Bàn về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và một số công việc để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật

LÊ QUỐC BẢO (Nguyên Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam)

TÓM TẮT:

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là các biện pháp áp dụng đối với hàng hóa khi lưu thông trong nước và qua biên giới (nhập khẩu hoặc xuất khẩu), như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn;… Bài viết đề cập đến một số công việc được cho là cấp bách để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật trong thương mại thời gian tới.

Từ khóa: Hàng rào kỹ thuật, thương mại, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn.

1. Hàng rào kỹ thuật có thực sự cản trở thương mại quốc tế?

Không ít người vẫn còn mơ hồ về câu hỏi: Hàng rào kỹ thuật có thực sự cản trở thương mại quốc tế?, đặc biệt với Việt Nam - được coi là nước mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mặc dù gia nhập đã hơn 10 năm, vẫn là điều cần thiết. Theo phân loại năm 2012 của Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) có 175 biện pháp phi thuế quan trên thế giới được áp dụng, trong đó có 58 các biện pháp kỹ thuật (bao gồm cả SPS và TBT), chiếm 1/3. Hiểu một cách đơn thuần là trên thế giới cứ 3 biện pháp phi thuế được áp dụng thì có 1 hàng rào kỹ thuật, TBT hay SPS.

Câu hỏi tiếp theo là số lượng nhiều nhưng liệu nó có kéo theo các chi phí hay gây tổn thất đáng kể cho thương mại hay không? Chưa có một thống kê trên toàn thế giới hoặc ở một quốc gia về tổng số các chi phí hay tổn thất như vậy, tuy nhiên có thể lấy một ví dụ liên quan đến tiêu chuẩn của EC đối với hàm lượng độc tố nấm Aflatoxin1 trong ngũ cốc và các loại hạt (chủ yếu là lạc) để hình dung về mức độ ảnh hưởng này. Theo nghiên cứu của Wilson và Otsuki (2003), năm 1997 với lý do bảo vệ sức khỏe người dân, EC đã giảm hàm lượng này xuống mức 4ppb2 (riêng B1 là 2ppb), trong khi tiêu chuẩn của Codex3 là 9ppb. Theo tính toán4, việc thắt chặt tiêu chuẩn này của EC có thể làm giảm xuất khẩu ngũ cốc và hạt toàn cầu khoảng 3,1 tỷ USD, nhưng nếu các nước nhập khẩu, kể cả EU áp dụng tiêu chuẩn của Codex, thì xuất khẩu toàn cầu mặt hàng này có thể tăng đến 38,8 tỷ USD. Điều này cho thấy một tiêu chuẩn khi được áp dụng bắt buộc sẽ ảnh hưởng tới thương mại như thế nào, nó không chỉ làm giảm khả năng xuất khẩu mà còn hoàn toàn làm mất đi cơ hội xuất khẩu vì năng lực sản xuất, đặc biệt của các nước đang phát triển không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu đặt ra.

Trong 2 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến một sự gia tăng mạnh về số lượng hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh thuế quan liên tục giảm theo các cam kết WTO và FTA5: Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và WTO, trong khi mức thuế trung bình trên thế giới giảm từ 13,1% năm 1995 xuống 7,1% năm 2014 (giảm gần 2 lần) thì các thông báo về các hàng rào kỹ thuật TBT cho WTO tăng từ 369 trong năm 1995 lên đến 2239 trong năm 2014 (tăng 6 lần). Lưu ý số lượng hàng rào SPS cũng diễn biến tương tự như vậy.

