Covid-19 tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Châu Âu

Châu Âu hiện là một trong những điểm nóng của đại dịch Covid-19 trên thế giới. Sự bùng phát của dịch bệnh không chỉ đẩy nhiều nước Châu Âu đối mặt với khủng hoảng y tế chưa từng có mà kéo theo đó là nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Đức: Nguy cơ suy thoái nghiêm trọng

Thủ tướng Đức Angela Merkel
 Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước Đức đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng nhất kể từ thời hậu chiến 

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức (GCEE) – cơ quan tư vấn kinh tế của Chính phủ Đức dự báo các hoạt động kinh tế của nước này sẽ trở lại bình thường vào mùa hè tới đây. Tuy nhiên, GDP của Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone), trong năm 2020 được dự báo sẽ ở mức -2,8% trước các tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Theo GCEE, nền kinh tế Đức sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ở mức 3,7% trong năm 2021. Trước đó, Viện ifo và Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) đều cảnh báo nước này cần đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát phức tạp trên toàn cầu.

Mặc dù nền kinh tế Đức vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP nhẹ trong quý 1/2020, Viện ifo nhận định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ được phản ánh rõ ràng vào các hoạt động kinh tế quý 2/2020 và đẩy tăng trưởng GDP quý 2/2020 của nước này giảm 4,5%. Viện ifo dự báo tăng trưởng GDP của Đức trong năm 2020 sẽ ở mức -1,5%.

Các hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ tại Đức được nhận định chỉ dần trở lại mức bình thường vào nửa đầu năm 2021. Nếu không tính đến các tác động trong dài hạn như việc các doanh nghiệp bị phá sản, Viện ifo dự báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến nền kinh tế Đức thiệt hại 115 tỷ EUR tương đương 123,7 tỷ USD tính đến năm 2021.

Viện ifo cũng cảnh báo sự bùng phát của dịch bệnh sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động Đức và lần đầu tiên trong 15 năm trở lại đây, nước Đức có thể sẽ phải chứng kiến số người có việc làm giảm xuống.

Các chuyên gia nhận định ngành công nghiệp sản xuất ô tô sẽ là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất tại Đức do đại dịch Covid-19. Dự báo khoảng 100.000 vị trí việc làm tương đương 12% tổng số lao động tại các nhà máy sản xuất và các doanh nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp ô tô của nước này sẽ bị mất vì dịch bệnh.

Xem thêm tại: Đức: Sẵn sàng tung gói cứu trợ kinh tế trị giá 10% tổng GDP hàng năm.

Pháp: Vật lộn với khủng hoảng thất nghiệp

Pháp phong toả toàn quốc vì đại dịch Covid-19
 Hầu hết các hoạt động kinh tế tại Pháp đều bị ngưng trệ khi nước này tiến hành phong toả toàn quốc kể từ ngày 17/3 (Ảnh: NURPHOTO VIA GETTY IMAGES)

Trong ngày 2/4, Bộ trưởng Bộ Lao động Pháp Muriel Penicaud cho biết sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng bốn triệu người Pháp tương đương 20% tổng số lao động nước này phải tham gia kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp một phần của Chính phủ Pháp.

Theo kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp một phần, các chủ sử dụng lao động tại Pháp sẽ cho nhân viên tạm thời nghỉ việc nhưng vẫn chi trả phần lớn tiền lương cho người lao động; sau đó, Chính phủ Pháp sẽ hoàn trả lại phần tiền cho các doanh nghiệp với mức hoàn trả tối đa lên tới 4,5 lần mức lương tối thiểu.

Chính phủ Pháp cũng đẩy nhanh các thủ tục để cho phép người lao động nhanh chóng tham gia kế hoạch hỗ trợ thất nghiệp một phần. Dự kiến chương trình này sẽ khiến Chính phủ Pháp tiêu tốn hàng tỷ EUR.

Dữ liệu mới được công bố cho thấy tình hình kinh doanh tại Pháp đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi chỉ số đo lường triển vọng môi trường kinh doanh trong tháng 3/2020 của nước này đã giảm 10 điểm – mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này được áp dụng từ năm 1980. Điều này phản ánh giới doanh nghiệp Pháp đang bi quan hơn về hoạt động kinh doanh trước các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Viện thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cũng cho biết chỉ số tổng hợp việc làm của nước này trong tháng 3/2020 đã giảm 9 điểm xuống còn 96 điểm, đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này được áp dụng vào năm 1991.

INSEE cũng cảnh báo mỗi tháng phong toả sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Pháp giảm 12 điểm phần trăm theo quý và 3 điểm phần trăm theo năm. Pháp đã thực hiện lệnh phong toả toàn quốc kể từ ngày 17/3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo đó, các hoạt động kinh tế chỉ được giữ ở mức tối thiểu và chỉ tập trung vào việc ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Chính phủ Pháp dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 sẽ ở mức -1% thay vì tăng 1,3% như mục tiêu trước đây. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tăng trưởng GDP của Pháp có thể còn sụt giảm mạnh hơn nữa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Italy: Mất 60% năng lực sản xuất công nghiệp

kinh tế Italy suy thoái vì đại dịch Covid-19
Các nhà hàng cũng như các cơ sở dịch vụ tại Italy vật lộn để tồn tại khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này (Ảnh: Renata Brito/Associated Press)

Trước khi dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng GDP năm 2020 của Italy – nền kinh tế lớn thứ ba trong khối Eurozone được dự báo đạt mức 0,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Italy đã cảnh báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm 3% hoặc thậm chí hơn tuỳ thuộc vào diễn biến của đại dịch Covid-19. Italy hiện là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số người nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19.

