Các nguyên tắc của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Các nguyên tắc của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Nguyễn Phương Ân (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ ngày càng phát triển không chỉ giới hạn bởi biên giới quốc gia mà còn mở rộng ra khu vực và quốc tế, pháp luật điều chỉnh quan hệ tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Tại Việt Nam, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, gồm 7 Chương, 80 Điều luật. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các nguyên tắc chung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 thông qua 3 nội dung chính, gồm: (1) Giới thiệu khái niệm nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (2) Vai trò của các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và (3) Nội hàm các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ khóa: người tiêu dùng, nguyên tắc, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

1. Khái niệm nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1.1. Khái niệm người tiêu dùng

Tiêu dùng là một phần tất yếu của quy luật “cung - cầu” trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sáng tạo, sản xuất ra để thỏa mãn các nhu cầu của xã hội. Theo Từ điển Cambridge, người tiêu dùng (consumer) là “người mua hàng hóa hoặc dịch vụ để sử dụng cho riêng mình”[1]. Còn theo Từ điển Luật học Black’s Law, người tiêu dùng là “người mua hàng hoặc dịch vụ để sử dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình mà không có ý định bán lại, là con người tự nhiên sử dụng sản phẩm cho mục đích cá nhân chứ không phải nhằm mục đích kinh doanh”[2].

Tham khảo pháp luật một số quốc gia, khái niệm người tiêu dùng cũng được tiếp cận dưới phương diện là một cá nhân. Đơn cử tại Hoa Kỳ, “người tiêu dùng là cá nhân tham gia giao dịch với mục đích chủ yếu vì nhu cầu cá nhân hoặc sinh hoạt hộ gia đình”[3]. Tại Đức, khái niệm này được giải thích rõ trong Bộ luật Dân sự năm 2002 “là bất cứ cá nhân nào tham gia giao dịch không thuộc phạm vi hoạt động kinh doanh, thương mại hoặc nghề nghiệp của người này”[4]. Quy định này có nét tương đồng với khái niệm người tiêu dùng theo Đạo luật quyền lợi người tiêu dùng năm 2015 ở Anh; theo đó người tiêu dùng là “một cá nhân hành động vì những mục đích hoàn toàn hoặc chủ yếu nằm ngoài hoạt động thương mại, kinh doanh, nghề thủ công hoặc nghề nghiệp của cá nhân đó”[5].

Tại Việt Nam, khái niệm người tiêu dùng lần đầu tiên được ghi nhận chính thức tại Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Và khái niệm này tiếp tục được ghi nhận trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, sắp tới đây, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức phát sinh hiệu lực, khái niệm “người tiêu dùng” sẽ được tiếp cận dưới góc độ đầy đủ hơn, cụ thể đây là “người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

1.2. Khái niệm nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Từ khái niệm về người tiêu dùng, với mục đích tham gia giao dịch là để “tiêu dùng, sinh hoạt”, không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại, có thể thấy người tiêu dùng sẽ là “người cuối cùng” tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Do đó, đây là đối tượng được (hoặc bị) ảnh hưởng nhiều nhất từ chất lượng của hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, cả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đều không đưa ra khái niệm thế nào là quyền lợi của người tiêu dùng, mà thể hiện dưới dạng liệt kê các nhóm quyền mà người tiêu dùng được đảm bảo. Tuy nhiên, bằng cách trao cho người tiêu dùng những ưu tiên đặc biệt, có thể hiểu nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chính sách bảo đảm cho quyền lợi của người tiêu dùng được đồng nhất, góp phần đảm bảo cho việc tiêu dùng trở nên văn minh, bền vững, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội, mang tính bắt buộc các chủ thể thực hiện quyền của người tiêu dùng phải có trách nhiệm thực hiện tuân theo.

