Đề xuất bổ sung quy định xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022.

Thực hiện quy định tại Điều 91 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Bộ Công Thương đăng tải Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị định để lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

quy định
Bộ Công Thương lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết thời gian vừa qua, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước mới được ban hành với nhiều nội dung mới dặt ra vấn đề cần thiết phải rà soát các quy định về hành vi vi phạm hành chính có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. 

Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 20 tháng 6 năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/7/2024, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Theo đó, Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 5 và Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023 có một số nội dung sửa đổi, bổ sung về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, do đó cần thiết phải rà soát chỉnh lý các quy định hành vi vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất.

Còn hạn chế, bất cập trong áp dụng các quy định xử phạt vi phạm

Để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 và để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật khi một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ 01/01/2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 31/01/2022 sửa đổi, sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Trong hơn 03 năm triển khai thi hành, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, lực lượng chức năng, góp phần kiềm chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồc gốc xuất xứ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, tổng kết 03 năm thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng cho thấy, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung một điều theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, bất cập trong áp dụng pháp luật như: Sự chống chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất....

"Với những yêu cầu đặt ra, việc ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi là rất cần thiết", Bộ Công Thương nhận định.

Xử lý triệt để các hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng

Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung liên quan đến hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống các quy định pháp luật khác có liên quan. Khắc phục tối đa những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định gồm 03 Điều, trong đó có những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý. 

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 sửa đổi

Sửa đổi khoản 13 Điều 17 theo hướng bãi bỏ hình thức xử phạt bổ sung tại điểm b khoản 13 Điều 17 do hình thức xử phạt bổ sung này áp dụng với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 (hành vi này được bãi bỏ tại Điều 2);

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 4 như sau:

“b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 2 Điều 46b, khoản 2, 3 Điều 53a, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 56 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân”.

Sửa đổi, bổ sung Mục 9. Chương II. Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định cụ thể về xử phạt các hành vi vi phạm bao gồm: Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng; hành vi vi phạm về hình thức hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; hành vi vi phạm về nội dung của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; hành vi vi phạm về giao kết, thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; hành vi vi phạm về đăng ký, đăng ký lại, công khai và thông báo về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc phạm vi phải đăng ký; hành vi vi phạm về hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi vi phạm trong giao dịch từ xa; hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ liên tục; hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng tận cửa; hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên; hành vi vi phạm về bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; hành vi vi phạm về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; hành vi vi phạm về quấy rối, ép buộc người tiêu dùng; hành vi vi phạm về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; hành vi vi phạm khác trong giao dịch với người tiêu dùng; hành vi vi phạm về hoạt động tiêu dùng và cung cấp thông tin của người tiêu dùng.

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 sửa đổi

1. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây:

a) Bổ sung cụm từ “sản phẩm,” vào trước cụm từ “hàng hoá, dịch vụ” tại khoản 12 Điều 3; Bổ sung cụm từ “khoáng sản;” vào sau cụm từ “thức ăn thủy sản” tại điểm b khoản 12 Điều 17;

b) Bỏ cụm từ “a, b và” tại điểm a khoản 14 Điều 17.

2. Bãi bỏ điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17.

3. Bãi bỏ Điều 73.

Chi tiết Tờ trình và Dự thảo Nghị định, xem tại đây.

Mọi ý kiến đóng góp xin liên hệ: Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; địa chỉ: số 91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Người liên hệ: Hà Thị Doánh, Chuyên viên Vụ Chính sách - Pháp chế, điện thoại: 0988.479.021, Email: [email protected]).

Hoàng Phương