Trong ngày 2/4, Liên đoàn công nghiệp Italy (Confindustria) cho biết sản lượng công nghiệp nước này trong quý 1/2020 dự báo giảm 5,4% - mức giảm lớn nhất trong 11 năm trở lại đây. Các chuyên gia phân tích thuộc Confindustria cho biết các hoạt động sản xuất công nghiệp tại Italy trong tháng 3/2020 đã giảm tới 16,6% so với tháng 2/2020 và đưa hoạt động sản xuất của nước này về mức thấp nhất kể từ năm 1978.

Các biện pháp phong toả và cách ly xã hội tại Italy đang khiến quốc gia này mất khoảng 60% năng lực sản xuất. Chủ tịch Confindustria Vincenzo Boccia nhận định việc các nhà máy tại Italy phải ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19 sẽ khiến nước này thiệt hại khoảng 100 tỷ EUR/tháng.

Confindustria cảnh báo “Nếu như tình trạng khủng hoảng y tế chấm dứt vào cuối tháng 5/2020 và hoạt động sản xuất dần phục hồi trở lại từ cuối tháng 4/2020 đến cuối tháng 6/2020, chúng tôi (Confindustria) dự báo tổng GDP của Italy trong nửa đầu năm 2020 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tính trung bình cả năm 2020, GDP của Italy sẽ giảm 6%. Tuy nhiên, nếu như cuộc khủng hoảng y tế kéo dài qua tháng 5/2020 thì tổng GDP của Italy sẽ giảm thêm 0,75% cho mỗi tuần hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình trệ”.

Xem thêm tại: Virus Covid-19 đào sâu thêm "hố chôn" nền kinh tế trì trệ của Italy.

Tây Ban Nha: Gói cứu trợ 200 tỷ EUR

Tây Ban Nha phong toả toàn quốc vì đại dịch Covid-19
 Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong toả toàn quốc kể từ ngày 14/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 (Ảnh: Burak Akbulut/Anadolu Agency via Getty Images)

Tây Ban Nha hiện là quốc gia chịu thiệt hại lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ, vì đại dịch Covid-19 trên thế giới. Dữ liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 3/2020, đã có hơn 300.000 người Tây Ban Nha bị mất việc làm nâng tổng số người thất nghiệp tại nước này lên mức 3,55 triệu người tương đương 7,6% tổng dân số Tây Ban Nha.

Trong khi đó, số người tham gia đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội của nước này trong tháng 3/2020 đã giảm hơn 830.000 người trong bối cảnh các biện pháp phong toả và cách ly xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các lao động tự do. Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong toả toàn quốc kể từ ngày 14/3/2020.

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ tung ra các biện pháp cứu trợ kinh tế với tổng quy mô đạt 200 tỷ EUR nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Anh: Cứu nền kinh tế bằng mọi giá

Thủ tướng Anh Borish Johnson
Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết "cứu nền kinh tế Anh bằng mọi giá" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại nước này (Ảnh: EPA)

Hãng đánh giá tín nhiệm S&P Global nhận định “Khối Eurozone và nước Anh đang phải đối mặt với một thời kỳ suy thoái kinh tế mới và dự báo GDP của khu vực Eurozone và nước Anh trong năm 2020 sẽ giảm 2% tương đương mức thiệt hại 420 tỷ EUR trước các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra”.

Các chuyên gia phân tích của S&P Global cũng cảnh báo nếu như tình hình dịch bệnh kéo dài và lan rộng thì khu vực Châu Âu sẽ đối mặt với các thiệt ngại nghiêm trọng hơn. Trong đó, nếu các biện pháp phong toả kéo dài trong vòng 4 tháng thì GDP của khu vực Eurozone sẽ giảm tới 10% trong năm 2020.

Trước các tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết “Bằng mọi giá phải cứu nền kinh tế nước Anh”.

Chính phủ Anh vừa cho biết sẽ cung cấp gói tín dụng quy mô 330 tỷ Bảng Anh (tương đương 399 tỷ USD) nhằm giúp các doanh nghiệp này vượt qua các khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trước đó, Chính phủ Anh cam kết sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 30 Bảng Anh cũng như cung cấp khoản tài chính trị giá tới 25.000 Bảng Anh cho mỗi doanh nghiệp nhỏ nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại qua các tác động của dịch bệnh.

Chính phủ Anh cũng chi trả 80% lương trong vòng ít nhất 3 tháng cho những lao động tự do với mức chi trả lên tới 2.500 Bảng Anh (tương đương 3.034 USD)/tháng.

Quang Đặng (Tổng hợp)