2. Vai trò của các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Các phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ của các đối tượng cũng ngày càng phức tạp tinh vi[6]. Bên cạnh đó, với sự ra đời của thương mại điện tử với đặc thù là phương thức giao kết hợp đồng qua mạng, quyền lợi của người tiêu dùng cũng phần nào bị ảnh hưởng. Bởi lẽ khi xác lập giao kết từ xa, người tiêu dùng thường không được tiếp xúc trực tiếp và kiểm tra chất lượng sản phẩm (cho đến khi đã đồng ý giao kết hợp đồng), không được tham gia vào quá trình soạn thảo các mẫu hợp đồng, điều khoản giao kết mà hoàn toàn do doanh nghiệp đơn phương và chủ động soạn thảo, áp dụng. Chính vì vậy, vấn đề về vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng từ những giao kết chưa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật cũng đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp[7]... Để hạn chế vấn đề này, việc nắm vững nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phương pháp hữu hiệu, như một kim chỉ nam tạo nên hành lang pháp lý quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Đây cũng là tinh thần được Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc Tổng cục Quản lý thị trường và 63 Sở Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 trên cả nước về tình hình cung ứng hàng hóa với “mục tiêu cuối cùng phải hướng đến là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng”[8].

3. Nội dung nguyên tắc cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Phù hợp với tinh thần của pháp luật Thương mại, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được dựa trên những quan điểm chỉ đạo và định hướng như sau:

Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Tương tự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010[9], Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng đề ra trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và xã hội.

Về phía Nhà nước, quy định tại Điều 74 Luật năm 2023, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, pháp luật nước ta cũng khẳng định việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không phải là nghĩa vụ đặt ra chỉ riêng cho Nhà nước, xã hội, đây còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. So với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, tinh thần của nhà lập pháp đã mở rộng hơn trách nhiệm chung, để mọi tổ chức xã hội, cơ quan, cá nhân đều có thể thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và phát huy sự chủ động trong hoạt động bảo vệ quyền lợi của chính họ - những người tham gia vào quan hệ tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập. Theo định hướng này, Nhà nước khuyến khích tôn vinh người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân khác tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu thụ sản phẩm[10]. Điều này phù hợp với sự bổ sung hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội tại Chương IV Điều 48. Có thể thấy, việc xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng rất cần thiết. Bởi trong thời đại bùng nổ công nghệ số, việc dùng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán sản phẩm hàng hóa nhập lậu, giả mạo thương hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng lan rộng, do đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, toàn dân và xã hội.

Thứ hai, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Nếu như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đặt ra 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng[11], là quyền được bảo đảm an toàn; được cung cấp thông tin; được lựa chọn; được đóng góp ý kiến; được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; được yêu cầu bồi thường thiệt hại; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, với sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng được bổ sung thêm 3 nhóm quyền. Đó là được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công; và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, các quy định về quyền của người tiêu dùng tại Việt Nam phù hợp với hướng dẫn chung của Liên hợp quốc về Bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải nâng cao đạo đức kinh doanh, hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và bền vững; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng[12]. Các hành vi bị cấm đặt ra với các chủ thể này cũng rất minh thị tại Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Không chỉ vậy, trước những hình thức kinh doanh mới xuất hiện trong thời đại công nghệ số, pháp luật cũng đặt ra những quy định chặt chẽ, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể những đối tượng này không được thực hiện các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này.

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đặt ra các quy định nghiêm cấm chủ thể này thực hiện các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 10, được đánh giá là có sự tương thích với pháp luật cạnh tranh[13]. Có thể thấy, nguyên tắc quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật như một kim chỉ nam, định hướng xuyên suốt các chế định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người cuối cùng trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi cung ứng trên thị trường.

Thứ ba, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được chủ động thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Trước những hậu quả khó lường, cùng tốc độ phát triển của thị trường tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần xử lý nhanh chóng, cấp tốc, nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy về kinh tế và sức khỏe con người, rất khó khắc phục. Nhanh chóng ngăn chặn, chủ động phòng ngừa sẽ giúp giảm bớt thiệt hại cho chính người tiêu dùng và những đơn vị tổ chức, sản xuất bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được xử lý một cách công bằng, minh bạch. Bởi lẽ bản chất của giao dịch trong mua sắm, tiêu dùng là một dạng hợp đồng, một sự tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để bên mạnh hơn lấn át bên yếu thế hơn và gây thiệt hại to lớn tới lợi ích chung của xã hội. Không chỉ vậy, người tiêu dùng thông thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh, do đó pháp luật cần có các quy định đặc thù để đảm bảo sự cân bằng trong các quan hệ này, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, người tiêu dùng cũng có các nghĩa vụ tương ứng trong quá trình tiêu dùng sản phẩm. Đây là quy định nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thứ tư, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác.

Cần hiểu rằng, các quy định của Luật hướng tới việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể này. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải là hạn chế quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp, mà góp phần tránh tạo ra những kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng quyền lợi của người tiêu dùng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Mục đích pháp luật hướng tới nhằm sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, từ đó bên cạnh việc bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bản thân người tiêu dùng cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này, không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường. Bởi nếu người tiêu dùng ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, kiên quyết tẩy chay các loại hàng hóa này thì tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ không có đầu ra tiêu thụ. Cung không có cầu ắt hẳn tự triệt tiêu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng còn góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh. Điều này cũng phù hợp với tinh thần chung của Luật, tránh việc tạo ra cơ chế khiếu nại tràn lan không có cơ sở, hướng tới tiêu dùng bền vững một cách hiệu quả.

Thứ năm, bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Không nằm ngoài tinh thần của Hiến pháp[14], Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có quy định riêng về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đây được đánh giá là quy định mới, phù hợp với tinh thần bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt mà nguyên tắc chung đã đề ra. Theo đó đây là những người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Những đối tượng này bao gồm: Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em; Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật; Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, những chủ thể trên còn được được hưởng các quyền, chính sách ưu tiên như khi có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng, phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đặc biệt khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch[15], cũng như không được từ chối giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tiêu dùng dễ bị tổn thương do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán[16]. Có thể thấy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện, công bằng, bình đẳng quyền lợi chính đáng của người dân.

Ngoài ra, các quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, bảo đảm an toàn đo lường, trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, chính sách bảo hành, trách nhiệm tiếp cận và giải quyết phản ánh, khiếu nại hay bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cũng là những quy định phù hợp, tuân thủ nguyên tắc chung để hướng đến thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đa dạng hóa các kênh phân phối hiện đại, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

4. Kết luận

Đứng trước nhu cầu bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan, trong đó trọng tâm là quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được thông qua đã đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết, phù hợp với thời đại công nghệ thương mại. Với những nguyên tắc là hành hang pháp lý nêu trên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có đủ căn cứ pháp lý để triển khai các quy định vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời, bảo đảm hiệu lực, tính khả thi của các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng đến xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1.https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/consumer

2 Garner, Bryan A (2009), “Black’s Law Dictionary”, 9th edn, St, Paul, MN: West, 2009, tr. 358

3 Michael L. Rustad (2007). Everyday Law for Consumers, Paradigm Publishers, page 2

4 Article 13, German Civil Code (BGB) 2002

5 Section 2, UK Consumer Rights Act 2015

6 Phương Thúy (2023). “Triệt phá ổ nhóm sản xuất thực phẩm chức năng giả cực kỳ tinh vi tại Hà Nội”. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/triet-pha-o-nhom-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang-gia-cuc-ky-tinh-vi-tai-ha-noi-105676.htm

7 Phan Trang (2023). “Bộ trưởng Bộ Công Thương: Mục tiêu cao nhất của quản lý thị trường không phải là xử phạt thật nhiều tiền”. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/bo-truong-cong-thuong-muc-tieu-cao-nhat-cua-quan-ly-thi-truong-khong-phai-la-xu-phat-that-nhieu-tien-102230831190756001.htm

8 Phan Trang (2023), tlđd

9 Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010

10 Khoản 1 Điều 7 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

11 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010

12  Khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

13 Khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

14 Điều 16 Hiến pháp năm 2013

15 Điểm d khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

16 Điểm c khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

The principles of the Law on Protection of Consumers’ Rights

Master. Nguyen Phuong An

Ho Chi Minh City University of Law

Abstract:

As goods and services are increasingly traded regionally and internationally, the Law on Protection of Consumers’ Rights is receiving more attention. In Viet Nam, on June 20, 2023, the National Assembly passed the Law on Protection of Consumers’ Rights with 07 Chapters and 80 Articles. This paper analyzes this law’s general principles. The paper has three main contents: (1) Introduction to the concept of consumer rights protection principles; (2) The role of consumer rights protection principles; and (3) Content of consumer rights protection principles.

Keywords: consumer, principle, the Law on Protection of Consumers’ Rights.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]

Tạp chí Công Thương