Cơ chế thực thi các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam và EU gia tăng và mở rộng các hoạt động giao thương sang thị trường của nhau.

Thị trường EU gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. EVFTA sẽ mang đến một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cùng với nó cũng là những thách thức và một trong những thách thức đó là rủi ro pháp lý có thể gặp phải liên quan tới pháp luật cạnh tranh hay pháp luật chống độc quyền.

Một số nguyên tắc trong thực thi cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA

Thứ nhất, nguyên tắc không phân biệt đối xử, theo đó các quốc gia thành viên Hiệp định EVFTA phải đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của các quốc gia thành viên như nhau trong việc áp dụng luật cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, các nước thành viên phải đề cao nguyên tắc trung lập về cạnh tranh trong đối xử giữa các doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền của nhà nước với các doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước. Nguyên tắc trung lập về cạnh tranh có thể được hiểu là một cơ chế điều tiết (i) trong đó các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng chịu sự điều chỉnh như nhau của một tập hợp các quy tắc và điều khoản; và (ii) không mối liên hệ nào với Nhà nước có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho một hay nhiều doanh nghiệp so với các bên tham gia thị trường khác. Liên quan đến pháp luật và chính sách cạnh tranh, nguyên tắc này có thể được hiểu theo nghĩa hẹp là các nguyên tắc cạnh tranh phải được áp dụng ngang bằng với cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, với rất ít ngoại lệ.

Thứ ba, nguyên tắc minh bạch, đây là nguyên tắc quan trọng trong các FTAs nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng. Hiệp định EVFTA khuyến khích các quốc gia càng minh bạch trong thực thi chính sách cạnh tranh càng tốt. Các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu quốc gia thành viên khác cung cấp các thông tin như: (i) Chính sách và hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh; (ii) các trường hợp miễn trừ và loại trừ áp dụng pháp luật cạnh tranh quốc gia, với điều kiên yêu cầu ghi rõ thị trường và hàng hóa có dịch vụ có liên quan và các thông tin cho thấy việc miễn trừ, loại trừ đó có tác động đến đầu tư và thương mại giữa các bên như thế nào.

Thứ tư, nguyên tắc áp dụng công bằng trong thủ tục tố tụng cạnh tranh.Theo đó, Luật Cạnh tranh hiện hành của Việt Nam điều chỉnh các hoạt động mà không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp đó bị thiệt hại do hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp khác thì được quyền bảo vệ và nếu vi phạm thì bị điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh. Đối tượng áp dụng gồm: (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. (2) Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan.

Như vậy, pháp luật Cạnh tranh của Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ  đòi hỏi của nguyên tắc, không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có quốc tịch khác nhau, tính minh bạch cũng đã được luật quy định ở mức độ nhất định, không có sự đối xử bất công giữa doanh nghiệp quốc tịch khác nhau hay các hình thức sở hữu của doanh nghiệp trong thủ tục tố tụng.

Hợp tác trong thực thi cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA

Hợp tác trong thực thi các cam kết về cạnh tranh là nội dung được quy định cụ thể tại Điều 10.14 Hiệp định EVFTA. Theo đó để hoàn thành các mục tiêu của chương về chính sách cạnh tranh và nhằm tăng cường thực thi pháp luật cạnh tranh có hiệu quả, các Bên thừa nhận rằng việc tăng cường hợp tác về phát triển chính sách cạnh tranh là vì lợi ích chung, tùy thuộc vào sự sẵn có của nguồn tài trợ theo các công cụ và chương trình hợp tác của các Bên.

evfta

Mặc dù về cơ chế, phương thức và nội dung hợp tác trong thực thi cam kết về cạnh tranh chưa được đề cập cụ thể trong Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, từ thực tiễn có thể xác định nội dung hợp tác trong thực thi cam kết về cạnh tranh có thể bao gồm:

- Hợp tác trong quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh cụ thể (case-specific cooperation). Trong các vụ việc cạnh tranh, đặc biệt là các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới, khi những thông tin/chứng cứ phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật cạnh tranh không còn giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, mà vượt ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia, có liên quan tới nhiều quốc gia thành viên Hiệp định EVFTA thì việc hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh là rất cần thiết thông qua những hoạt động cụ thể sau:

+ Chia sẻ thông tin vụ việc: thông tin liên quan đến tình trạng vụ việc (đã, đang trng quá trình hoặc đã kết thúc điều tra); thông tin về vụ việc đã được công bố. Chia sẻ thông tin kinh tế liên quan đến vụ việc…

+ Chia sẻ tài liệu/chứng cứ vụ việc;

+ Tham khảo phương thức, lý thuyết áp dụng trong điều tra xử lý vụ việc (lý thuyết tác hại (theory of harm), lý thuyết vi phạm (theory of violations));

+ Phối hợp cùng hành động để thu thập chứng cứ (khám xét);

+ Hỗ trợ cơ quan cạnh tranh nước bạn trong việc điều tra thu thập chứng cứ đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh diễn tra trên phạm vi lãnh thổ nước nươc;

+ Tham khảo phương thức đánh giá vụ việc, thảo luận đưa ra kết luận xử lý vụ việc qua đó sẽ giúp giảm thiểu xung đột/khác biệt trong kết quả xử lý cùng một vụ việc (bởi các cơ quan cạnh tranh khác nhau) và nhờ đó có thể đưa ra phương thức/quyết định xử lý vụ việc thoả đáng;

+ Sử dụng kết quả của cơ quan cạnh tranh nước bạn phục vụ công tác điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan.

- Hợp tác không qua các vụ việc cụ thể (non-case-specific cooperation). Bên cạnh hợp tác để điều tra và xử lý trong một vụ việc cụ thể, các cơ quan cạnh tranh của các quốc gia thành viên Hiệp định EVFTA còn có thể triển khai các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi luật và chính sách cạnh tranh. Đó là những hoạt động hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh thông qua:

+ Tham gia diễn đàn cạnh tranh (hội nghị, hội thảo, toạ đàm, khoá đào tạo, tập huấn, khảo sát về cạnh tranh) quốc tế nhằm học tập kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nâng, thảo luận những nội dung quan trọng… nhằm cao năng lực thực thi luật và chính sách cạnh tranh của các cơ quan cạnh tranh;

+ Trao đổi chuyên gia, cán bộ thực tập, hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực về xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật cạnh tranh;

+ Tham gia triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật cạnh tranh trong và ngoài khu vực;

+ Xây dựng và xuất bản ấn phẩm chung về cạnh tranh.

Như vậy, hợp tác quốc tế trong thực thi luật và chính sách cạnh tranh trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA khi được triển khai sẽ mang đến nhiều lợi ích cho cơ quan cạnh tranh của cả hai bên trong quá trình thực thi luật và chính sách cạnh tranh, cụ thể là hỗ trợ công tác điều tra vụ việc cạnh tranh và tăng cường năng lực thực thi luật và chính sách cạnh tranh.

Quá trình các cơ quan cạnh tranh của hai bên phối hợp với nhau/hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ giúp cho các cơ quan cạnh tranh có cơ hội cập nhật kiến thức mới về thực thi luật và chính sách cạnh tranh, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ phương thức làm việc hiệu quả, bổ sung kinh nghiệm cho nhau qua đó hình thành và phát triển những phương pháp làm việc/thông lệ tốt.

Đây là một trong những kênh hiệu quả giúp tăng cường năng lực thực thi luật và chính sách cạnh tranh cho cả hai bên. Thông qua vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới, kinh nghiệm có được trong hợp tác có thể được áp dụng vào vụ việc trong nước giúp cơ quan cạnh tranh tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh đối với vụ việc cạnh tranh trong nước.

Ngoài ra, hợp tác quốc tế còn giúp cơ quan cạnh tranh hai bên có thể đạt được nhiều phương diện lợi ích khác. Đối với các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới, quá trình phối hợp điều tra cùng nhau giữa các cơ quan cạnh tranh sẽ giúp cho vụ việc được tiến hành điều tra một cách minh bạch hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh hầu hết cơ quan cạnh tranh còn có sự hạn chế đáng kể về nguồn lực, thì quá trình hợp tác sẽ giúp tránh được việc lãng phí nguồn lực do trùng lắp hoạt động khi nhiều cơ quan cạnh tranh cùng điều tra và xử lý cùng một vụ việc.

Cơ quan cạnh tranh của một bên có thể sử dụng phương thức xử lý và kết quả điều tra vụ việc cạnh tranh của của cơ quan bên kia khi biết rằng cơ quan cạnh tranh đó đang xử lý cùng một vụ việc và cách thức xử lý vụ việc cạnh tranh của cơ quan bạn giải quyết được những quan ngại về cạnh tranh tương tự như của cơ quan mình. Thông qua quá trình hợp tác/phối hợp trong điều tra và xử lý vụ việc, về lâu dài sẽ trở thành công cụ thúc đẩy việc hài hoà hoá quy định pháp luật cũng như quy trình thủ tục trong thực thi pháp luật cạnh tranh giữa hai bên.

Ngoài ra, hợp tác còn giúp tăng cường hiểu biết, tạo dựng niềm tin, thắt chặt quan hệ bền chặt giữa các cơ quan cạnh tranh hai bên; hỗ trợ thực hiện đầy đủ cam kết về cạnh tranh mà hai bên đã đặt ra.

Mặt khác, một lợi ích cũng không kém phần quan trọng là hợp tác quốc tế còn giúp cho cơ quan cạnh tranh có thể tăng cường được uy tín, tiếng nói của cơ quan cạnh tranh. Khi có vấn đề trong nước khó giải quyết, việc áp dụng thông lệ quốc tế để giải quyết cũng là một phương cách hữu ích và điều này cũng không ngoại lệ trong điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh.

Để triển khai hoạt động hợp tác, các cơ quan cạnh tranh cần lưu ý đến một số chi phí/khó khăn nhất định như:

+ Chi phí về nguồn lực để tiến hành hoạt động hợp tác, đó là chi phí đầu tư đào tạo con người với kiến thức chuyên môn về hợp tác quốc tế; chi phí tài chính, thời gian dành để triển khai hoạt động hợp tác như chi phí bố trí đi lại, tổ chức cuộc họp, gặp gỡ, trao đổi;

+ Khác biệt về khuôn khổ pháp lý nói chung và về khuôn khổ luật và chính sách cạnh tranh nói riêng. Những khác biệt này bao gồm cả sự khác nhau về khung thời gian tiến hành điều tra, xử lý vụ việc; lượng thời gian cho phép đối với từng giai đoạn khác nhau của vụ việc. Đây là những rào cản không nhỏ trong quá trình phối hợp điều tra xử lý vụ việc;

+ Khó khăn về những thủ tục hành chính liên quan trong quá trình hợp tác. Rào cản ngôn ngữ, cách xa về mặt địa lý, chênh lệch múi giờ. Đặc biệt là quy định về bảo mật thông tin của từng quốc gia là những điều mà cơ quan cạnh tranh cần phải tính đến khi tham gia vào hoạt động hợp tác quốc tế trong thực thi luật và chính sách cạnh tranh.

Hoàng An