4 tín hiệu vui từ hoạt động xuất khẩu

Bức tranh xuất khẩu cho ta thấy niềm hy vọng rất lớn. Nếu nỗi lo lớn nhất trên toàn cầu trong dịch Covid-19 là đứt gãy nguồn cung, lại đang có những dấu hiệu hồi phục dần tại nước ta.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực trong nước cao hơn khối doanh nghiệp FDI
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực trong nước cao hơn khối doanh nghiệp FDI

Hy vọng lớn

2020 là năm rất đặc biệt của Việt Nam khi chúng ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế, thương mại. Nhiều chỉ số tăng trưởng của 4 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ của các năm trong giai đoạn 2016-2020.

Nhưng trong đó, bức tranh xuất khẩu cho ta thấy niềm hy vọng rất lớn. Nếu nỗi lo lớn nhất trên toàn cầu trong dịch Covid-19 là đứt gãy nguồn cung, lại đang có những dấu hiệu hồi phục dần tại nước ta.

xuat khau 4 thang dau nam
Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020

Bảng trên cho thấy, thứ nhất, chỉ duy nhất trong tháng 1 xuất khẩu tăng trưởng âm, 3 tháng gần đây đều dương. Cộng dồn 4 tháng đầu năm tăng 4,7%, thấp hơn so với mức 5,8% của cùng kỳ năm 2019, nhưng được coi là một nỗ lực vượt bậc khi hầu hết các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm, kể cả Trung Quốc.  

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực trong nước rất cao, sau 4 tháng đã đạt mức tăng 2 con số và luôn cao hơn khối doanh nghiệp FDI. Lý do là xuất khẩu khu vực FDI chịu tác động mạnh mẽ của giá dầu thô đang có xu hướng giảm.

Điều đó không chỉ cho thấy doanh nghiệp trong nước tạo được chỗ đứng nhất định trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà xét về trung hạn, còn mang tính bền vững vì ít bị phụ thuộc vào biến động của những loại hàng hóa nguyên liệu, nhiên liệu chủ chốt trên thế giới.

Thứ ba, sự gia tăng tỷ lệ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là hết sức rõ ràng và tăng liên tục qua từng tháng, từ dưới 30% đến sát ngưỡng 32%.

Cuối cùng, cán cân thương mại thặng dư 3,05 tỷ USD, cao hơn 4 lần so với 0,71 tỷ USD của cùng kỳ 2019.

Điều này cực kỳ quan trọng. Từ 2016 đến nay Việt Nam liên tục xuất siêu và tăng nguồn dự trữ ngoại hối. Năm 2016 dự trữ ngoại hối 31 tỷ USD thì 2019 con số đã là 79 tỷ USD, tăng hơn 2 lần.

Qua 4 tháng đầu năm, với hơn 3 tỷ USD xuất siêu, dự trữ ngoại hối vượt lên 84 tỷ USD, là tấm đệm lớn cho ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát.

Chắp nối nguồn cung

Trong khó khăn của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần tự lực, tự cường, duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều sáng kiến được triển khai như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây

Khó khăn của dịch bệnh cũng làm nổi bật vai trò của quản lý nhà nước. Từ sau Tết Nguyên Đán đến đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có hàng chục cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với lãnh đạo cùng cấp ở tất cả các thị trường chính của nước ta.

Cụ thể là với Bí thư tỉnh Quảng Tây; Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Tổng thư ký ASEAN; Cao ủy Thương mại EU; Hạ nghị sỹ của Bang Tây Virginia, Hoa Kỳ; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc; Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia…

Các cuộc đối thoại nói trên đã góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và chắp nối nguồn cung đang bị đứt gãy bởi dịch bệnh.

Sau cuộc điện đàm với Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc, hai bên đã nhất trí để Việt Nam trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, dệt may…

Một trong những phương hướng cụ thể hai bên có thể triển khai sớm là phát triển chuỗi cung ứng về linh kiện phụ tùng ô tô và nhanh chóng ban hành quy định cho phép doanh nghiệp khai thác ngay việc cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký ASEAN hai bên đã trao đổi về kế hoạch phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng khu vực; thảo luận đến sáng kiến chung của Bộ trưởng kinh tế ASEAN với Bộ trưởng kinh tế các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm khôi phục lại hoạt động kinh tế thương mại.

Trong buổi điện đàm với người đồng cấp Australia, hai bên đã thảo luận về mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ;

Đồng thời, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ hiệp định CPTPP; thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định RCEP và đảm bảo sự vận hành của các chuỗi cung ứng trong khu vực.

Bên cạnh đó, tùy từng thị trường Bộ Công Thương đã có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn như với Thị trường Hàn Quốc, đã vận động thành công các doanh nghiệp sản xuất thép của Hàn Quốc ngừng đề nghị Ủy ban Thương mại Hàn Quốc tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu từ Việt Nam;

Vận động phía Hàn Quốc ngừng điều tra và không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ ván ép của Việt Nam.

Với Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia... chủ động chuyển đổi mô hình tổ chức các chương trình giao thương từ trực tiếp thành trực tuyến; tìm đầu ra cho những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh;

Với Thị trường Trung Quốc, Campuchia, Indonesia... đã tổ chức các cuộc điện đàm, trao đổi, đề xuất biện pháp tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra thông quan tại các cửa khẩu;

Với Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... tìm kiếm những mặt hàng mới mà thị trường đang có nhu cầu mạnh trong bối cảnh Covid-19 như khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ, buồng khử khuẩn toàn thân...

Quế Võ