Có thể thấy, mục tiêu của Hiệp định TBT của WTO và các điều khoản TBT trong các FTA là thúc đẩy thương mại, tuy nhiên việc đạt được mục tiêu này hình như khó khăn và lâu dài hơn dự định. Ở một khía cạnh nào đó, một phần mục tiêu này cũng đạt được thông qua việc công khai, minh bạch các biện pháp TBT, tạo điều kiện cho người xuất khẩu biết trước các yêu cầu của thị trường mà có biện pháp đáp ứng. Tuy nhiên, những thách thức mới mà nhân loại phải đối mặt như vấn đề môi trường, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, khủng bố, an ninh mạng... cũng được các quốc gia đưa vào phạm vi điều chỉnh của TBT ngày một nhiều hơn, làm cho TBT ngày càng đa dạng, tinh vi hơn và hạn chế thương mại, cả ở khía cạnh tiêu cực và tích cực. Một trong các khía cạnh tiêu cực là có thể hạn chế hoạt động nhập khẩu trong ngắn hạn và một trong các khía cạnh tích cực là làm cho thương mại bền vững hơn trong dài hạn.

2. Bản chất của hàng rào kỹ thuật là gì?

Đây là các biện pháp áp dụng đối với hàng hóa khi lưu thông trong nước và qua biên giới (nhập khẩu hoặc xuất khẩu) như quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; các thủ tục kiểm dịch, vệ sinh, khử trùng, bảo quản, vận chuyển; yêu cầu về hệ thống chất lượng, hệ thống môi trường; yêu cầu về nhà xưởng, công nghệ thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm; yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tính hợp pháp của khu vực khai thác; yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tiết kiệm/bảo tồn năng lượng...

Các yêu cầu nói trên được thể hiện trong các văn bản pháp luật (ở Việt Nam gọi là quy chuẩn kỹ thuật) do các cơ quan nhà nước trung ương hoặc địa phương ban hành, trong các tiêu chuẩn được các tổ chức khác nhau thông qua và trong các quy trình, thủ tục đánh giá, kiểm tra, chứng nhận sự đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu của các văn bản pháp luật và tiêu chuẩn đó.

Một đặc điểm mới cần lưu ý đó là ngày một nhiều các tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục đánh giá, kiểm tra, chứng nhận không phải do các cơ quan nhà nước ban hành hoặc áp đặt, mà do nhiều nhóm có chung lợi ích, cùng ý tưởng hoặc thế giới quan xây dựng và khuyến khích áp dụng. Các tiêu chuẩn và quy trình, thủ tục như vậy được gọi chung là tiêu chuẩn tư nhân và hệ thống tự nguyện. Mọi người ở Việt Nam cũng không quá xa lại với một số logo dưới đây đại diện cho các tiêu chuẩn và hệ thống như vậy:

Một số các tiêu chuẩn tư nhân cũng được các thị trường, cơ quan nhà nước công nhận và trở thành rào cản thực sự đối với hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển nếu không đáp ứng các yêu cầu của chúng thông qua các chứng chỉ tương ứng, vì khá tốn kém về tiền bạc và thời gian để có những chứng chỉ như vậy.

3. Các nước làm gì để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật?

Để hạn chế tác động tiêu cực của hàng rào kỹ thuật đối với thương mại quốc tế, WTO thực thi Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) và Hiệp định áp dụng các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật (Hiệp định SPS, một dạng hiệp định TBT trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm). Ngoài ra ở phạm vi khu vực, nhiều FTA cũng điều chỉnh các điều khoản liên quan đến TBT và SPS nhằm thuận lợi hóa thương mại như đã đề cập.

Theo đó các nguyên tắc/nghĩa vụ, như: không biệt đối xử (MFN, NT), không cản trở thương mại quá mức cần thiết, công khai-minh bạch, có căn cứ khoa học và dựa trên đánh giá nguy cơ/rủi ro, được áp dụng.

Để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc trên, WTO và các FTA đều quy định nghĩa vụ thông báo các hàng rào kỹ thuật cho các nước thành viên, nhằm bảo đảm hàng xuất khẩu của một nước nhập khẩu vào các nước khác được thuận lợi không gặp những trở ngại không đáng có. Để phát hiện hiện ra các điểm bất hợp lý trong các biện pháp kỹ thuật của các nước khác, nhiều nước xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống đối phó với hàng rào kỹ thuật.

Các nước có hệ thống cảnh báo và đối phó tốt với hàng rào kỹ thuật là những nước tích cực nêu quan ngại tại diễn đàn của Ủy ban Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO. Điển hình là EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Mexico, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Braxin... Hàn Quốc mới đây áp dụng một hệ thống đối phó với hàng rào kỹ thuật của nước ngoài một cách có hiệu quả thông qua hình thành cái gọi là Liên minh TBT (TBT Consortium). Liên minh này liên kết 19 hiệp hội chuyên ngành, 3 Viện Nghiên cứu Thử nghiệm và 5 Tổ chức Nghiên cứu, Xúc tiếnthương mại và Đầu tư. Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của Hàn Quốc KOTRA làm tốt vai trò phát hiện các quy định kỹ thuật tại các thị trường trọng điểm. Các hàng rào kỹ thuật của nước ngoài ảnh hưởng tới thương mại của Hàn Quốc được đánh giá phân tích sâu và tìm các biện pháp đối phó. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thông qua các dự án, tối đa 200.000 USD/1dự án để nâng cao năng lực đối phó. Các quan ngại thương mại của Hàn Quốc được dàn xếp trong WTO chiếm khoảng 40% (trong 3 năm 2014-2016) và số còn lại được tiếp tục tham vấn song phương trực tiếp với tỷ lệ giải quyết đạt trên 80%. Điều này giúp cho việc xuất khẩu các mặt hàng mà Hàn Quốc quan ngại được tiếp tục thuận lợi do không gặp phải những rào cản phát sinh bởi quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Hàng rào kỹ thuật không chỉ đến từ nước ngoài mà phát sinh ngay tại trong nước, khi các cơ quan quản lý quan liêu, không bảo đảm nguyên tắc công khai - minh bạch, không tham vấn thực chất với các bên chịu tác động trong xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, không tiến hành đánh giá tác động, phân tích nguy cơ rủi một cách khoa học và bài bản trước khi ban hành.

Ví dụ sau đây cho thấy Mỹ bảo đảm các nguyên tắc của Hiệp định TBT cũng như tôn trọng việc tham vấn với các bên có liên quan cả trong nước và nước ngoài như thế nào khi xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật (theo cách gọi của Mỹ, nhưng thực chất là quy chuẩn kỹ thuật theo Hiệp định TBT). Bộ Năng lượng Mỹ trước khi ban hành tiêu chuẩn về bảo tồn năng lượng đối với tủ làm mát, tủ đông đã mất thời gian 5 năm (2011-2016) để thực hiện các đánh giá tác động và tìm ra phương án tối ưu. Tất cả các kết quả đánh giá tác động về xã hội, sản xuất và tiêu dùng và phân tích, giải trình về các phương án đều được công bố công khai trên Công báo Liên bang. Sau khi lựa chọn, phương án tối ưu đáp ứng được yêu cầu về quản lý như tiết kiệm năng lượng, các yếu tố về lao động, việc làm và tiêu dùng cũng như các chi phí gia tăng của người sản xuất được công bố đầu năm 2017 kèm theo lộ trình áp dụng và sẽ được thông qua nếu không gặp ý kiến phản đối từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các thành viên WTO (Thông báo của Mỹ cho WTO mã số G/TBT/N/USA/1215). Theo đó, lộ trình 2019-2048 và lộ trình 2021-2050 được áp dụng cho các mức tiêu chuẩn thử nghiệm khác nhau. Như vậy, thời gian tiêu chuẩn này từ lúc chuẩn bị xây dựng cho đến lúc có hiệu lực là 7 năm và 10 năm theo lộ trình tương ứng; và tiêu chuẩn dự kiến tồn tại trong vòng 30 năm.

