Đề xuất giảm giờ làm xuống 44 giờ một tuần

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề xuất giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ một tuần xuống 44 giờ một tuần.

Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 quy định "thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ mỗi tuần lễ". Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.

Sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm, thời giờ làm thêm tăng lên gấp 3 lần.

Đề cập đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều ngày 31/10, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm, người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ một tuần xuống 44 giờ một tuần, tiến tới 40 giờ một tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999). 

"Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Tôi kính mong các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ quy định này", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết.

giảm giờ làm việc
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề xuất giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư

Theo Bộ Luật Lao động được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực từ năm 2021, giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Nếu doanh nghiệp quy định giờ làm việc theo tuần thì không quá 10 giờ một ngày và 48 giờ một tuần.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. Doanh nghiệp khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng.

 

giảm giờ làm việc
Giảm giờ làm việc là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới

Luật mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề như: sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra gần 41% lao động trên toàn quốc làm việc từ 40 đến 48 giờ mỗi tuần; 30,8% làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam cao hơn nữ (33,9% và 27,4%). Cả nước có 7,5% lao động làm việc trên 60 giờ mỗi tuần, cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (9,3%).

Ngọc Châm