Điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp

Tiếp tục tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

Bước sang măm 2021, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động tiêu cực của tình hình thế giới do độ mở của nền kinh tế lớn và nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu về đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, đối với công nghiệp, ngành Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% so với năm 2020.

Thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương Triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng thích ứng, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Theo đó, tiếp tục tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

Tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập, gồm:

+ Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, năng lượng, hóa chất, thép, thiết bị điện…; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp khai khoáng (dầu khí và khoáng sản) theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.

+ Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Trong quý 1 năm nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Mức tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiệm cận mức tăng 2 con số so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp này.

Theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất) quý I/2021 tăng 8% so với năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3,8% (trong đó sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 0,9%).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất kim loại tăng 28,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 18,7%; sản xuất đồ uống tăng 17,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8%

Trên đà này, đã thấy nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có một năm sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục phát triển theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ  8% trở lên để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%.

Thọ Xuân