Chuyên gia đưa ra 8 bước xử lý sự cố rò rỉ axit sunfuric (H2SO4) tại An Giang

Trong trường hợp phát sinh hơi khí độc ra diện rộng cần phun nước dạng màng sương từ khoảng cách xa nhất có thể để dập hơi. Tuyệt đối không phun nước vào khu vực đang có chứa hóa chất lỏng...

Liên quan tới thông tin xử lý sự cố bị rò rỉ hơn 2,8 tấn axit sunfuric (H2SO4) của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày 27/9 vừa qua, trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương ông Vương Thành Chung, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương cho rằng, các bên liên quan cần nhanh chóng thực hiện 8 bước.

Bước 1: Trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp cho các cán bộ tham gia ứng phó, khắc phục sự cố trên.

Bước 2: Cô lập dòng chảy của hóa chất bằng cách sử dụng các vật liệu đơn giản, có sẵn như cát, tấm thấm hút để quây xung quanh khu vực hóa chất lỏng bị tràn đổ, sau đó sử dụng các vật liệu thấm hút chuyên dụng hoặc cát khô để thâm hút hóa chất tràn đổ hạn chế hóa chất phát tán ra diện rộng.

Bước 3: xác định nguyên nhân rò rỉ, sử dụng các phương án kĩ thuật để khắc phục vết rò rỉ.

Bước 4: Kiểm tra và đo lượng H2SO4 rò rỉ, nồng độ hơi hóa chất trong không khí để xác định lượng hóa chất đã rò rỉ ra ngoài và xác định các khu vực nguy hiểm.

Bước 5: Dùng biển cảnh báo đặt biển cảnh báo nguy hiểm “CẤM LẠI GẦN”;

Bước 6: Hành động xử lý rò rỉ và tràn đổ: Các nhân viên trong đội ứng phó xử lý sự cố hóa chất sử dụng thiết bị bảo hộ lao động phù hợp ( quần áo chống hóa chất, găng tay, ủng, kính chống hóa chất, mặt nạ phòng độc, SCBA đối với cán bộ tham gia ứng phó trực tiếp tại vùng trong)

Dùng các vật liệu (cát) và thùng chứa (dạng IBC) thích hợp để thu gom, giữ khô tất cả các vật liệu và chất thải sau thu gom.

Trong trường hợp phát sinh hơi khí độc ra diện rộng cần phun nước dạng màng sương từ khoảng cách xa nhất có thể để dập hơi. Tuyệt đối không phun nước vào khu vực đang có chứa hóa chất lỏng;

Sau khi khắc phục sự cố thành công, sử dụng nước vôi trong để trung hòa khu vực nhiễm độc do axit để lại. Chú ý trong quá trình này vẫn tiếp tục đắp cát xung quanh để hạn chết sự cố lan rộng và tiếp tục sử dụng vật liệu thấm hút để thu hồi dung dịch trung hòa. Sau khi trung hòa đến 1 mức độ an toàn, sử dụng nước sạch để tẩy rửa khu vực sự cố, điều hướng dòng chảy về hố thu gom và thu gom xử lý.

Lưu ý: đây là hóa chất độc, ăn mòn mạnh.

Bịt kín nguồn rò rỉ hoặc tràn đổ (lỗ, khe hở) nếu có thể.

Không xả nước hoặc chạm vào hóa chất tràn đổ.

Phun sương để giảm nồng độ hơi.

Không để hóa chất tràn rộng, sử dụng gờ hoặc ngăn nếu cần.

Ngắt hoặc di dời mọi nguồn phát nhiệt.

Tiến hành rửa khu vực rò rỉ, xe chở cho tới môi trường trung tính.

Toàn bộ chất thải sau khi xử lý được quản lý và đựng vào thùng chứa chất thải nguy hại, chuyển Công ty xử lý chất thải nguy hại xử lý.

Bước 7:  Thông báo cho các nhân viên và khách hàng trở lại hoạt động bình thường sau khi ứng phó thành công.

Bước 8: Họp tổng kết báo cáo rút kinh nghiệm về sự cố xảy ra.

sự cố hóa chất
Ông Vương Thành Chung, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất (cầm bộ đàm) hướng dẫn diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Hải Phòng

Trước đó, ngành chức năng tỉnh An Giang cho biết, đang khẩn trương xử lý sự cố bị rò rỉ hơn 2,8 tấn axit sunfuric (H2SO4) của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân tràn ra bên ngoài.

Địa phương đang cùng các ngành chức năng của tỉnh An Giang đang khẩn trương xử lý khắc phục sự cố rò rỉ 2,8 tấn axit sunfuric (H2SO4) xảy ra tại công ty TNHH MTV JIC Việt Nam (Công ty JIC Việt Nam), tại Cụm Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Tân Trung, xã Tân Trung (Phú Tân, An Giang).

Theo báo cáo tối 13/9, nhân viên môi trường của Công ty JIC Việt Nam phát hiện lượng axit sunfuric bị rò rỉ tại khu vực xử lý nước thải. Hiện trạng khu vực chứa có 2 bồn hóa chất (1 bồn chứa axit sunfuric 60% chứa 4 tấn, 1 bồn chứa axit sunfuric 6% chứa 4 tấn); xung quanh 2 bồn chứa được đặt trong bể có thể tích là 7 khối để phòng ngừa lượng axít rò rỉ ra bên ngoài.

Phòng TN&MT huyện Phú Tân báo cáo lãnh đạo huyện, ngành chức năng tỉnh An Giang. Sau đó, Sở TN&MT, Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, công an tỉnh An Giang đến khảo sát sự cố tại hiện trường.

Qua khảo sát, có khoảng 2,8 tấn axit sunfuric thoát ra bên ngoài, đã thu hồi khoảng 500 kg được chứa trong thùng nhựa. Lượng còn lại không rõ bao nhiêu thất thoát ra bể xử lý nước thải dự phòng.

sự cố hóa chất
Hiện trường sự cố tràn axit sunfuric tại công ty JIC Việt Nam, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Nguyên nhân sự cố được xác định do đường ống dùng để kiểm tra lượng axit sunfuric trong bồn chứa tại khu vực xử lý nước thải bị nứt. Van bên ngoài của bể chứa axit sunfuric đang trong trạng thái mở nên một lượng axit sunfuric tràn đổ vào khu vực bể xử lý nước thải dự phòng (trong bể có đặt tấm lót nhựa HDPE), tuy nhiên chưa rõ lượng axit sunfuric có khả năng thấm vào lớp đất, cát phía dưới đáy bể hay không.

Sau khi xảy ra sự cố, công ty đã sử dụng vôi để trung hòa axit sunfuric. Phần nước trong được thu gom về hệ thống xử lý nước thải để xử lý. Bên cạnh đó, lượng cặn thu gom tập kết để trong khu vực lưu giữ chất thải nguy hại để tiến hành xử lý theo quy định.

Thăng Long