Cần thận trọng khi xác định giá trị doanh nghiệp

Trong khi hệ thống ngân hàng chưa đủ khả năng để cung cấp nguồn vốn cho phát triển kinh tế- xã hội, thì nhiều doanh nghiệp có tiềm năng chưa muốn cổ phần hoá (CPH) để tham gia vào Thị trường Chứng kho

Đổi… nhưng vẫn chậm!

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tiếp tục sắp xếp và đổi mới DNNN tổ chức vừa qua tại Hà Nội, để đạt được mục tiêu tăng truởng kinh tế 7,5%/năm trong kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2001- 2005 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra, thì 2 năm còn lại (2004- 2005), mỗi năm, nền kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% (vì trong vòng 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP mới chỉ đạt khoảng 7,1%). Muốn vậy, một trong những giải pháp có tính đột phá là phải nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh của khối DNNN, mà trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH)...Thế nhưng cho đến nay, sau gần 13 năm triển khai, bên cạnh những thành công, thì thực tế quá trình CPH DNNN vẫn chưa đạt yêu cầu! Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, trong thời gian 3 năm 2001- 2003, cả nước mới CPH được 979 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, bằng 71,6% tổng số doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp phải thực hiện CPH theo kế hoạch. Riêng năm 2003, CPH được 611 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, bằng 244,4% năm 1999 (năm có số lượng doanh nghiệp CPH cao nhất). Thống kê trong số các doanh nghiệp đã thực hiện CPH trong 2 năm 2002-2003, bình quân Nhà nước giữ 38% vốn điều lệ, cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp mua 54% vốn điều lệ, còn 8% là cổ đông bên ngoài góp vốn. Ngoài ra, số doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối chiếm 26% tổng số doanh nghiệp đã CPH.

                Về hiệu quả sản xuất- kinh doanh, qua khảo sát 500 doanh nghiệp đã hoàn thành việc chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty CP và đa dạng sở hữu trong năm 2003 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có những chuyển biến tích cực. Vốn điều lệ tăng 50%, doanh thu tăng 60%, lợi nhuận trước thuế tăng 137%, nộp ngân sách tăng 45%, thu nhập người lao động tăng 63% và quan trọng hơn, số lượng lao động cũng tăng trên 13%... Điều này chứng tỏ rằng, chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là một hướng đi đúng.

                Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, nhìn một cách tổng thể quá trình sắp xếp DNNN nói chung và CPH nói riêng trong 3 năm 2001- 2003, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp vẫn còn chậm, so với kế hoạch đặt ra, chỉ đạt 60%. Thống kê cho hay, cả nước hiện vẫn còn 4.296 DNNN, với tổng số vốn 189.000 tỷ đồng (vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp 44,99 tỷ đồng), nhưng số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn chiếm tới 47%. Tổng số vốn lưu động của DNNN khoảng 45.000 tỷ đồng, trung bình một doanh nghiệp khoảng 10 tỷ đồng, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên nguồn vốn thực tế cho sản xuất- kinh doanh chỉ vào khoảng 50%. Mặt khác do vay nhiều, nên hàng năm, các DNNN phải trả lãi vay khoảng 3.000 tỷ đồng, bằng khoảng 15% tổng lãi phát sinh của DNNN. Nợ xấu tuy đã giảm so với năm 2002, nhưng năm 2003, vẫn ở ngưỡng gần 5.000 tỷ đồng. Số lao động thiếu việc làm hoặc dôi dư còn khoảng 20%... Riêng đối với các tcty, một trong những loại hình DNNN được coi là trụ cột của nền kinh tế, thì thực tế vốn vẫn còn quá bé nhỏ. Bình quân, vốn của các tcty 90 chỉ vào khoảng 274 tỷ đồng, bằng 54,8% yêu cầu (Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN), còn các tcty 91, lại đang có xu hướng làm ăn kém hiệu quả. Năm 2003, doanh thu chỉ bằng 96,18% so với năm 2002 và nộp ngân sách cũng chỉ bằng 83,6%...

                  Điều đáng nói, bên cạnh một số doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế, trước năm 2003, Nhà nước chưa có chủ trương CPH, thì vẫn còn không ít doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực mà đáng ra Nhà nước không cần nắm giữ hoặc có quy mô nhỏ, hiệu quả làm ăn kém, thua lỗ kéo dài phải chuyển đổi, song đến nay vẫn không chịu CPH hoặc chuyển đổi theo mô hình mới. Thêm vào đó, hầu hết những DNNN đã thực hiện CPH thời gian qua đều ở quy mô nhỏ, vốn ít, bình quân vốn của Nhà nước khoảng 24 tỷ đồng. Còn những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, tuy đã có chủ trương 13 năm rồi, song vẫn trong tình trạng "nằm chờ" và "nghe ngóng".

Nguyên nhân của việc CPH và sắp xếp DNNN chậm trễ, theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có 3 nguyên nhân cơ bản. Đó là, vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của công tác sắp xếp đổi mới doanh ghiệp của nhiều cấp bộ, ngành, địa phương còn kém. Thêm vào đó, khâu tổ chức và chỉ đạo của các cấp, ngành lại không triệt để, thiếu đồng bộ; Việc thể chế hóa các văn bản pháp quy còn chậm (cuối năm 2003, mới phê duyệt xong đề án sắp xếp và đổi mới DNNN ở cấp bộ, ngành). Trong khi đó, theo Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2002- 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến năm 2005, trong tổng số 4.722 DNNN hiện có, sẽ chỉ còn lại 1.931 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (41%), 2.791 doanh nghiệp sẽ phải sắp xếp lại (trong đó, CPH 2.053 doanh nghiệp, bao gồm: 1.042 doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối và 1.011 doanh nghiệp Nhà nước không giữ cổ phần chi phối) và các hình thức khác như giao, bán, khoán, cho thuê là 738 doanh nghiệp.

Dự kiến là vậy, song cứ đà này, liệu khi kết thúc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2001- 2005, các chỉ tiêu về sắp xếp và đổi mới DNNN có thực hiện được hay không? Và việc "kỳ vọng" vào một thị trường chứng khoán lớn mạnh, kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng cho phát triển kinh tế có trở nên hiện thực hay không?

Đột phá bằng cách nào?

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2001- 2005 và chiến lược 10 năm, cũng như các mục tiêu về sắp xếp, đổi mới DNNN, bên cạnh một số giải pháp đã, đang và sẽ được các cấp, các ngành đề ra, như việc ban hành một số nghị định liên quan đến việc thành lập, tổ chức, giải thể, phá sản công ty nhà nước; Nghị định về quyền sở hữu đối với công ty Nhà nước; Sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/1999 và Nghị định 41/2002/NĐ-CP về giao, bán, khoán và kinh doanh DNNN...(do Bộ Kế hoạch -Đầu tư soạn thảo) và một số văn bản pháp quy khác của các bộ, ngành liên quan. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa việc CPH ở những DNNN có quy mô tương đối lớn, trong đó có cả những tổng công ty nhà nước nằm trong nhóm độc quyền như: Điện, Hàng không, Bưu chính- Viễn thông, Ngân hàng quốc doanh, Hóa chất... Vì những ngành này, hiện đang giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và cũng chính là những doanh nghiệp lâu nay thường hoạt động theo kiểu "biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp để hưởng lợi" (PV). Và như vậy, nếu CPH thành công các tổng công ty này, sẽ có tác dụng rất lớn đến sự phát triển kinh tế.

                Dự kiến trong năm 2004, sẽ thí điểm việc CPH theo hình thức Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với một số doanh nghiệp: Tổng Công ty XNK và xây dựng, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh (CPH bằng cách phát hành cổ phiếu để huy động vốn và tăng vốn điều lệ); Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty xây dựng Thương mại giao thông (bán một phần vốn Nhà nước kết hợp với phát hành thêm cổ phiếu). Đồng thời, tiến hành CPH một số nhà máy: Điện Sông Hinh- Vĩnh Sơn; Thác Bà, Nhiệt điện Ninh Bình; Xi mămg Bút Sơn… Và đặc biệt, việc phát hành cổ phiếu ở những tổng công ty nói trên phải được thực hiện thông qua Thị trường Chứng khoán (nghĩa là CPH phải gắn liền với việc đưa cổ phiếu ra sàn giao dịch, trách tình trạng khép kín trong nội bộ như lâu nay). Làm như thế, vừa không những nâng cao được tính minh bạch trong hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp (cái yếu nhất của đại bộ phận DNNN hiện nay) mà còn "tạo" và thu hút được một lượng vốn lớn cho phát triển kinh tế, cái mà một mình hệ thống ngân hàng vẫn không thể đảm đương nổi!

                Song, sẽ không hiệu quả trong việc chuyển đổi DNNN và CPH, nếu như không "cẩn thận" ở khâu thẩm định giá. Vì khâu này, nếu không làm tốt, hậu quả sẽ khôn lường. Bài học nhãn tiền về việc ồ ạt tư nhân hoá hàng loạt các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng ở Nga những năm trước, theo kiểu "đục nước béo cò" dẫn đến dự "lũng đoạn" của một số tài phiệt, gây bất ổn trên chính trường và xã hội Nga thời gian qua là một minh chứng!

Xác định giá trị thương hiệu… nếu không sẽ bị hớ!

Một trong những nguyên nhân chưa thu hồi được số nợ đọng của doanh nghiệp khi thực hiện CPH, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm, chính là khâu xác định giá trị doanh nghiệp kém. Thông thường lâu nay, khi tiến hành định giá doanh nghiệp, chúng ta chỉ chú tâm vào khâu xác định giá trị thực dựa trên số tài sản của doanh nghiệp đó, mà không quan tâm đến khâu xác định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến tình trạng số "lỗ" khi định giá tài sản doanh nghiệp để tiến hành CPH, không có khả năng trả nợ là "thật", còn phần lãi "thật" từ khâu xác định giá trị của thương hiệu thì lại "ngủ quên". Điển hình có những doanh nghiệp, khi định giá lúc đầu để CPH chỉ vào khoảng mươi tỷ đồng, nhưng khi mời tư vấn nước ngoài đến định giá, thì mới ngả ngửa, hoá ra giá trị đích thực của doanh nghiệp (giá trị tài sản và giá trị thương hiệu) lên tới con số hàng trăm tỷ đồng. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Theo Ông Mai Quốc Bình, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nếu chỉ định giá tài sản của Tcty này dựa vào tài sản cố định như lâu nay, thì chỉ vào khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng nếu đánh giá dựa trên giá trị tài sản và giá trị thương hiệu của Công ty, thì số tiền đó sẽ lớn gấp 20 lần. Rõ ràng dựa vào cách đánh giá trên, thì trong thời gian qua, mặc dù mới chỉ thí điểm CPH ở những công ty loại nhỏ, nhưng chắc chắn, việc định giá "hớ" giá trị doanh nghiệp là không thể tránh khỏi.

                Do đó, để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính Phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài, nhằm giúp doang nghiệp xác định giá trị thương hiệu, một loại tài sản tuy là vô hình, nhưng rất tiềm năng và đang còn bỏ ngỏ tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ này cũng đang tiến hành phương thức bỏ cơ chế định giá thông qua hội đồng, mà tiến hành định giá thông qua các tổ chức kế toán, kiểm toán kết hợp với tư vấn nước ngoài, để tạo điều kiện nâng cao uy tín và nâng cao giá trị doanh nghiệp khi CPH. Đồng thời, bổ sung thêm giá trị hữu hình và vô hình, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị vườn cây, rừng trồng vào giá trị doanh nghiệp, để thực hiện việc bán cổ phần hoặc bán đấu giá doanh nghiệp...Với những phát hiện kịp thời và giải pháp trên, hy vọng rằng trong thời gian tới, khi tiến hành CPH DNNN, chúng ta sẽ không bị "đấu giá hớ" như hiện tại.

  • Tags: