3 kiến nghị của VTM

Công đoàn VTM có 3 kiến nghị: Cho phép VTM khai thác ứng trước khoảng 1 triệu tấn quặng Limonit mỏ sắt Quý Xa để cấp cho Nhà máy gang thép Lào Cai duy trì sản xuất; các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp mà VTM đã trình; xem xét gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lâu dài của Nhà máy.

Đồng cam cộng khổ đã từng

“VTM hiện đang thiếu hai thứ quan trọng, đó là quặng Quý Xa và tiền để mua nguyên, nhiên vật liệu duy trì sản xuất. Nhưng thứ mà VTM luôn có sẵn, đó chính là những người lao động yêu nghề, đam mê cống hiến. Tôi tin tưởng khó khăn chỉ là trước mắt, VTM sẽ vượt qua. Chỉ cần có giấy phép khai thác, có quặng để sản xuất, người lao động được tiếp tục có việc làm sẽ quyết tâm gấp nhiều lần nữa để sản xuất ra gang, thép làm giầu cho Lào Cai - mảnh đất phên dậu Tổ quốc và phục vụ đất nước”.

Đó là tâm sự gan ruột của kỹ sư Nguyễn Đức Trung– Trưởng bộ phận Tự động hóa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM).

Đây cũng là tâm trạng chung của 1.383 người lao động gần 8 năm qua đã gắn bó với Nhà máy Gang thép Lào Cai thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt- Trung kể từ ngày thành lập. 8 năm, khoảng thời gian đủ dài để những mới mẻ ban đầu đã trở thành quen thuộc, những hồi hộp trong buổi đầu nhận chuyển giao công nghệ từ những chuyên gia nước ngoài chuyển thành sự tự tin, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật và người lao động. Những giọt mồ hôi đổ ra trên khai trường, trong mỗi kg quặng đã kết tinh thành sắt thép, đi đến mọi miền để dựng xây Tổ quốc…

Ai cũng biết khai thác mỏ là một nghề vô cùng khó khăn, vất vả và tiềm ẩn những nguy hiểm đặc biệt. Thế nhưng, khi “đất đã hóa tâm hồn” thì mọi công việc cho dù là nặng nhọc đến đâu cũng đều trở thành tình yêu và niềm tự hào!

Ra gang
Ra gang tại lò cao. Ở VTM luôn chạy đều 3 ca, lò không bao giờ tắt, người lao động chẳng quản khó khăn, vất vả.

Kể từ khi thành lập đến nay, VTM đã trải qua không ít khó khăn. Có giai đoạn giá phôi thép giảm dưới giá thành, sản xuất kinh doanh của Công ty không đạt hiệu quả, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, với sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo và Công đoàn Công ty, phần lớn người lao động VTM đều yên tâm công tác, xác định tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ cùng Công ty vượt qua mọi thử thách cho đến hôm nay.

Đặc biệt, suốt 8 tháng qua, kể từ giấy phép khai thác mỏ hết hiệu lực, người lao động VTM sống trong tình trạng phập phồng lo lắng. Công ty phải sản xuất trong điều kiện hết sức khó khăn, phải cầm chừng nguồn nguyên liệu quặng tồn kho, sản lượng chỉ đạt 70-80% năng lực sản suất dẫn đến chi phí tiêu hao nhiên liệu tăng.

Tuy nhiên, nhờ tình hình thuận lợi của thị trường thép và những nỗ lực của VTM về tổ chức lại bộ máy, giảm chi phí sản xuất, nên trong 7 tháng đầu năm 2021, sản lượng chỉ tăng 9% nhưng lợi nhuận ước đạt 356 tỷ đồng, 1.383 người lao động có mức thu nhập 9,0 triệu đồng/người/tháng, trong khi cùng kỳ 7 tháng năm 2020, Công ty lỗ tới 401 tỷ đồng. Những thông tin này khiến họ vui mừng và tràn trề hy vọng, mơ ước về sự đảo ngược dòng!

Đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép gia hạn

Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam -  CTCP, Công ty CP Khoáng sản Lào Cai và Công ty TNHH khống chế cổ phần gang thép Côn Minh- Trung Quốc.

VTM đã đầu tư xây dựng Nhà máy gang thép Lào Cai tại KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai với công suất 500 nghìn tấn phôi thép/năm và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1226/GP-BTNMT ngày 16/8/2007 cho phép khai thác mỏ sắt Quý Xa, huyện Văn Bàn, để phục vụ nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy gang thép Lào Cai và cung cấp ra thị trường.

VTM đẹp
Quang cảnh VTM trong nắng mùa thu

Theo đó, diện tích mỏ được phép khai thác là 81,78 ha, trữ lượng được phép khai thác là 34,5 triệu tấn quặng, thời hạn khai thác đến hết năm 2020. Mỏ sắt Quý Xa kể từ khi đi vào hoạt động đã khai thác khoảng 21,93 triệu tấn, trong đó cung cấp trực tiếp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai 4,262 triệu tấn, xuất khẩu trực tiếp 2,35 triệu tấn, bán nội địa 10,01 triệu tấn và tồn kho khoảng 5 triệu tấn quặng deluvi đã được nộp hết tiền và nghĩa vụ với nhà nước.

Bởi những khó khăn khách quan và chủ quan, trong nhiều năm, dự án của VTM chưa đạt công suất tối đa, do đó, đến ngày 31/12/2020, thời điểm giấy phép khai thác mỏ hết hiệu lực, thì VTM vẫn chưa khai thác hết trữ lượng khai thác được cấp. Trong khi đó, Nhà máy đang hoạt động hết công suất và rất thiếu nguyên liệu. Đứng trước tình hình này, VTM đã nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản số 1226/GP-BTNMT nêu trên. Nhưng đến nay, hồ sơ xin gia hạn khai thác chưa được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

Tại văn bản số 1695/ĐCKS-KS ngày 24/6/2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có nêu: “Việc cấp lại giấy phép khai thác quặng sắt mỏ Quý Xa sẽ được xem xét sau khi VTM tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 124/TB-VPCP ngày 22/9/2020 của văn phòng Chính phủ và doanh nghiệp cam kết cụ thể về việc thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo quy định”.

Về yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, tại công văn số 783/VTM-KH ngày 18/8/2021 gửi UBND tỉnh Lào Cai, lãnh đạo VTM đã khẳng định: “Về thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, đến thời điểm hiện nay, VTM không còn nợ ngân sách nhà nước về thuế, phí, các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp. Liên quan đến tái cơ cấu VTM, đến thời điểm này, VTM đã hoàn thành việc xây dựng Đề án tái cơ cấu trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thực tế và các quy định của pháp luật. Đề án tái cấu đang báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.

VTM toan canh
Người lao động đồng kham cộng khổ với VTM trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Đi tiếp mới tới đích

Từ tháng 4/2021, VTM đã có báo cáo về tình hình khẩn cấp hết nguyên liệu và nguy cơ dừng sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai với Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan có thẩm quyền, xem xét cho phép VTM khai thác ứng trước khoảng 1 triệu tấn quặng Limonit mỏ sắt Quý Xa để cấp cho nhà máy gang thép Lào Cai duy trì sản xuất trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Tái cơ cấu và xem xét gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa. Tuy nhiên, đề nghị này của VTM vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trong khi đó, tình hình đời sống của đoàn viên và người lao động VTM đã bắt đầu lao dốc. Thu nhập bình quân thấp, khó khăn về vốn nên tiền lương có lúc chậm trả khoảng 1 tháng, chế độ trang bị BHLĐ và bồi dưỡng độc hại chậm, khiến người lao động vô cùng lo lắng. Hết tháng 8, khi nguồn quặng tồn kho cũng không còn, tình hình còn tệ hơn: Công ty dừng sản xuất, 1.383 người lao động sẽ không còn việc làm, hơn 6.000 nhân khẩu sẽ bị ảnh hưởng, nảy sinh những bất ổn về an ninh trật tự, mất cân bằng trong an sinh xã hội…

Dù muốn dù không, đến cuối tháng 8/2021, Công ty sẽ dừng sản xuất vì không còn nguyên liệu. Trong lá thư của tập thể người lao động VTM có đoạn: “Chúng tôi rất hoang mang lo lắng, không biết rồi nhà máy sẽ như thế nào? Chúng tôi sẽ ra sao? Nhận thức rằng việc dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các gia đình người lao động, những người lao động như chúng tôi nếu mất công việc tại VTM thì cũng không còn đất để canh tác, trồng trọt và cũng không biết phải làm gì để có thu nhập tối thiểu cho gia đình”

Mọi quyết định đều có giá trị của nó, nhất là khi những quyết định đó được đưa ra kịp thời, đúng lúc, lại được xây dựng trên nền tảng lấy người lao động làm trung tâm, đặt người lao động và giá trị an sinh xã hội lên trên tất cả! Hy vọng rằng, khát khao chính đáng là được lao động của những người thợ khai thác quặng nơi mảnh đất Lào Cai – phên dậu của Tổ quốc sẽ được lắng nghe và thấu hiểu!

lao dong gioi
Những lao động xuất sắc, lao động giỏi của VTM trong lễ tuyên dương của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP năm 2018

 

Ông Phạm Đình Khương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung:

Việc dừng sản xuất Nhà máy gang thép Lào Cai sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế và an sinh xã hội của địa phương như: hơn 1.300 người lao động mất việc làm, không có thu nhập, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay khó tìm kiếm công việc thay thế. Đồng thời, khi dừng hoạt động, thiết bị nhà máy xuống cấp, hư hỏng và khi khởi động lại lò cao chi phí sẽ rất lớn, khoảng 70 tỷ đồng – chi phí tương đương như xây dựng một lò cao mới. Thiệt hại này thật vô cùng khủng khiếp. Công đoàn VTM khẩn thiết gửi tới 3 đề nghị sau: cho phép VTM khai thác ứng trước khoảng 1 triệu tấn quặng Limonit mỏ sắt Quý Xa để cấp cho Nhà máy gang thép Lào Cai duy trì sản xuất; các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp mà VTM đã trình; Chính phủ và các bộ ngành xem xét gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lâu dài của Nhà máy.

Ông Vương Duy Khánh, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP:

Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP thường xuyên nắm bắt tình hình và đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, động viên, chia sẻ với lãnh đạo VTM và người lao động. Công đoàn Tổng công ty đề nghị HĐQT, Tổng giám đốc tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước xem xét giải quyết cấp phép khai thác quặng sắt tại Mỏ sắt Quý Xa cho Công ty VTM để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Công đoàn cũng đề nghị Công đoàn Công Thương Việt Nam có ý kiến với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có ý kiến với Chính phủ, các bộ ngành liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc tại VTM, để người lao động có việc làm, an tâm cống hiến.

Ông Trần Quang Huy – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam:

Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tiếp nhận công văn của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTP về đề nghị tháo gỡ khó khăn tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung. Nhận thấy đây là một sự việc khá phức tạp, liên quan đến rất nhiều vấn đề trong đó có quan hệ ngoại giao giữa nước ta và nước đối tác, Công đoàn Công Thương đã triển khai kiến nghị lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm giải quyết khó khăn cho 1.383 người lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc. Một mặt, Công đoàn Công Thương cũng yêu cầu Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP chuẩn bị cho những tình huống không mong muốn có thể xảy ra, để có thể hỗ trợ người lao động một cách tốt nhất và sớm nhất có thể.

Minh Thủy