia, như Mỹ.

Do vậy, bên cạnh việc vừa bảo vệ vừa “tấn công”, thép Việt Nam nên chọn cho mình những giải pháp khác. Đó là hướng mạnh vào các thị trường truyền thống mà vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng như Campuchia, Lào, Mianma – những thị trường hiện nay chưa áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ở chiều ngược lại chính là phục vụ thị trường trong nước với 100 triệu dân đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề của ngành thép toàn thế giới và dĩ nhiên của cả Việt Nam còn là đối diện với công suất dư thừa. Hiện nay công suất của ngành thép trên toàn thế giới đã chạm ngưỡng thừa cho nên bản thân ngành sản xuất thép cần một sự công bằng và thành thật. Nếu cứ chấp nhận việc gian lận thương mại mua phôi của một nước khác rồi mang về nước mình để gia công thì không tránh được việc bị kiện và câu chuyện cứ như một vòng luẩn quẩn.

Về xu hướng lâu dài, phải tuân theo những quy tắc về xuất xứ, ngành Thép phải sản xuất thép từ phôi của chính mình, giống như ngành dệt may cũng có những quy tắc về xuất xứ, từ ngành sợi trở đi cũng được áp dụng. Việc áp dụng các quy tắc xuất xứ từ quặng trở đi nghe thì có vẻ như rất vô lý, nhưng nếu đến một ngày thế giới quy định một sản phẩm thép được gọi là xuất xứ Việt Nam có nghĩa là làm từ quặng ra đến phôi, từ phôi ra đến sản phẩm… thì ta cũng phải thuận theo. Có thể trước đây và hiện nay thế giới chấp nhận việc nhập phôi từ nước ngoài về rồi làm cán tại Việt Nam và thế là “made in Việt Nam”, nhưng bây giờ đang trong xu hướng chống sản xuất thừa công suất thì thương mại thế giới lại không không chấp nhận.

Chính vì vậy, có rất nhiều kịch bản đang ở phía trước thách thức các doanh nghiệp thép. Nhưng dù thế nào thì vẫn luôn đề cao sự công bằng bởi trong thương mại quốc tế không có chỗ cho gian lận thương mại.


Thuy Miny