Ở ví dụ khác, Hàn Quốc thường xuyên rà soát các quy chuẩn kỹ thuật do các cơ quan nhà nước xây dựng nhằm tránh những trở ngại không cần thiết cho thương mại trong nước. Riêng năm 2015, Hàn Quốc rà soát 203 quy chuẩn, trong đó hủy bỏ 36 (18%), hoàn thiện 77 (37%), sáp nhập 36 (18%) và duy trì 54 (27%). Như vậy, chỉ có 27% quy chuẩn còn đáp ứng bối cảnh hiện tại được duy trì, 73% số còn lại một số phải loại bỏ vì không đáp ứng và một số phải điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho sản xuất, thương mại nhưng tránh việc lạm dụng của người sản xuất khi chuyển từ cơ chế chứng nhận (bắt buộc) sang cơ chế tự công bố của người sản xuất/người cung ứng (chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm-postmarket surveillance), Hàn Quốc giảm việc kiểm soát trực tiếp nhưng tăng cường việc giám sát trên thị trường.

Sơ đồ dưới đây minh họa phương thức tiếp cận này của Hàn Quốc.

Sự đổi mới phương thức tiếp cận của Hàn Quốc trong quản lý chất lượng hàng hóa mang lại hiệu quả rõ rệt: Tỷ lệ hàng hóa không đạt yêu cầu giảm đáng kể, chỉ còn 10% năm 2013, trong khi số lượng hàng hóa được giám sát trong lưu thông nhiều hơn 1000 mặt hàng so với năm trước.

4. Việt Nam đã làm gì để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật?

Trước khi gia nhập WTO, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thực thi Hiệp định TBT ở Việt Nam. Việc thực hiện Đề án trong giai đoạn 2005-2010 và 2011-2015 đã giúp cho Việt Nam hoàn thiện đáng kể hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), hình thành mạng lưới các cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về TBT nhằm đáp ứng nghĩa vụ minh bạch hóa theo quy định của Hiệp định TBT.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan và thẳng thắn, việc hạn chế tiêu cực của hàng rào kỹ thuật của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa được tổ chức tốt, mặc dù quy trình được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chặt chẽ. Việt Nam chưa hình thành được một hệ thống đối phó với hàng rào kỹ thuật hoạt động có hiệu quả như của Hàn Quốc: trong 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam chưa một lần nêu quan ngại của mình đối với hàng rào kỹ thuật của các thành viên WTO khác, cũng như chưa một lần tham gia là bên thứ ba (quan sát viên) trong các quan ngại và tranh chấp về TBT tại WTO. Có thể chỉ ra nguyên nhân chính sau: các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật của nước ngoài đối với thương mại của Việt Nam, còn quá dè dặt trong việc nêu quan ngại, sự phối hợp và đồng thuận giữa các Bộ vì lợi ích chung chưa tốt, bên cạnh đó chưa có cơ chế hữu hiệu và chưa huy động đầy đủ các nguồn lực để có thể đối phó với các tác động tiêu cực của hàng rào của nước ngoài một cách hiệu quả.

Trong khi đó, khá nhiều các quy chuẩn kỹ thuật và văn bản quản lý tương tự được các cơ quan trong nước xây dựng, ban hành6 trong một thời gian quá ngắn thông thường 1, 2 năm, còn mang tính duy ý chí, không thực hiện việc đánh giá tác động của chúng một cách thực chất và khoa học đối với sản xuất, tiêu dùng, môi trường và các mục tiêu xã hội khác. Điều này làm cho nhiều quy định không khả thi, không những không mang lại hiệu quả quản lý như mong muốn, mà ngược lại, lại tạo ra những trở ngại không cần thiết như tăng chi phí và tốn thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên và chủ động soát xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các quy định quản lý kỹ thuật đã ban hành làm cho nhiều văn bản không còn phù hợp với bối cảnh mới không được sửa đổi, hoàn thiện hoặc loại bỏ, tạo nên sức ỳ trong quản lý, vô hình chung cản trở sự phát triển của sản xuất, kinh doanh. Theo tính toán chưa đầy đủ của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hàng năm các thủ tục quản lý chuyên ngành không cần thiết đã tiêu tốn khoảng 1.600 tỷ đồng của các doanh nghiệp, chưa kể các chi phí phát sinh và chi tiêu ngân sách để nuôi bộ máy phục vụ cho các hoạt động này.

