Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tội phạm

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phổ biến, quán triệt, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, đảng viên, CC,VC nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tội phạm.
Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ thuốc lá điếu không rõ nguồn gốc
Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ thuốc lá điếu không rõ nguồn gốc

 

Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, góp phần tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, bảo đảm kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Bộ Công Thương đã ban hành các Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ ban hành văn bản và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm theo lĩnh vực quản lý nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thể chế hóa quan điểm phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng, chống tội phạm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thanh tra, Kế hoạch kiểm tra của Bộ; đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường ban hành các văn bản để triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với phát triển kinh tế, xã hội; làm giảm các hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung và làm giảm cơ bản các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm từng bước xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác phòng, chống tội phạm của Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực.

Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra một số dự án trong 12 dự án ngành Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ, nổi bật là công tác thanh tra tại: Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất; Công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem;  Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP và Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần DAP – Vinachem (DAP1); Dự án khai thác và chế biến muối Kali tại CHDCND Lào do Tập đoàn hóa chất làm chủ đầu tư. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, vi phạm, thiếu sót trong công tác công tác tổ chức, cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu; công tác đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Bộ đã kiến nghị xử lý, thu hồi về tài chính trong công tác đầu tư, tài chính; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; xử lý trách nhiệm đối với một số cá nhân, tập thể…; chuyển một số vụ việc sang Cơ quan Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Thực hiện Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020 (kèm theo Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2017).

Kết quả xử lý vi phạm hành chính thực hiện các nội dung theo Chương trình phòng, chống tội phạm: Số vụ kiểm tra: 449.411 vụ; số vụ vi phạm và xử lý: 277.859 vụ; số tiền thu từ xử phạt: 1.210,35 tỷ đồng; trị giá tang vật bị tịch thu: 526,71 tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số mặt hàng trọng điểm theo Đề án 1059:

- Đối với mặt hàng đường, thuốc lá ngoại nhập: Số vụ kiểm tra là 7.874 vụ; số vụ vi phạm và xử lý: 6.368 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 27,50 tỷ đồng; số tiền bán hàng tịch thu: 26,64 tỷ đồng.

- Đối với mặt hàng mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng: Số vụ kiểm tra là 5.402 vụ; số vụ vi phạm và xử lý: 3.282 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 24,36 tỷ đồng; số tiền bán hàng tịch thu: 70,66 tỷ đồng.

- Đối với mặt hàng rượu, bia, nước giải khát: Số vụ kiểm tra là 9.877 vụ; số vụ vi phạm và xử lý 5.730 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 13,69 tỷ đồng; số tiền bán hàng tịch thu: 23,45 tỷ đồng.

- Đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Số vụ kiểm tra là 2.623 vụ; số vụ vi phạm và xử lý: 1.753 vụ;  số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 12,63 tỷ đồng; số tiền bán hàng tịch thu: 8,66 tỷ đồng.

Kết quả chuyển cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để điều tra, khởi tố vụ án: Số vụ chuyển giao: 282 vụ; số vụ đã khởi tố: 61 vụ; số vụ chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính: 119 vụ; số vụ đang xem xét: 102 vụ.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý; tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an... đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương