Bảo vệ quyền và lợi ích nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán

Đề tài Bảo vệ quyền và lợi ích nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán do ThS. Nguyễn Thùy Dung (Giảng viên Bộ môn Luật, Khoa Lí luận chính trị - Luật, Trường Đại học Hồng Đức) thực hiện.

TÓM TẮT:

Hiện nay, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán ngày càng tăng cao. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư cá nhân ngày càng được quan tâm, nhằm góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và công bằng. Bài viết sẽ làm rõ vấn đề thực trạng, cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường chứng khoán.

Từ khóa: nhà đầu tư cá nhân, thị trường chứng khoán, quyền và lợi ích nhà đầu tư.

1. Đặt vấn đề

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán ở Việt Nam có nhiều khởi sắc mới, dần trở thành một kênh huy động và phân bổ các nguồn vốn cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn là môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư là cá nhân. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán giai đoạn gần đây, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư cá nhân ngày càng được quan tâm, nhằm góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và công bằng.

2. Một số vấn đề đặt ra

2.1. Nhà đầu tư chứng khoán là cá nhân

Tham gia thị trường chứng khoán bao gồm các chủ thể: nhà phát hành, các tổ chức kinh doanh, tổ chức có liên quan và nhà đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân. nhà đầu tư cá nhân là những người có vốn, tham gia mua bán trên thị trường chứng khoán nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân chiếm một tỷ trọng lớn trong các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán và có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tính đến cuối năm 2022, số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 6,8 triệu tài khoản (riêng năm 2022 có gần 2,6 triệu tài khoản mở mới). Một trong những nguyên do dẫn tới tình trạng tăng đột biến như vậy là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người lao động bị mất việc làm nên cần một phương thức đầu tư sinh lời khác. Họ đã quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán và dẫn tới số lượng các tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục trong vòng 22 năm qua, vượt tổng số lượng tài khoản mở mới của giai đoạn 2016 - 2021.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đa số có nguồn vốn eo hẹp, họ không xác định đầu tư lâu dài; nhiều nhà đầu tư cá nhân bị hạn chế về kiến thức thị trường, dễ bị “dẫn dắt”; đầu tư theo tin đồn nên dễ bị tổn thương khi thị trường chứng khoán có những biến động tiêu cực.

2.2. Quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cá nhân

Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán ở nước ta ngày càng hoàn thiện với sự sửa đổi và ban hành Luật Chứng khoán năm 2019, nghị định hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan đã góp phần bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Bảo vệ quyền và lợi ích nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán là bảo vệ những quyền mà họ được hưởng trong quá trình thực hiện đầu tư chứng khoán như: quyền được tiếp cận thông tin, quyền tự do kinh doanh, quyền được sở hữu chứng khoán, quyền được bảo vệ bằng các chế tài.

Để có một thị trường chứng khoán minh bạch, công bằng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia, pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng phải công bố công khai và chính xác bản cáo bạch, báo cáo tài chính. Nhờ đó, nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ dễ dàng tiếp cận thông tin về thị trường để lập kế hoạch đầu tư phù hợp.

Là một loại tài sản, chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc một phần vốn góp vào tổ chức phát hành. Chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký, chứng khoán phái sinh, các loại chứng khoán khác. Do mang bản chất là một loại tài sản đặc biệt nên cho phép người sở hữu chứng khoán có các quyền tài sản như quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh (tự do chuyển nhượng cổ phần, mua bán để kiếm lời, quyền tự do tặng cho…).

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán, trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích nhà đầu tư thì tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường nếu gây thiệt hại. Các chế tài này được quy định cụ thể trong Luật Chứng khoán năm 2019; Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Thực trạng bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường chứng khoán

Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 - 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp tác động lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư cá nhân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine đã có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như một số sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán.

Đầu năm 2022, sự việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC không công bố đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này. Ngay sau khi phát hiện, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra phong tỏa tài khoản để tiến hành điều tra, đồng thời yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết. Đây là biện pháp chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm ngăn chặn, ngăn ngừa các hành vi sai phạm tiếp theo cũng như bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, đồng thời hoàn lại tiền giao dịch cho các cá nhân.

Hoạt động chào bán trái phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 xảy ra nhiều sự kiện khiến nhà đầu tư mất niềm tin và hạn chế đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tin tưởng vào tập đoàn lớn và mức lãi suất cao (lên tới 12%) nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Cung điện Mùa Đông, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil. 3 công ty này đều trực thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, sau 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty này (từ tháng 7/2021 - tháng 3/2022), với tổng giá trị 10.030 tỷ đồng đã bị UBCKNN ra Quyết định số 181/2022/QĐ-UBCK hủy bỏ, do phát hiện sai phạm về việc công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong quá trình phát hành.

Để đảm bảo quyền lợi các nhà đầu tư chứng khoán đặc biệt là nhà đầu tư chứng khoán cá nhân, các tổ chức đăng ký, lưu ký được yêu cầu có trách nhiệm dừng chuyền quyền sở hữu trái phiếu sang cho nhà đầu tư. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ vụ án và tiến hành khởi tố vụ án. Tháng 4/2022, UBCKNN ra thông báo nhà đầu tư đã tiến hành giao dịch mua trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cần liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để lưu thông tin và giải quyết thủ tục hoàn tiền. Để khắc phục hậu quả, Tập đoàn Tân Hoàng Minh ra thông báo sẽ sớm tiến hành hoàn trả lại số tiền nhà đầu tư đã nộp vào tài khoản phong tỏa của 3 công ty con. Thực tế, tính đến tháng 9/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nộp 2.100 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cục cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng kinh tế buôn lậu Bộ Công an (C03) tại Kho bạc Nhà nước.

Tháng 10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can là bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với cáo buộc gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp, lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước nhiều thông tin không chính thống về mối quan hệ giữa Công ty cổ phần Tập đoàn An Đông, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt và Ngân hàng SCB với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhà đầu tư cá nhân đã “ồ ạt” xếp hàng rút tiền gửi tại SCB và bán trái phiếu ADC-2018.09 gây xáo trộn trong hệ thống kiểm soát và khủng hoảng về nguồn dự trữ ngoại khối của ngân hàng SCB. Một hệ quả khác của sự việc này là lãi suất một số ngân hàng được nâng lên cao nhằm thu hút tiền gửi, trong đó có SCB lên tới 9,75%/năm và “lãi suất ngầm” lên tới 12%/năm nhằm “giữ chân” khách hàng. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo “bảo toàn vốn tiền gửi và vốn đầu tư trái phiếu” cho nhà đầu tư, đưa ra mức trần lãi suất áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng nhằm ổn định thị trường tài chính, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Trước nhiều diễn biến trên, tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 đã sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2022, theo thông tin từ Bộ Tài chính, khối lượng phát hành đạt 328.900 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù quyền và lợi ích nhà đầu tư cá nhân luôn được đảm bảo một cách tối ưu nhất nhưng trước tình hình thực tế những sai phạm gần đây trên thị trường chứng khoán đã cho thấy những lỗ hổng nhất định trong lĩnh vực này. Cụ thể, vấn đề hoàn tiền cho các nhà đầu tư mua 9 đợt phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn chưa được tiến hành do cần thời gian thụ lý vụ án và thi hành khi có quyết định của Tòa án. Do cần nhiều thời gian xử lý vụ việc nên gây tâm lý hoang mang khiến nhà đầu tư “dè dặt” hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán đặc biệt là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán đầu tiên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích nhà đầu tư chứng khoán cá nhân. Đầu tiên, về phía tổ chức phát hành chứng khoán. Đứng trước cuộc cạnh tranh giữa tổ chức phát hành với mục đích nhằm huy động số vốn lớn từ các nhà đầu tư nên “bất chấp” quy định pháp luật để đưa thông tin sai lệch với mức “lãi suất hấp dẫn”, sử dụng vốn huy động sai mục đích công bố.

Thứ hai, về phía cổ đông lớn trong các công ty đại chúng, với mục đích thu lời bất chính cho cá nhân mình nên đã thực hiện nhiều hành động thao túng thị trường chứng khoán như thu mua các mã cổ phiếu của công ty nhằm tạo ra cung và cầu giả, đẩy giá cổ phiếu lên cao rồi tiến hành giao dịch bán mà không thông báo với sở giao dịch chứng khoán.

Thứ ba, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán “câu kết” với tổ chức phát hành nhằm thu lợi bất chất khi cung cấp thông tin sai sự thật hoặc lôi kéo khách hàng tập trung mua một số cổ phiếu nhất định.

Thứ tư, về phía các nhà đầu tư cá nhân do hạn chế kiến thức chuyên môn, ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông trước những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ năm, quy định pháp luật về các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán còn ở mức nhẹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cá nhân, tổ chức vi phạm. Về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của UBCK Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán với các cơ quan có liên quan để kiểm soát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán. Ngoài những điều kiện để được cấp các loại chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 213 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ra, cần yêu cầu cá nhân tham gia thi và được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phải có sự hiểu biết pháp luật chứng khoán thông qua một khóa đào tạo bồi dưỡng pháp luật riêng.

Ba là, sửa đổi quy định mức phạt tiền trong hình thức xử phạt vi phạm hành chính giữ nguyên mức phạt gấp 10 lần khoản thu bất chính, nghiên cứu hủy bỏ mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bốn là, nâng cao yêu cầu mở mới tài khoản cho nhà đầu tư cá nhân. Có thể áp dụng cách thức yêu cầu các cá nhân muốn mở tài khoản phải vượt qua bài khảo sát đánh giá về hiểu biết đối với thị trường chứng khoán.  

5. Kết luận

Kể từ khi Luật chứng khoán năm 2006 được ban hành đến nay, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện khung phát lý góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Nhờ đó, tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán được cải thiện, nhiều vụ việc sai phạm nhanh chóng được phát hiện về xử lý kịp thời, nâng lực quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước được nâng cao.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định nhưng quyền lợi nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư cá nhân nói riêng luôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đặt lên hàng đầu trong đường lối, chính cách phát triển thị trường chứng khoán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1, Quốc hội (2013), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

2, Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự.

3, Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán.

4, Chính phủ (2020), Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật chứng khoán.

5, Chính phủ (2020), Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

6, Chính phủ (2021), Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

7, Báo Chính phủ, (2022), UBCKNN thông báo hoàn tiền cho NĐT 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh, truy cập tại: < https://baochinhphu.vn/ubcknn-thong-bao-hoan-tien-cho-nha-dau-tu-9-lo-trai-phieu-tan-hoang-minh-102220427094749446.htm >.

8, Lê Thanh (2022), Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, ảnh hưởng đến huy động vốn doanh nghiệp, truy cập tại: < https://tuoitre.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-dang-gap-kho-20221115150953539.htm>.

9, Huyền Anh, (2022), Lãi suất ngầm lên tới 12%/năm, truy cập tại: < https://vnbusiness.vn/ngan-hang/lai-suat-ngam-len-toi-gan-12-1089523.html>.

Protecting the rights and interests of individual investors in the stock market

Master. Nguyen Thuy Dung

Lectuer, Department of Law, Faculty of Political Theories - Law, Hong Duc University

Abstract:

Currently, the number of individual investors participating in the stock market is increasing. Facing the complicated movements of the stock market over the past period, the issue of protecting the rights and interests of individual investors is gaining increasingly attention in order to creat a healthy, transparent and fair investment environment. This paper clarifies the current situation and proposes solutions to better protect the rights and interests of individual investors in the stock market.

Keywords: individual investors, stock market, investor rights and interests.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương