Dấu hiệu tích cực từ đàm phàn thương mại Mỹ - Trung đẩy giá dầu tăng nhẹ

Giá dầu thô đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay trước các tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Vào lúc 9h37 sáng ngày 11/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent trên Sàn giao dịch tương lai Châu Âu (ICE) đạt 59,3 USD/thùng, tăng 20 cents tương ứng 0,34% so với mức chốt phiên giao dịch trong ngày 10/10. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tại Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) cũng tăng 16 cents tương ứng 0,30% lên mức 53,71 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng trong bối cảnh kỳ vọng của thị trường về đàm phàn thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc được nâng cao. Sau phiên đàm phán ngày 10/10, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết mọi việc diễn ra “rất tốt”. Thị trường kỳ vọng các xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được giải quyết sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó gia tăng nhu cầu sử dụng dầu thô trong tương lai. Đàm phán thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10.

Trong ngày 8/10, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết OPEC đang cân nhắc tất cả phương án điều tiết thị trường dầu mỏ để trao đổi trong cuộc họp của các thành viên khối OPEC trong hai ngày 5 và 6/12/2019. Ông Mohammed Barkindo cũng cho biết cuộc họp lần tới sẽ quyết định các chính sách của OPEC trong cả năm 2020. Hiện tại, 24 quốc gia thành viên khối OPEC và một số quốc gia khai thác dầu mỏ ngoài OPEC như Nga đã cam kết cắt giảm sản lượng khai thác – 1,2 triệu thùng dầu/ngày cho đến tháng 3/2020 để kiềm chế đà giảm của giá dầu thô.

Ả-rập Xê-út cho biết sản lượng khai thác của nước này trong tháng 9/2019 đã giảm 660.000 thùng/ngày xuống còn 9,13 triệu thùng/ngày do chịu ảnh hưởng từ các cuộc khủng bố nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu lớn của nước này vào ngày 14/9/2019. Tuy nhiên, các nguồn tin độc lập như S&P Global Platts dự báo mức sụt giảm sản lượng khai thác của Ả-rập Xê-út có thể lớn hơn, chỉ đạt 8,56 triệu thùng/ngày. Vào đầu tháng 10/2019, Ả-rập Xê-út cho biết nước này đã phục hồi hoàn toàn sản lượng khai thác tại các nhà máy bị tấn công, việc phục hồi diễn ra nhanh hơn đáng kể so với các dự báo của thị trường quốc tế.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy hoạt động khai thác dầu khí và khí đốt tại Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm xuống kể từ cuối năm 2018. Cụ thể, tổng số giàn khoan khai thác dầu khí và khí đốt đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này (7 – 11/10) đã giảm 12 giàn khoan, xuống còn 919 giàn khoan. Trong tháng 10/2018, số lượng giàn khoan khai thác dầu khí và khí đốt tại Hoa Kỳ đã đạt mức cao kỷ lục – 1.233 giàn khoan; tuy nhiên, đã có khoảng  300 giàn khoan (tương đương 25%) đã ngưng hoạt động do giá dầu thô có nhiều biến động. Tính riêng trong 4 tuần gần đây, số lượng giàn khoan ngừng hoạt động là 30 giàn.

Quang Đặng / Tổng hợp