Bộ Công Thương giải thích lí do đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo

Việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục, tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ. Trong dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực đặt lên hàng đầu.
Thứ trưởng trần quốc khánh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ với báo chí xung quanh kiến nghị tạm dừng việc hoãn xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương từ 00h00 ngày 24/3/2020

Trong ngày 24/3/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị tạm ngừng thực hiện Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, tức tạm dừng việc hoãn xuất khẩu gạo từ 00h00 ngày 24/3. Theo Bộ Công Thương, kiến nghị này được đưa ra sau khi Bộ tiếp nhận phản ánh của một số doanh doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện hoãn xuất khẩu gạo để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu, theo đó vẫn tiếp tục thực hiện bình thường.

Ngay trong sáng 25/3/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về kiến nghị này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu dừng xuất khẩu gạo, ngay lập tức Bộ Công Thương có văn bản đề nghị vẫn tiếp tục xuất khẩu. Bộ Công Thương giải thích thế nào về điều này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trước hết chúng ta nhận thấy trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Nhu cầu đối với một số mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, trong đó có gạo đã tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Xuất phát từ đây, giá cả trên thị trường thế giới biến động rất mạnh. Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, trong hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó, một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh.

Ở trong nước, giá cả cũng có biến động theo chiều hướng chung của giá gạo trên thế giới, tăng từ 20-25% tuỳ theo từng chủng loại thóc, lúa gạo.

Đứng trước tình hình đó, nếu như ở tháng ba này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như hai tháng đầu năm, thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro thiếu mặt hàng gạo cho tiêu dùng trong nước.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Sau khi cân nhắc và lắng nghe ý kiến các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ kết luận tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo cho đến cuối tháng 5/2020, trên tinh thần đó Tổng cục Hải quan cũng đã có chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Công Thương có nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp và một số tỉnh, thành. Họ chia sẻ, có thể có độ vênh nhất định giữa số liệu mà Bộ Công Thương có được so với số liệu thực tế mà các doanh nghiệp nắm được, đặc biệt là sản lượng vụ Đông Xuân của đồng bằng sông Cửu Long.

Độ vênh này cũng dễ hiểu, vì trước đây lượng gạo sản xuất, lượng ký hợp đồng và lượng tồn kho... chúng ta có cơ chế kiểm soát rất chặt thông qua Hiệp hội lương thực Việt Nam.

Tuy nhiên, từ khi chúng ta Nghị định 107/2018/NĐ-CP chúng ta không còn những số liệu này nữa, các doanh nghiệp không đăng ký hợp đồng, không phải thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, số lượng gạo xuất khẩu, số lượng tồn kho... Chính vì vậy, đây là nguyên nhân dẫn đến sự vênh về số liệu.

Xuất phát từ đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ, cho phép kiểm tra lại các số liệu lần nữa. Kiểm tra về lượng tồn kho trong dân, dung lượng tồn kho trong các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu đã ký... số lượng có thể không lớn như chúng ta dự kiến. Sau khi báo cáo lại thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định.

Phóng viên: Được biết Thủ tướng Chính Chính phủ đã tạm thời đồng ý vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo. Vậy, bước tiếp theo của Bộ Công Thương sẽ là gì? và Bộ có những kịch bản cụ thể như thế nào để ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ví dụ như dịch bệnh kéo dài, thiên tai hoành hành?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trước hết Bộ Công Thương sẽ kiểm tra lại và đang xin phép Thủ tướng Chính phủ cho kiểm tra lại số liệu để khắc phục, nếu như có độ vênh về số liệu. Ngay lúc này, khi tôi đang trả lời các bạn, Thủ tướng Chính phủ cũng đang xem các đề xuất của Bộ Công Thương.

xuất khẩu gạo
Trong dịch bệnh, Bộ Công Thương khẳng định, luôn đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu

Hiện, Bộ Công Thương cũng đã tính toán 4 kịch bản để ứng phó với những tình xấu nhất có thể xảy ra như, dịch bệnh kéo dài, thiên tai hoành hành.

Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài thì chúng ta đã có nguồn dự trữ quốc gia, việc này Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo trong kết luận 121 về việc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tăng cường dự trữ quốc gia.

Thứ hai, Nghị định 107 yêu cầu các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông 5% lượng xuất khẩu trước đó của mình. Nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì luôn đảm bảo có lượng dự trữ trong doanh nghiệp.

Thứ ba, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả các kịch bản về lưu thông, phân phối hàng hoá, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ ở bất kỳ nơi nào.

Thứ tư, như chúng ta đã biết, một vụ lúa gieo trồng tương đối nhanh. Trong thời gian ngắn chúng ta có thể phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Xuất phát từ tất cả những yếu tố đó, chúng tôi cho rằng trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta vẫn có khả năng bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia.

Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu phải có sự kiểm soát nhất định. Nếu như chúng ta tiếp tục xuất khẩu với tốc độ của 2 tháng đầu năm, chúng ta sẽ đứng trước rủi ro cao là thiếu mặt hàng gạo phục vụ tiêu dùng trong nước. Trong lúc dịch bệnh này thì vấn đề bảo đảm an ninh lương thực đặt lên hàng đầu.

Hạ An