Ai cũng biết bụi mịn ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng làm thế nào để phòng tránh?

Nhiều ngày qua, Hà Nội như được bao phủ bởi lớp "sương mù" do sự gia tăng của nồng độ bụi mịn ngoài trời. Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Cùng tìm hiểu bụi mịn là gì và tác hại của loại bụi này đến sức khỏe ra sao.

Bụi mịn là gì? Ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào?

ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí đáng báo động

Bụi có nhiều loại. Theo nhiều cách phân chia, nhưng nhìn chung bền vững trong không khí là các loại bụi rắn.

Bụi phân chia theo kích thước. Bụi to, bụi thô, bụi cát, bụi cỡ vừa, cỡ nhỡ, cỡ PM20, PM10, PM5, PM2.5, PM1... Các loại bụi to, bụi thô và cỡ vừa là các loại bụi nặng và nhanh chóng lắng xuống mặt đất và dễ bị cuốn đi theo nước. Bụi đường và bụi xây dựng phần lớn là loại bụi này. Xe cộ thường cuốn lên hoặc theo những cơn gió to. 

Nhìn chung loại bụi này chủ yếu gây bẩn, gây khó chịu, gây dị ứng tức thời chứ không ảnh hưởng tới sức khỏe một cách lâu dài, trừ trường hợp nồng độ quá cao tại mỏ than, cơ sở sản xuất xi măng, đá... 

Còn với đa số trường hợp ở thành thị, bụi thô cho đến bụi cỡ nhỡ dễ dàng lọc bởi khẩu trang và kể cả nếu không có khẩu trang, hệ hô hấp cũng có hệ thống ngăn chặn, lọc và đào thải bụi một cách tự động.

Bụi mịn và siêu mịn, từ 20µm cho đến khoảng dưới 2.5µm. Loại bụi này lơ lửng nhiều trong không khí, kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ nên rất ít lắng, chúng lơ lửng và lấp đầy trong không khí, dễ dàng len lỏi qua các loại khe cửa. 

Vì vậy, dù ở trong nhà, con người cũng vẫn bị ảnh hưởng dù đóng kín. Loại bụi này là kết quả của việc đốt cháy như: đốt củi, đốt rạ, đốt rác, đốt các chất cháy dở dang, khí xả động cơ, đốt than...

Bụi siêu mịn hoặc gọi chung là bụi mịn (tên gọi đúng của PM2.5) là loại có ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì kích thước quá nhỏ khiến chúng dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào các mao quản và xâm nhập về hệ tuần hoàn. Một khi đã vượt qua được lá chắn bụi ở phổi, chúng đi vào cơ thể và rất khó đi ra.

Bụi sẽ được máu luân chuyển và kết thúc ở các điểm cuối của mạch máu. Đến các mô và trở thành các chất cản trở trao đổi chất, thành những vị khách "không mời mà tới", có thể gây khó khăn trong chuyển hóa hoặc trục trặc trong quá trình trao đổi chất, quá trình nguyên phân. 

tác hại của bụi mịn đến sức khỏe
Bụi siêu mịn PM2.5 kích thước quá nhỏ khiến chúng dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào các mao quản và xâm nhập về hệ tuần hoàn.

Bụi mịn theo máu đi đến não và tích lại ở nền sọ lâu dần có thể làm cản trở quá trình trao đổi thông tin, tắc nghẽn sự truy cập và gây ra bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Sự nguy hiểm của ô nhiễm bụi mịn là việc sức khỏe bị ảnh hưởng về lâu về dài chứ không phải gây ra các vấn đề cấp tính. Nó giống như những người nghiện thuốc lá. Người hút thuốc lá cũng liên tục đưa vào phổi làn khói thuốc, họ không chết ngay, cũng không ốm ngay nhưng các vấn đề về hô hấp và các vấn đề khác lâu dài rồi cũng... "rủ nhau mà tới".

Nên chọn khẩu trang nào để tránh bụi mịn?

chọn khẩu trang nào để tránh bụi mịn
Bụi mịn lơ lửng trong không khí, có khả năng "xuyên qua" những chiếc khẩu trang thông thường

Các chuyên gia y tế cho rằng người dân khó có thể lọc được hoàn toàn bụi mịn trong không khí khi lưu thông trên đường, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.

Người lớn và cả trẻ em nên khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.

Các khẩu trang y tế hiện nay thường có hiệu quả lọc rất thấp, chỉ gồm 2-3 lớp vải không dệt. Bên cạnh đó, khẩu trang y tế cũng không đảm bảo độ kín để lọc các chất ô nhiễm có kích thước nhỏ.

Thực tế, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Trong khi đó, khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30-40% lượng bụi. Để ngăn được những loại bụi có kích thước siêu nhỏ như PM2.5, chúng ta cần sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng.

Người dân có thể trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 khi lưu thông trên đường. Đây là loại khẩu trang đáp ứng khả năng lọc bụi, vi khuẩn tốt. Ngoài ra, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết một mẹo đơn giản theo nghiên cứu của Đại học Thammasat (Thái Lan) để giúp người dân chống bụi là lót một lớp khăn giấy bên trong khẩu trang y tế hoặc đeo lồng hai khẩu trang.

 

Lan Anh (TH)