Bộ Công Thương: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng "cơ hội mới" tại thị trường trong nước

Bộ Công Thương đã chủ động và thể hiện tốt vai trò vận động, kết nối hệ thống phân phối trong nước để giải phóng lượng lớn hàng hóa, giảm áp lực cho xuất khẩu.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, không để đứt gãy cung ứng

Đây là vấn đề cấp bách trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 đã được Bộ Công Thương chủ động thực hiện có hiệu quả cao. Bộ Công Thương đã bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân, các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa thiết yếu cần được hỗ trợ kịp thời, tránh xảy ra đứt gãy trong quá trình cung ứng. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân trong và cả sau dịch, tiếp tục có những giải pháp để khai thác triệt để những cơ hội, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trong nước để vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động kinh doanh, phục hồi và dần đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới.

hàng hóa tết
Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng

Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành. 

Thực hiện gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ thương mại điện tử (giai đoạn I), nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ của mình trên hệ thống này, ngoài ra Trục còn được kết nối với các sàn TMĐT của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2); xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon.

Với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các tình huống khẩn cấp. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt”.  Xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

10 giải pháp đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng, tăng tổng cầu nội địa

Những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu trong thời điểm này càng làm nổi bật vai trò của thị trường nội địa và cần các giải pháp định hướng phát triển mạnh mẽ hơn. Việc chờ đợi các thị trường xuất khẩu truyền thống phục hồi không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, trong khi việc phát triển thị trường trong nước lại nằm trong tầm tay và có thể thực thi các giải pháp quyết liệt mang tính đột phá. Những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhìn từ góc độ tích cực, có thể là cơ hội để tái cơ cấu hoạt động kinh tế trong nước, nâng cao vai trò của nguồn lực trong nước cũng như sức mạnh của thị trường 97 triệu dân.

doanh nghiệp

Bên cạnh những giải pháp cấp bách ứng phó với dịch, theo Bộ Công Thương, trong dài hạn, các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm là cần tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp, nhất là nắm bắt, tận dụng cơ hội mới của thương mại điện tử để khai thác hiệu quả thị trường trong nước được dự báo đến năm 2030 với hơn 100 triệu dân. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng.

Trong đó, 10 giải pháp trọng tâm sẽ được quan tâm thực hiện gồm:

Chuẩn bị phương án thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ ngay khi các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm nông, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam.

 Triển khai kịp thời và hiệu quả các Chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hai công cụ: kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; tăng chi tiêu của Chính phủ thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển chợ đô thị; Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan và lực lượng chức năng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cung ứng thông qua phân luồng, phân tuyến lưu thông cho hàng hóa, phương tiện vận tải.

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững: Tiếp tục hoàn thiện khung khổ luật pháp và chính sách cho sự phát triển của thị trường bán lẻ; Xây dựng các chính sách bảo vệ thị trường, sản phẩm và các nhà phân phối trong nước, cũng như bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế;  Nghiên cứu xây dựng các rào cản kỹ thuật nhằm kiểm soát nguồn cung từ nhập khẩu để bảo vệ sản xuất và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

 Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối trên thị trường trong nước. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động phân phối trong nước đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường; Nâng cao năng lực trong công tác nghiên cứu, dự báo thị trường (dự báo cung cầu, giá cả, xu hướng thị trường, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm,…) và tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối.

Tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa: (i) Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hình thành các chuỗi liên kết thuần Việt; Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu trên thị trường trong nước; Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ của của hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại: Nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn, đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo, phát triển chợ truyền thống, chợ dân sinh đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ theo hướng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển và quản lý các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động và hạ tầng cần thiết cho thương mại điện tử.

Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử: Hoàn thiện môi trường pháp lý điều chỉnh các hoạt động bán lẻ trực tiếp và online,  thương mại điện tử, thích ứng với luật pháp và tập quán quốc tế. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử; Tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng kỹ thuật (mạng internet, các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán qua máy POS, thanh toán online…).

Nâng cao các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước: chủ động tổ chức thực thi chặt chẽ các qui định của pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá, xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật, triển khai hiệu quả công cụ ENT (Kiểm tra nhu cầu kinh tế) đối với các doanh nghiệp phân phối FDI để bảo vệ thị trường trong nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật đối với hoạt động phân phối, có biện pháp hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại trên thị trường.

Nguyên Hà