Thấy được điều này, trong năm 2016-2017, Chính phủ chỉ đạo sát sao các Bộ xem xét loại bỏ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, áp dụng phương thức quản lý hiệu quả hơn như hậu kiểm thay cho tiền kiểm, đánh giá tác động quản lý, nguy cơ, rủi ro một cách định lượng trước khi thông qua quy định, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát trong lưu thông hàng hóa... Kết quả của quá trình này là một loạt các văn bản quản lý kỹ thuật được soát xét, sửa đổi bổ sung, các phương thức quản lý ít hạn chế thương mại hơn được áp dụng, môi trường sản xuất, kinh doanh, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện đáng kể, góp một phần vào việc kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển đề ra.

6. Việt Nam cần tiếp tục làm gì để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật?

Có rất nhiều việc cần làm, tuy nhiên xin đề cập đến một số công việc được cho là cấp bách sau.

Thứ nhất, việc cần làm đầu tiên để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hàng rào kỹ thuật cả của nước ngoài và ở trong nước đó chính là cần nhận thức lại về ảnh hưởng của chúng đối với sản xuất kinh doanh và cần có cam kết chính trị về vấn đề này ở tất cả các cấp, các ngành, từ trung ương cho đến địa phương. Điều này là tiên quyết vì không có chỉ đạo và giám sát từ cấp cao nhất thì chủ trương chính sách không thể đi vào đời sống và thành công. Không khó để thấy tầm quan trọng của việc cam kết của lãnh đạo trong áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ hai, để không thua trên sân nhà, cần xem xét hình thành một cơ chế và hệ thống cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp thực hiện việc đánh giá tác động quản lý (Regulatory Impact Assessment/Analysis - RIA) đối với các biện pháp TBT và SPS ở trong nước. Hệ thống này sẽ tiết kiệm cho nhà nước các tổn thất mà các biện pháp này có thể gây ra cho thương mại của Việt Nam nhiều hơn các chi phí để hình thành và vận hành chúng. Liên quan đến vấn đề này, từng có dự án PERQ của Hoa Kỳ giúp hình thành một bộ phận RIA tại CIEM, tuy nhiên bộ phận này đến nay cũng không còn hoạt động do không có đặt hàng từ các Bộ và mô hình này cũng không được nhân rộng tại các Bộ.

OECD7 và APEC8 đã đưa ra khuyến cáo nếu phương án thay thế chưa được đánh giá tác động một cách cẩn thận và khoa học thì tốt nhất là duy trì biện pháp hiện hành. Điều này đáng lẽ nên được áp dụng với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực TBT và SPS, bởi tính không lường trước được những tổn thất mà chúng có thể gây ra nếu không được đánh giá, xác định một cách thực chất, bài bản và đầy đủ.

