Điện Biên tạo đột phá để thu hút đầu tư

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tạo đột phá thu hút đầu tư, những năm gần đây công tác thu hút đầu tư vào Điện Biên có nhiều khởi sắc.

“Tỉnh Điện Biên sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư” là khẳng định của Bí thư Trần Văn Sơn tại hội nghị gặp mặt và đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư được UBND tỉnh Điện Biên tổ chức tháng 1/2019. Thực tế cho thấy, Điện Biên đã và đang tích cực triển khai cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp để tạo động lực, sự đột phá thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tỉnh đã ban hành, áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm giúp đỡ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư đa dạng (trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, khoa học công nghệ…). Qua đánh giá của VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 đạt 61,77 điểm, xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2016). Năm 2017, chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63, tỉnh thành phố, tăng 18 bậc (năm 2016 là 42/63).

Năm 2018, chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện tích cực. Đến nay, tỉnh Điện Biên có khoảng 1.531 thủ tục hành chính, trong đó có khoảng 702 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cổng, trang thông tin của cơ quan nhà nước.

Các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp đầy đủ ở mức độ 1 và 2, trong đó có 52 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3. Thời gian cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới (kể cả đăng ký thuế) trung bình là 2,47 ngày, thời gian cấp đăng ký thay đổi trung bình là 1,9 ngày.

Hiện nay, tỉnh đang  lựa chọn nhà đầu tư cho 9 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Trong số những Dự án kêu gọi đầu tư hiện nay, có 19 dự án về Thủy điện, 15 dự án về Thương mại Dịch vụ, 4 dự án về Khu cụm công nghiệp, 8 dự án về Văn hóa Xã hội, 5 dự án về Nông nghiệp và 19 dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng…

Tạo đột phá thu hút đầu tư
Điện Biên đã và đang tích cực triển khai cải thiện môi trường kinh doanh

Riêng về Thủy điện, theo kế hoạch đến năm 2020, Điện Biên có 10 dự án  triển khai đầu tư xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động, đấu nối lên lưới 110kV tổng công suất dự kiến 200,5MW. Hiện đang hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đồng thời đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư và đã có một số nhà đầu tư lớn đang tham gia nghiên cứu như TH Truemilk, Vietjet, Vingroup, FLC…

Để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Điện Biên tiếp tục tăng cường hơn nữa việc đối thoại giữa chính quyền các cấp với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp với vai trò là cầu nối giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh. Nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức tại các bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu ngày cao trong xử lí các yêu cầu về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tiếp tục các giải pháp để khuyến khích phát triển về số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới dài 455,573 km với Lào và Trung Quốc. Trên tuyến biên giới Việt - Lào, ngoài hai cửa khẩu là Huổi Puốc và Tây Trang, còn 3 cặp cửa khẩu phụ khác sắp được mở. Trên tuyến biên giới Việt - Trung có cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển trên tuyến đường xuyên Á, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar.

  • Về du lịch, Điện Biên có tiềm năng lớn để phát triển với nhiều loại hình đa dạng: Du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Đặc biệt, với cụm di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển du lịch lịch sử văn hóa.
  • Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại; một số loại khoáng sản có chất lượng tương đối, trữ lượng cho phép khai thác với qui mô nhỏ như: than, quặng sắt, quặng bô xít, đồng, chì và các loại đá làm vật liệu xây dựng…
  • Giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam của Trung Quốc thuận tiện. Giao thông kết nối liên tỉnh, ngoài tuyến giao thông đường bộ còn có đường hàng không. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, nâng cấp như:  đường bộ đi Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đi Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và các tỉnh Đông Bắc, là cầu nối thuận lợi giữa khu vực Bắc Bộ với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Thái Lan.
Hưng Nguyên