Thứ ba, cần thay đổi phương thức xây dựng kế hoạch và tiến độ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Do việc đánh giá tác động và tham vấn các bên có liên quan trong quá trình xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn có chất lượng cần nhiều thời gian và kinh phí, vì vậy cần thay đổi cơ chế lập và thực hiện kế hoạch xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Có nghĩa là kế hoạch, tiến độ và kinh phí cho việc xây dựng này phải phụ thuộc vào các công việc cần làm và thời gian cần thiết để triển khai các công việc đó đối với từng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, chứ không ngược lại (như lâu nay việc xây dựng quy chuẩn/tiêu chuẩn được ấn định theo kế hoạch hàng năm, không xong là cắt). Việc xây dựng quy chuẩn/tiêu chuẩn không làm dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm, không vì số lượng mà cần chất lượng. Nếu không chúng ta sẽ không có các quy chuẩn, tiêu chuẩn có chất lượng và khả thi, trong khi lại có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn không được đánh giá đầy đủ, từ đó nguy cơ tạo ra các rào cản thương mại là rất lớn cho chính các doanh nghiệp của chúng ta. Từ ví dụ xây dựng tiêu chuẩn của Mỹ cho thấy không thể áp đặt thời hạn ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách duy ý chí, trừ một số trường hợp khẩn cấp, ví dụ như dịch bệnh, ô nhiễm nghiêm trọng trên diện rộng, vấn đề an ninh...

Thứ tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các biện pháp quản lý như cấp phép, kiểm tra, chứng nhận phải được soát xét, đánh giá hiệu quả áp dụng một cách thường xuyên nhằm loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, bối cảnh quản lý.

Thứ năm, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đối phó với TBT của nước ngoài trên cơ sở tham khảo các hệ thống của các nước, đặc biệt là của Hàn Quốc như đã đề cập ở trên. Căn cứ pháp lý để xây dựng hệ thống này là Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ngày 24/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Trung tâm của hệ thống này phải là Ban liên ngành TBT. Ngoài những thành phần Ban liên ngành TBT nêu trong Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg, cần xem xét bổ sung thêm các hiệp hội chuyên ngành; các viện, trung tâm thử nghiệm, nghiên cứu chuyên ngành để việc đánh giá được thực chất và định lượng và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phát hiện kịp thời các quy định kỹ thuật của các nước cản trở thương mại của Việt Nam song không được thông báo cho WTO.

Hy vọng trong năm mới và những năm tiếp theo, tầm quan trọng của hàng rào kỹ thuật không chỉ trên văn bản mà sẽ đi vào đời sống thông qua những cơ chế và hệ thống đối phó với chúng một cách hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, để không bị thua ở chính trên sân nhà, phải làm sao thương mại Việt Nam, ngoài những yếu tố khác, không bị ảnh hưởng bởi những quy chuẩn, tiêu chuẩn kém chất lượng do không được đánh giá tác động một cách thực chất và chậm được soát xét, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn đã thay đổi.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Có khả năng gây ung thư cho người, trong đó B1 là nguy hiểm nhất.

2Part per billion (ppb): phần tỷ.

3CODEX - Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế

4Được nhắc đến trong Phần giới thiệu cuốn sách ‘the WTO and Technical Barriers to Trade’ về nghiên cứu của John S. Winson and Tsunesiro Otsuki (2003), ‘Food safety and Trade: Winners and Losers in Non-Harmonized World’ Journal of Economic Intergration, 18 (2), June, 266-287.

5Hiệp định khu vực thương mại tự do.

6Theo Tổng cục Đo lường chất lượng, tính đến ngày 31/12/2017 Việt Nam có 678 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN)

7Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (hiện có 35 thành viên, Việt Nam chưa là thành viên của Tổ chức này).

8Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. UNCTAD, International Classification of Non-Tariff Measures, 2012 version.

2. John S. Winson và Tsunesiro Otsuki, An toàn thực phẩm và thương mại: Kẻ thắng và người thua trong thế giới không hài hóa. Tổ chức Thương mại Thế giới và Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, NXB Chính trị Quốc gia, trang 176-205.

3. Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, WTO.

4. Hiệp định Áp dụng các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật, WTO.

5. Thông báo của Mỹ cho WTO mã số G/TBT/N/USA/1215.

6. Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ngày 24/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại

7. OECD, Building an Institutional Framework for Regulatory Impact Analysis (RIA): Guidance for Policy Makers, version 1.1, 2008.

8. APEC, Information Notes on Good Practice for Technical Regulation, September, 2000.